Thứ Năm, 22/07/2010 14:18

Bốn yếu tố kìm hãm thị trường

Có một câu hỏi đang đặt ra là với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định theo chiều hướng tốt lên như vậy, tại sao VN-Index vẫn lình xình ở mức 500 điểm từ đầu năm đến nay?

Tình hình thế giới

Đà tăng điểm 8 phiên liên tiếp của chứng khoán Mỹ đã bị chặn lại vào ngày thứ Sáu tuần trước do các thông tin lo ngại về kinh tế Mỹ, khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng xuống 66,5 (so với mức dự báo là 75 và chỉ số tháng trước là 76). Các chỉ số về sản xuất chung của Mỹ đều giảm, báo hiệu sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trong thời gian tới.

Tại châu Âu, vấn đề được quan tâm là kết quả kiểm tra đối với các tổ chức tài chính sẽ công bố vào ngày 23/7 với hy vọng châu Âu sẽ bước vào thời gian ổn định, kịch bản giống như những gì đã xảy ra với Mỹ vào đầu năm 2009.

Tình hình Việt Nam

Mặc dù các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất nhưng mức huy động vẫn khoảng 11%. Không có sự chênh lệch lớn giữa mức lãi suất của các kỳ hạn khác nhau. Một số ý kiến cho rằng lãi suất đã giảm sâu đến mức có thể.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn đang tiếp tục tốt dần lên, tạo thành một "vùng đệm" cho TTCK trước các diễn biến xấu của TTCK thế giới.

Tăng trưởng đang được cải thiện. GDP quý II tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2010 chỉ tăng 5,8%). Lạm phát theo tháng tiếp tục được duy trì ở mức thấp (CPI tháng 7 của Hà Nội tăng 0,25% và của TP. HCM giảm 0,09%), với sự hỗ trợ của việc giá cả hàng hóa nguyên vật liệu thế giới đi xuống và chính sách tiền tệ tương đối chặt chẽ.

Việc các khoản vay ngoại tệ đến hạn vào quý III cũng gây một sức ép nhất định lên tình hình ngoại tệ, nhưng những khoản giải ngân FDI và vay tín dụng từ các tổ chức quốc tế sẽ làm vấn đề tỷ giá không quá lo ngại. Tuy nhiên, bên cạnh lạm phát thì tỷ giá vẫn sẽ là vấn đề vĩ mô được chú ý nhiều trong 6 tháng cuối năm.

Nhận định thị trường

Có một câu hỏi đang đặt ra là với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định theo chiều hướng tốt lên như vậy, tại sao chỉ số VN-Index vẫn lình xình ở mức 500 điểm từ đầu năm đến nay? Theo chúng tôi, có 4 lý do chính.

Thứ nhất là sự pha loãng cổ phiếu. Trong một năm lợi nhuận của các DN hàng đầu dự tính tăng nhẹ (6%) mặc dù tăng trưởng doanh thu là rất tốt (26%), thì sự pha loãng cổ phiếu khiến EPS chỉ tăng hơn 2,5% (theo ước tính của CTCK HSC). EPS gần như không tăng nên giá cổ phiếu cũng không biến động lớn. Một số DN có kết quả kinh doanh quý II khả quan như ngành ngân hàng, nhưng việc nhiều ngân hàng đã sớm lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay khiến cho EPS tính trên số vốn mới là không hấp dẫn.

Cũng về vấn đề phát hành thêm cổ phiếu: việc phát hành thêm vào năm 2009 là thích hợp, vì khi thị trường tăng giá DN sẽ tranh thủ phát hành thêm để tăng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả trong một thị trường đi xuống thì việc phát hành tăng vốn cũng không hề chậm lại, cho thấy các công ty dường như đứng nhiều hơn về phía ban lãnh đạo (sự tồn tại của ban lãnh đạo và công ty đó) để giảm vay nợ (đồng nghĩa với giảm rủi ro phá sản), hơn là đứng về quyền lợi của cổ đông.

