VSP: Nỗi lo phía trước
Có lãi sau 5 quý lỗ liên tiếp, hoạt động ngành vận tải biển đã sáng sủa hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là tình hình của VSP đã hết khó khăn.
Khi Công ty Cổ phần Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (Shinpetrol - VSP) tung ra báo cáo tài chính năm 2009, thị trường rất quan tâm vì đây là doanh nghiệp có mức lỗ đứng đầu trong số các công ty thua lỗ trên sàn chứng khoán.
Những tưởng với mức lỗ 359,5 tỉ đồng trong năm 2009, VSP sẽ khó lòng bật dậy. Thế nhưng, báo cáo tài chính quý I/2010 của VSP lại cho thấy, Công ty không những thoát lỗ mà còn lãi hơn 11,6 tỉ đồng. Con số này, dù không đáng kể so với tổng nguồn vốn hơn 3.418 tỉ đồng của VSP, nhưng cũng đã vượt ngoài sự mong đợi của nhà đầu tư.
Thị trường đã phản ứng tích cực trước kết quả quý I/2010 của VSP. Từ mức thấp nhất 22.500 đồng/cổ phiếu (đầu tháng 4), giá VSP đã tăng liên tục lên 64.000 đồng/cổ phiếu (giữa tháng 5). Như vậy, giá VSP đã tăng tới 184% chỉ trong hơn 1 tháng.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, giá VSP đã nhanh chóng tuột dốc trước hàng loạt thông tin tiêu cực như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tuyên bố thoái vốn tại VSP, giá cước vận tải thế giới giảm mạnh. VSP hiện được giao dịch với giá 43.700 đồng/cổ phiếu (16.7), giảm 31% so với mức đỉnh được thiết lập vào giữa tháng 5.2010.
Khó khăn chồng chất
VSP đang đứng trước nhiều mối lo. Trước hết, việc rút vốn của Vinashin sẽ khiến VSP gặp khó khăn về tài chính. Bản thân Vinashin cũng đang đối mặt với những vấn đề của riêng mình (Vinashin hiện nợ hơn 80.000 tỉ đồng và phải tiến hành tái cấu trúc để thoát khỏi nguy cơ phá sản). Trong khi đó, VSP lại phụ thuộc quá nhiều vào Vinashin trong quan hệ vay mượn.
Báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2009 cho thấy, đến hết năm 2009, VSP đã vay và nợ Vinashin, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, tổng cộng 473,7 tỉ đồng, chiếm 20,7% nợ phải trả của Công ty. Chưa kể, VSP còn vướng những khoản phải thu, phải trả với Vinashin lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Ngoài ra, với hơn 60% nguồn thu đến từ dịch vụ vận tải, VSP sẽ khó lội ngược dòng khi giá cước vận tải thế giới đang giảm mạnh. VSP lại có đội tàu khá “thâm niên”, với độ tuổi trung bình trên 20 năm. Do đó, chi phí sửa chữa cho tài sản cố định của VSP luôn ở mức hàng trăm tỉ đồng.
Đó cũng là lý do khiến Công ty Chứng khoán Habubank nhận định, dù duy trì tỉ lệ khấu hao trên tài sản cố định thấp (7-8%), VSP vẫn không thể làm giá vốn thấp đi (giá vốn của VSP trong quý I/2010 tương đương 81% doanh thu).
Một mối lo khác là VSP đã và đang đầu tư khá dàn trải từ khu công nghiệp, khu giải trí, khu đô thị cho đến kinh doanh gạo, cát. Ước tính, tổng vốn cần để triển khai các dự án này phải trên 30.000 tỉ đồng, nhưng VSP lại thiếu vốn trầm trọng. Vì thế, không riêng gì các dự án đóng tàu, xây dựng hệ thống kho mà toàn bộ các kế hoạch đầu tư của VSP vẫn đang trong tình trạng dở dang.
