Thứ Năm, 22/07/2010 05:55

Chạy theo cổ phiếu “dòng họ” 

Cùng tăng hoặc cùng giảm là diễn biến chung của những cổ phiếu "dòng họ" trên thị trường lâu nay như cổ phiếu (CP) Sông Đà, dầu khí hay Vinaconex. Rất nhiều nhà đầu tư lao theo CP “dòng họ” mà quên đi những rủi ro tiềm ẩn...

Sóng lớn   

Trong hai phiên giao dịch đầu tuần qua, một số CP thuộc “dòng họ” Lilama - Tổng công ty lắp máy VN - như CTCP Lilama 69 -1 (L61), CTCP cơ khí lắp máy Lilama (L35), CTCP Lilama 5 (LO5) đều tăng giá hết biên độ. Ngay sau đó, các CP cũng mang tên Lilama như L44, L62, L18... cũng tăng giá với khối lượng mua tăng dần lên. Tương tự, một số CP thuộc Tập đoàn dầu khí VN như CTCP tư vấn đầu tư và thiết kế dầu khí (PVE), CTCP kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (PVG), CTCP kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PGS)... tăng mạnh và kéo theo sự chú ý đối với những CP mang chữ “P” đầu tiên trên cả hai sàn niêm yết. Hiện tượng này được giới đầu tư trên sàn gọi là "sóng cổ phiếu dòng họ". Và "sóng dầu khí", "sóng Sông Đà"... là những thông tin được các nhà đầu tư (NĐT) rỉ tai nhau để cùng lao vào "lướt" kiếm lợi nhuận.

Trong quá khứ, thị trường không ít lần chứng kiến những đợt tăng giá rầm rộ và dài ngày của nhóm CP “dòng họ Sông Đà” hay CP “dòng họ xây dựng Vinaconex”. Đặc biệt trong vòng 2 tháng 3 - 4.2010, PVA, PVC, PVE,... của “dòng họ” dầu khí được nhắc đến với sự ngỡ ngàng khi mức độ tăng giá lên đến 100 -200%. NĐT nào theo kịp những con sóng này có thể kiếm lời 30% chỉ trong vòng một tuần (CP trên sàn Hà Nội tăng hết biên độ qua suốt 5 phiên giao dịch). Món lợi nhuận kếch sù và khá dễ dàng này luôn thu hút được số đông NĐT đua theo ngay khi vừa có những dấu hiệu cho thấy “sóng dòng họ” có thể nổi lên bất chấp những rủi ro.

Trên thực tế, một ngành kinh tế có những điều kiện thuận lợi và phát triển tốt thì không phải tất cả doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành này đều có kết quả kinh doanh tốt. Đó là chưa kể hàng loạt yếu tố khác như công tác quản trị, chiến lược phát triển, tiềm năng... của từng DN khác nhau theo quy mô của DN đó. NĐT cũng hiểu rõ điều này nhưng theo nhiều chuyên gia chứng khoán, tâm lý thích mạo hiểm, mua bán theo số đông và đặc biệt kỳ vọng mức lợi nhuận cao nên một số NĐT dễ dàng chạy theo “sóng”.

Kích giá nhờ tâm lý

Theo ước tính, trên hai sàn niêm yết hiện nay có 18 công ty có mang tên Vinaconex; “dòng họ” dầu khí có khoảng 30 công ty đang niêm yết và theo tin từ Tập đoàn dầu khí quốc gia VN, từ nay đến cuối năm sẽ đưa vào niêm yết CP của 28 đơn vị thành viên trên các sàn giao dịch; có 29 CP thuộc “dòng họ Sông Đà”;  gần 10 công ty có liên quan với Lilama... Các DN hầu như không hoạt động giống nhau mà đôi khi ngành nghề rất khác biệt. Ví dụ: CTCP dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET) hiện nay với mảng kinh doanh phân phối các mặt hàng laptop, điện thoại di động là chính; PVR - CTCP kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí VN chuyên kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch, thương mại và dịch vụ; PVL - CTCP bất động sản điện lực dầu khí VN... nhưng những CP này cũng đều có mức tăng khủng nếu “sóng dầu khí” nổi lên.

Theo ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP.HCM, tâm lý “thằng anh tăng thì thằng em cũng phải tăng theo” mới là nguyên nhân dẫn tới rủi ro cho NĐT. Ông Johen Nyvene lý giải: Một số biến động về lợi nhuận của công ty con sẽ có tác động tới kết quả chung của công ty mẹ vì được hạch toán vào báo cáo tài chính công ty mẹ. Nhưng bản thân NĐT phải đọc các báo cáo tài chính để hiểu về hoạt động của từng DN. Ví dụ, khi muốn mua CP của PVL hay PXS thì phải hiểu PVL làm gì, PXS làm gì chứ không thể nhắm mắt mua đại. Ở một khía cạnh khác, trong giai đoạn có ít biến động như hiện nay và nhiều NĐT đã có tâm lý chán nản khi các CP không có mức tăng giá như mong muốn thì tâm lý mua theo những CP “có sóng” rất dễ xảy ra.  Chính những NĐT có tâm lý chạy theo “sóng CP” đã tạo ra cơ hội cho những nhóm NĐT khác “làm giá” CP. Vì chỉ cần bỏ ra một khoản tiền để đẩy giá 1-2 CP cùng họ là sau đó có những NĐT mua theo cả những CP khác.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí cũng cho rằng chính tâm lý thích đua theo những cơn sóng nên NĐT dễ bị sóng đè. Trong khi nếu phân tích kỹ hơn thì với quá nhiều công ty con hoạt động phân tán ở nhiều lĩnh vực sẽ khiến cho công ty mẹ cũng gặp khó khăn trong việc quản lý, điều hành hay đưa ra chiến lược phát triển xuyên suốt. Do đó, việc tìm hiểu thông tin về tình hình DN, phân tích kỹ các chỉ số tài chính cơ bản luôn là việc quan trọng đối với NĐT.

Mai Phương

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   CTC giải trình tăng trần 5 phiên liên tiếp (21/07/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 4 liên tiếp (21/07/2010)

>   Cổ phiếu nhỏ lên ngôi: “Bó tay” với giải trình? (21/07/2010)

>   Nhà đầu tư thận trọng với đòn bẩy tài chính (21/07/2010)

>   TTCK: Vì sao thanh khoản thấp? (21/07/2010)

>   Cổ phiếu họ PV được quan tâm trên thị trường OTC  (21/07/2010)

>   TTCK VN: Củng cố pháp lý, nâng chất hàng hóa (21/07/2010)

>   Kiến nghị có thêm sản phẩm phái sinh cho TTCK (21/07/2010)

>   Thị trường ngày 21/07 và góc nhìn từ CTCK (21/07/2010)

>   AMV bị cảnh báo tăng trần 5 phiên liên tiếp (20/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật