Không có nhiều "đất" để doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách thu hút vốn qua kênh trái phiếu, chấp nhận trả mức lãi cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với tiến sĩ Vương Quân Hoàng, chuyên gia kinh tế của Centre Emile Bernheim thuộc Đại học Brussels về những rủi ro và thuận lợi của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu.
TBKTSG Online: Theo ông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay có những thay đổi gì so với các năm trước, và ông nghĩ sao về những thay đổi này?
- Ông Vương Quân Hoàng: Theo tôi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2010 có quy mô lớn hơn so với các năm trước. Hiện nay, đã có nhiều đợt phát hành với số vốn huy động lên đến hàng ngàn tỉ đồng, trong khi chỉ cách đây 2 năm điều này là khá hiếm hoi, còn trước đó nữa thì việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức huy động lớn như vậy hầu như không có.
Bên cạnh đó, trái phiếu “thuần nợ” ngày một khó cạnh tranh so với trái phiếu có kèm theo quyền, cụ thể nhất và dễ thấy nhất là quyền chuyển đổi cổ phần. Đây là loại sản phẩm công cụ nợ phức tạp hơn về mặt tính toán giá trị, nhưng uyển chuyển hơn về quyền lợi cho người mua/nắm giữ. Trong các đợt phát hành lớn từ đầu năm 2010, khoảng hơn 10 đợt, thì có tới 8 đợt phát hành liên quan tới quyền chuyển đổi.
Trong năm 2010 khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ trái phiếu lớn hơn các năm trước, do nhiều ngân hàng chịu áp lực tăng vốn, các tập đoàn lớn chịu áp lực vốn góp và hoàn thành dự án. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp ít có khoảng lùi thời gian để tính toán điểm rơi tối ưu về khối lượng và thời điểm, điều kiện thị trường khi quyết định phát hành trái phiếu.
Như vậy, có thuận lợi nào cho doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu trong thời điểm này không, thưa ông?
- Một thuận lợi quan trọng có thể thấy là lạm phát dường như không còn là mối lo lớn của năm nay, vì vậy nỗi lo về khả năng không trả được nợ của doanh nghiệp có thể bớt đi phần nào.
Thực tế, doanh nghiệp hiện nay nếu muốn phát hành trái phiếu thường chọn trái phiếu chuyển đổi, vì tâm lý thị trường vẫn có niềm tin vào cổ phiếu, do đó trái phiếu chuyển đổi của các công ty lớn vẫn có cơ hội tiêu thụ. Như trong các tháng đầu năm nhiều ngân hàng tăng vốn qua phát hành trái phiếu là một ví dụ dễ quan sát.Tuy vậy, doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện không có nhiều “đất” trong phát hành trái phiếu.
Thực tế, chỉ một số doanh nghiệp có thương hiệu tốt thì mới nghĩ đến việc huy động vốn qua kênh này. Lý do là trái phiếu hầu hết được mua để nắm giữ dài hạn, nên nhà đầu tư sẽ không mua trái phiếu của một công ty nhỏ, làm ăn khó khăn hay tài chính không minh bạch.
Một trong những khó khăn hiện nay khiến cho thị trường trái phiếu khó phát triển mạnh là năng lực bảo lãnh của giới tài chính và sức tiêu thụ sản phẩm tài chính nội địa rất yếu. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu chính phủ nhiều đợt trong năm cũng khiến cho một phần tiền chảy vào loại chứng khoán này, vì vậy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của trái phiếu doanh nghiệp. Sức ép lịch trình phát hành của khối doanh nghiệp tăng cao trong năm 2010 và năm 2011 cũng sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp muốn huy động được vốn thì phải chịu lãi suất cao hơn.
Mức lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng, (dao động từ 14-16%). Mức lãi suất cao này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng trả lãi của doanh nghiệp, và như vậy, có dễ cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm lợi nhuận lớn từ các khoản vay này không?
- Lãi suất cao là một sức ép lớn cho doanh nghiệp. Mức trên 15% là rất cao và chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ đội lên đáng kể. Vì vậy, theo tôi, hiện tượng doanh nghiệp chấp nhận chi phí cao không phải để tìm kiếm lợi nhuận bù đắp, trang trải trong ngắn hạn, mà là đầu tư cho sự bứt phá trong tương lai. Đó là điều duy nhất khiến doanh nghiệp chấp nhận chịu đựng gánh nặng tài chính. Trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp nhờ vào một vài đợt phát hành trái phiếu, cổ phiếu, mà nhanh chóng thoát khỏi “điểm chết” và dư ra nguồn tiền thặng dư sau khi đã trả nợ.
