Trái phiếu doanh nghiệp: Hấp dẫn nhờ lãi suất cao
Với mức lãi suất (LS) năm đầu tiên từ 14%-16%/năm và những năm sau tuy thả nổi, nhưng vẫn bằng LS tiền gửi VND kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng cộng biên độ từ 4%-5,5%, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư (NĐT).
Nhiều DN muốn phát hành trái phiếu
Mặc dù nhiều DN rất muốn phát hành trái phiếu, nhưng từ năm 2008 đến đầu 2010, hầu như rất ít DN phát hành thành công. Năm 2008, thị trường vốn bị suy thoái, giá vốn cao (LS huy động của NH có thời điểm lên đến 19,56%/năm), vốn hiếm. Sang năm 2009, tình hình kinh tế rất khó khăn, niềm tin vào DN xuống thấp, DN không tìm được người mua trái phiếu.
Năm 2010, khi kinh tế bắt đầu hồi phục, để tài trợ cho các dự án và tăng quy mô vốn hoạt động trong bối cảnh hệ thống NH không có đủ vốn trung - dài hạn để đáp ứng, nhiều DN có phương án phát hành trái phiếu và đã thành công.
Tập đoàn Sông Đà là DN phát hành TPDN bằng tiền VND đầu tiên trên thị trường vốn nợ VN trong năm 2010, với tổng giá trị 1.500 tỉ đồng (tương đương 79 triệu USD); Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu; TCty cổ phần XNK và Xây dựng VN (VCG) phát hành 2.000 tỉ đồng; CTCP Long Hậu (LHG) phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu (mệnh giá 1 tỉ đồng) để huy động vốn cho dự án khu dân cư Long Hậu; CTCP Vincom (VIC) phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu DN, với kỳ hạn trái phiếu là 5 năm...
Cùng với phát hành trái phiếu chính phủ khá thành công (khoảng 60 nghìn tỉ đồng), tình hình phát hành TPDN 6 tháng đầu năm 2010 cho thấy thị trường trái phiếu ở VN đã khởi sắc, niềm tin NĐT vào DN tăng lên. Các DN có thêm nguồn vốn trung - dài hạn với lãi suất ổn định và cơ cấu NĐT đa dạng hơn. NH giảm một phần sức ép cung cấp vốn trung và dài hạn...
Thành công nhờ LS cao
Có lẽ nguyên nhân chính, đầu tiên dẫn đến thành công của việc phát hành TPDN là LS cao. Trong khi mặt bằng LS huy động của NH đang giảm từ khoảng 12,5% xuống 11,5%/năm thì LS trái phiếu được chào ở mức rất cao. LS trái phiếu trong năm đầu tối thiểu từ 14%-15%/năm và thả nổi từ năm thứ hai, nhưng bao giờ cũng bằng LS tiết kiệm 12 tháng của NHTM cộng với biên độ từ 4%-5,5%/năm.
Có lẽ giữ kỷ lục LS cao nhất là trái phiếu của CTCP Vincom (VIC), kỳ hạn 5 năm, lãi suất 16%/năm, được điều chỉnh 6 tháng một lần, xác định bằng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng TMCP Công thương VN tại ngày xác định lãi suất cộng biên độ 5,5%.
Một nguyên nhân nữa khiến phát hành thành công TPDN trong 6 tháng đầu năm là bối cảnh của thị trường tài chính với những diễn biến như: TTCK lình sình, bất ổn; LS ngân hàng và LS trái phiếu chính phủ giảm; thị trường bất động sản ở nhiều vùng khởi sắc, nên việc phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án trở nên khá dễ dàng...
Có một câu hỏi đặt ra: Mức LS TPDN cao như vậy có làm xáo động LS thị trường đang trong xu hướng giảm theo chủ trương của Chính phủ và ảnh hưởng gì đến kênh huy động vốn NH? Có lẽ là không ảnh hưởng lắm, vì giá trị TPDN hiện chiếm tỉ trọng rất nhỏ so tổng giá trị thị trường vốn.
Bên cạnh đó, việc phát hành TPDN chủ yếu cho các tổ chức dưới hình thức bút toán ghi sổ nên khó gây ra sự so sánh, lựa chọn của người gửi tiền đối với kênh NH. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mức LS TPDN như hiện nay khiến chi phí đầu vào DN bị đội lên đáng kể, làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, để hạ được LS TPDN thì mặt bằng LS kinh doanh của NH phải giảm tiếp mới có tác động kéo mặt bằng LS TPDN xuống.
Vẫn cần vốn ngân hàng
Chỉ những DN quy mô lớn, khả năng tài chính tốt, thị trường tiêu thụ ổn định mới phát hành được TPDN. Nhìn danh sách các DN phát hành thành công trái phiếu trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là các tập đoàn DNNN lớn hoặc các Cty niêm yết có những dự án bất động sản hoặc dự án đầu tư cho hoạt động xuất khẩu. Các DNNVV chiếm 96% tổng số DN của cả nước không thể phát hành TPDN vì không đủ uy tín. Vì vậy, vốn NH vẫn là nguồn tài trợ chính của các DN.
Để mở rộng hơn khả năng tiếp cận vốn, một số DN đẩy mạnh phát hành trái phiếu chuyển đổi (loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của cùng một tổ chức phát hành theo các điều kiện đã được xác định trong phương án phát hành). Lựa chọn cách này, DN vừa có vốn, vừa tránh được LS NH cao, không phải tìm NH đánh giá định mức tín nhiệm và bảo lãnh, không phải chịu áp lực trả nợ.
Không chỉ phát hành trái phiếu trong nước, DNVN đang có tham vọng huy động vốn từ phát hành trái phiếu ra nước ngoài. Vừa qua có thông tin Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc bảo lãnh cho Tập đoàn Điện lực VN phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, với tổng trị giá phát hành khoảng 1 tỉ USD. Một số tập đoàn DNNN lớn cũng đang thăm dò khả năng phát hành qua kênh này trong thời gian tới.
Trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp (DN) phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc và lãi của DN phát hành đối với người sở hữu trái phiếu. Phát hành TPDN là phương thức huy động vốn trực tiếp từ thị trường vốn không qua các định chế tài chính trung gian, nên chi phí thường rẻ hơn vay ngân hàng. |
Tuấn Hải
lao động
|