Tính đến ngày 31.3.2010, tổng chi phí xây dựng dở dang ở VSP là 341,2 tỉ đồng. Trong đó, nhiều dự án có mức độ giải ngân rất thấp hoặc chưa có gì.
Chẳng hạn, VSP chỉ mới chi ra khoảng 120 tỉ đồng, chưa tới 10% vốn cho dự án đóng tàu hàng rời tải trọng 54.000 DWT và 2 tàu 22.500 DWT. Hay dự án kho Đình Vũ, lẽ ra theo kế hoạch sẽ được đưa vào khai thác từ giữa năm 2010, nhưng cho đến nay, VSP chỉ mới đầu tư 77,3 tỉ đồng, tức chưa đến 38% tổng giá trị đầu tư của dự án.
Để giải quyết bài toán vốn, năm 2009, VSP đã phải giải thể công ty con VTB Nam Việt, bán toàn bộ 51% cổ phần tại Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt, xin các ngân hàng và Vinashin lùi thời hạn thanh toán nợ và giãn nợ. Tuy nhiên, điều đó vẫn không giải quyết được tình trạng mất cân đối dòng tiền ở VSP.
Theo báo cáo tài chính quý I/2010, tính đến ngày 31.3.2010, tổng nợ phải trả của VSP là 2.226,5 tỉ đồng, chiếm 65% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ ngắn hạn lẫn dài hạn là 2.003 tỉ đồng.
Điều này cho thấy, VSP đã sử dụng đòn bẫy tài chính quá mức. Do đó, ngoài áp lực vốn cho kinh doanh và đầu tư, VSP còn phải chịu sức ép trả nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản lãi vay. Năm 2009, chỉ riêng chi phí lãi vay đã là 141 tỉ đồng.
Loay hoay tìm hướng đi
Thế nhưng, VSP không hoàn toàn bi quan. Công ty đã đề ra kế hoạch lợi nhuận năm 2010 là 107 tỉ đồng, nghĩa là lãi thực tế phải đạt ít nhất 450 tỉ đồng để bù vào khoản lỗ.
Trong giải trình lợi nhuận quý I/2010, VSP cho rằng, việc phục hồi giá cước vận chuyển, cùng với việc đội tàu sau giai đoạn sửa chữa đã được đưa vào khai thác, sẽ giúp cải thiện tình hình hoạt động của Công ty. VSP cũng kỳ vọng về khả năng tạo ra lợi nhuận từ việc chuyển hướng đầu tư vào bất động sản.
Tại Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 16.6, VSP cho biết sẽ đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Vận tải và Đầu tư Bất động sản Việt Hải. Đối với dự án sân golf Mê Linh, Cụm công nghiệp và dịch vụ cảng biển Long An, VSP sẽ xin chuyển đổi mục đích đầu tư thành khu đô thị, khu nghỉ dưỡng.
Để có tiền đầu tư, VSP dự tính sẽ tìm đối tác liên kết, đồng thời chuyển nhượng một phần vốn ở các dự án như Khu đô thị Mê Linh tại Hà Nội, Khu đô thị Long An, Khu giải trí tổng hợp phục vụ công nghiệp và cảng Cái Lân. Song song đó, VSP cũng lên kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu từ nguồn thặng dư trên 1.000 tỉ đồng, phát hành trái phiếu trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ khả năng thành công của các kế hoạch trên. Liệu VSP có thể xin chuyển nhượng thành công 2 dự án ở Mê Linh và Long An? Vấn đề kêu gọi đầu tư sẽ ra sao khi từ quý IV/2009 đến nay, VSP vẫn chưa tìm được đối tác nào để thực hiện chuyển nhượng hay hợp tác triển khai dự án?
Nếu VSP không sớm đem đến tin vui cho nhà đầu tư, giá cổ phiếu của Công ty sẽ khó lòng bứt phá.
Ngọc Thủy
Nhịp Cầu Đầu Tư
|