Còn về phía những người mua, rủi ro của họ là gì khi mua trái phiếu doanh nghiệp? Nhà đầu tư nên làm gì để hạn chế rủi ro, thưa ông?
- Thực ra, đối với người mua trái phiếu doanh nghiệp hiện tại, rủi ro lớn nhất là số phận khoản tiền của họ. Lý do là khả năng mất năng lực thanh toán của doanh nghiệp rất khó đánh giá, vì hiện tại tình hình tài chính của doanh nghiệp chưa thật minh bạch. Trái phiếu phần lớn có thời hạn là từ 5 năm trở lên, nên việc bám sát tình hình doanh nghiệp rất khó chặt chẽ vì kéo dài quá lâu.
Biến động lãi suất và lạm phát cũng là một vấn đề mà nhà đầu tư khi mua trái phiếu cũng rất quan tâm. Nếu đã mua trái phiếu với lãi suất thấp, trong khi lãi suất ngân hàng, lạm phát tăng, nhà đầu tư sẽ thiệt hại nếu so sánh với lãi suất được nhận từ trái phiếu và lãi suất gửi ngân hàng.
Nhà đầu tư cũng có thể bị đọng vốn do khả năng thanh khoản thấp của trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, điều này khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Thị trường trái phiếu là thị trường của các nhà đầu tư lớn, và nó cần nhiều thời gian, khuôn khổ pháp lý và lịch sử vận hành ổn định để có thể định hình.
Theo tôi, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần sử dụng thông tin tín dụng từ các nguồn tin cậy để quyết định đầu tư vào trái phiếu. Bên cạnh đó, cũng cần bám sát rất kỹ thông tin phát hành cùng với sự vận hành của doanh nghiệp để chọn thời điểm bán hay tiếp tục nắm giữ trái phiếu. Nếu đầu tư lớn, rất cần có phương án phòng ngừa, ví dụ sử dụng tư vấn để bảo hiểm bằng cách tái tạo nguồn tiền theo các cách khác nhau, và tính được phương án lỗ tối ưu trong trường hợp xấu, căn theo nhu cầu sử dụng vốn.
Một số tập đoàn nhà nước hiện nay phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ?
- Nếu doanh nghiệp nhà nước không có khả năng trả nợ sẽ ảnh hưởng tiêu cực dài lâu đến cả nền kinh tế. Thứ nhất, hiện tượng chèn lấn nợ với doanh nghiệp tư nhân sẽ gia tăng mạnh hơn. Thứ hai, chi phí vốn xã hội sẽ tăng, và thiệt thòi lại thường rơi vào khu vực tư nhân. Thứ ba, các chi phí của nền kinh tế cho việc xử lý số phận các tập đoàn sẽ rất nặng nề. Và, thứ tư, tập đoàn nhà nước cơ bản có thể cần đến chi tiêu chính phủ để cứu trợ, do đó gián tiếp đẩy ngưỡng nợ quốc gia tới hạn.
Cũng có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu, ngân hàng mua lại, sau đó doanh nghiệp lại dùng khoản tiền này để trả nợ ngân hàng nhằm giúp ngân hàng xóa đi nợ xấu. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ bị tác động ra sao nếu doanh nghiệp gặp rủi ro trong kinh doanh?
- Thực tế rủi ro này rất cao, và những trường hợp như thế bị loại bỏ hoàn toàn trong thông lệ làm ăn của ngân hàng. Nhưng không thể phủ nhận là chúng vẫn diễn ra trong thực tế, thậm chí là ở nhiều dạng thức. Trong trường hợp này, nợ xấu sẽ chỉ bị che đậy nhưng vẫn tồn tại, và được “tặng thêm” rủi ro gia tăng, tức doanh nghiệp không thể trả được nợ thì ngân hàng cũng không thể đòi các tài sản thế chấp như trong cho vay tín dụng thông thường được. Nếu nợ xấu ngân hàng gia tăng thì ảnh hưởng đến nền kinh tế chắc chắn là không nhỏ.
Xin cảm ơn ông.
Thanh Thương thực hiện
TBKTSG ONLINE
|