Thứ hai là việc hàng hóa lên niêm yết kém chất lượng hơn: Trong số 47 công ty lên niêm yết gần đây thì chỉ có 2 cổ phiếu (OGC, SBS) được liệt vào dạng blue-chip, nhưng cũng không có sự tham gia tích cực của NĐT nước ngoài. Các DN còn lại hầu hết đều có vốn hóa thị trường thấp (từ 60 tỷ đồng đến 1.200 tỷ đồng). Nhiều đơn vị, để tạo thuận lợi cho việc lên sàn, đã đưa ra các kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm 2009, điều này khiến hoặc DN mặc dù có kết quả rất tốt so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ đạt kế hoạch kỳ vọng, hoặc NĐT nghi ngờ về chất lượng lợi nhuận của DN trong những năm tới.

Thứ ba là việc phát hành riêng lẻ tràn lan. Việc phát hành riêng lẻ, phát hành trái phiếu chuyển đổi mà chỉ một số NĐT lớn được tham gia với giá chiết khấu từ 25% đến 50% đã đặt các NĐT nhỏ vào thế thua thiệt. Bản thân các mã cổ phiếu có hình thức phát hành trên cũng gặp nhiều trở ngại tăng điểm, do gặp phải lực bán từ các NĐT lớn với giá trung bình thấp.

Thứ tư là lực bán của các nhà tạo lập thị trường. Trong khi thị trường khá èo uột về cả điểm số lẫn khối lượng giao dịch thì một số CTCK, dưới áp lực phải đảm bảo lợi nhuận sau khi đã tăng vốn ồ ạt (phần lớn tăng gấp đối vốn điều lệ), đã liên tục bán ra các mã cổ phiếu có giá trung bình thấp (từ việc được mua chiến lược ưu tiên hay mua ở các mức giá thấp với lợi thế khi tư vấn niêm yết), dù giá cổ phiếu có thể nằm thấp hơn giá trị thực.

NĐT nhỏ đã trở nên khôn ngoan hơn nhiều. Sự tăng trưởng chậm của EPS, hàng hóa không hấp dẫn và việc NĐT nhỏ bị thua thiệt trong phần lớn trường hợp đã khiến cho dòng tiền trở nên thận trọng và chỉ chấp nhận mức P/E từ 12 - 13 lần như hiện nay, thay vì mức P/E trung bình 15 lần.

Như vậy, sau thời kỳ tăng trưởng mạnh sau khủng hoảng, TTCK có xu hướng giảm mạnh (từ 25 - 50%) và sau đó dao động trong một biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index đã dao động trong biên độ 480 - 550 điểm trong suốt hơn nửa năm 2010. Các TTCK thế giới khác dường như mới tạm ngừng quá trình giảm điểm và đang tìm biên độ dao động của mình. Khi nào 4 vấn đề chúng tôi nêu trên được cải thiện, các chỉ số sẽ tìm được lại xu hướng tăng trưởng.

 CTCP Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Chứng khoán nửa cuối năm: Vẫn thận trọng... (22/07/2010)

>   "Quỹ đầu tư" biến tướng (22/07/2010)

>   Chạy theo cổ phiếu “dòng họ”  (22/07/2010)

>   CTC giải trình tăng trần 5 phiên liên tiếp (21/07/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 4 liên tiếp (21/07/2010)

>   Cổ phiếu nhỏ lên ngôi: “Bó tay” với giải trình? (21/07/2010)

>   Nhà đầu tư thận trọng với đòn bẩy tài chính (21/07/2010)

>   TTCK: Vì sao thanh khoản thấp? (21/07/2010)

>   Cổ phiếu họ PV được quan tâm trên thị trường OTC  (21/07/2010)

>   TTCK VN: Củng cố pháp lý, nâng chất hàng hóa (21/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật