Thứ Tư, 21/07/2010 10:53

TTCK: Vì sao thanh khoản thấp?

Liên tiếp gần 2 tuần giao dịch gần đây, thị trường dao động rất hẹp với thanh khoản thấp. Liệu thị trường có thực sự thiếu tiền?

Tâm lý là chủ đạo

Khi khối lượng giao dịch giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh cao và duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài, ngay lập tức xuất hiện những nhận phân tích rằng dòng tiền đang suy kiệt, thị trường đang cạn vốn... Tuy nhiên theo một NĐT có kinh nghiệm, lượng tiền trên thị trường có thể chia làm nhiều loại: Tiền mặt đang có sẵn trong tài khoản, tiền mặt sẵn sàng tham gia mua và tiền mặt sẵn sàng mua bằng được.

Với lượng tiền mặt đang có sẵn trong tài khoản ở bình diện rộng, chỉ duy nhất một nơi có số liệu, đó là Trung tâm lưu ký. “Một số CTCK cũng thường có báo cáo tổng kết lượng tiền mặt của khách hàng nhưng không công bố vì đó là bí mật kinh doanh và cũng chỉ là số liệu tại một CTCK. Theo tôi lúc này nên hiểu chính xác là thị trường đang thiếu hụt lượng tiền mặt sẵn sàng đẩy giá lên cao, hơn là thiếu tiền mặt nói chung”, NĐT này nhận xét.

Theo phân tích này, trường hợp thứ nhất là dù số dư tiền mặt lớn nhưng NĐT chấp nhận đứng ngoài thị trường. Lượng vốn này rất tiềm năng vì vẫn chưa bị chuyển sang các kênh đầu tư khác. Trường hợp thứ hai là NĐT vẫn thực hiện mua hàng ngày bằng một phần trong số tiền mặt đang có nhưng chỉ đặt mua giá thấp, mua được thì mua, không thì thôi. Trường hợp thứ ba là NĐT quyết tâm đặt lệnh để khớp mua bằng được trong vùng giá cho phép.

Hai trường hợp sau góp phần tạo nên thanh khoản hằng ngày của thị trường. Với trường hợp mua bằng được, NĐT thường khớp vào ngay khối lượng dư bán nếu thấy giá phù hợp.

Với trường hợp thứ hai, khi NĐT tháo chạy mạnh và quyết tâm bán bằng được thì bên mua chỉ cần chặn mua ở một vùng giá thấp là có thể khớp được. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khối lượng giao dịch thường tăng cao khi thị trường sụt giảm.

Một thống kê cho thấy lượng tiền sẵn sàng tham gia mua trên thị trường gần đây không phải là ít. Tại HoSE, từ giữa tháng 6 trở về đây tổng cầu tương đối tốt, khoảng trên 90 triệu đơn vị/phiên. Từ 12.7 đến nay, tổng cầu cũng xấp xỉ 85 triệu đơn vị/phiên và ngày 20.7 đạt 98,4 triệu đơn vị. Tổng cầu hàng ngày vẫn ổn định ở mức cao cho thấy lượng tiền sẵn có trong tài khoản có thể còn lớn hơn (vì có tiền mới được đặt lệnh mua).

Một con số cũng đáng chú ý là tỉ lệ dư mua rất cao: bình quân tới trên 55% trong 6 phiên gần đây. Điều đó có nghĩa là hơn một nửa khối lượng đặt mua hàng ngày đã không được thực hiện. Như vậy tiền không phải là nguyên nhân gây nên tình trạng lình sình và giao dịch èo uột, mà chính là sự cẩn trọng trong tâm lý. Người cầm tiền chỉ đặt mua ở các giá thấp chứ không mua giá cao một cách quyết liệt.

Chờ đợi cú hích

Câu chuyện dòng tiền hiện như một mắt xích vòng quanh: Vì dòng tiền giải ngân ít nên thanh khoản thấp và giá CP giảm, thị trường đi xuống. Ngược lại thị trường không tăng trưởng nên dòng tiền đứng ngoài. Câu chuyện quỹ VEIL không thoái vốn là một phép thử rất tốt cho khả năng bùng nổ khi được tháo gỡ sức ép tâm lý. Lực cầu đã gia tăng đột biến trong ngày 13.7 (tăng 37%) và NĐT sẵn sàng mua bằng được ở các mức giá cao.

“Có khả năng NĐT đang chờ một cú hích đột biến về tâm lý để giải ngân mạnh hơn. Khó có thể là kết quả kinh doanh vì quý này không nhiều bất ngờ. Có thể là câu chuyện tín dụng nới lỏng thời gian tới”, TGĐ một CTCK nhận xét. Nhiều NĐT cũng cho biết hiện CTCK vẫn sẵn sàng hỗ trợ đòn bẩy nhưng quan trọng nhất lúc này là rủi ro lớn.

“Không nhiều NĐT dám sử dụng đòn bẩy lúc này, không phải vì các CTCK khuyến cáo, mà là chính họ cũng không dám chắc về xu hướng sắp tới. Đòn bẩy chỉ đem lại hiệu quả nếu thị trường có xu hướng tăng trưởng rõ rệt. Thị trường đảo chiều giảm thì “chết” là lẽ đương nhiên, nhưng ngay cả khi đi ngang mà dao động thấp, mức lãi cũng quá nhỏ so với rủi ro có thể xảy ra. Vì vậy tiền đang giao dịch trong thị trường lúc này chủ yếu là vốn tự có” - một NĐT cho biết.

Câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đã được thị trường đón nhận khá lâu; tuy nhiên thực tế gần đây lại không cho thấy chuyển biến. Có lẽ thị trường đang trông đợi một cú hích quyết liệt hơn. Một điều khá thú vị là chỉ cần có tín hiệu thuận lợi từ thị trường tiền tệ là TTCK phản ứng ngay. Điều đó chứng tỏ CK tăng không hẳn do dòng vốn từ tín dụng đổ vào mà bước khởi động luôn xuất phát từ lượng vốn hiện có của NĐT.

“Rõ ràng tâm lý thay đổi thì dòng tiền sẽ thay đổi. Phần lớn các đợt tăng trưởng chỉ bùng nổ về khối lượng khi đã tăng lên một mức độ nhất định. NĐT khi đó sẽ chấp nhận rủi ro cao hơn, sử dụng đòn bẩy nhiều hơn. Chẳng hạn VN-Index nếu tăng trở lại trên 550 điểm, giá trị giao dịch tại HoSE sẽ vọt lên 3.000-4.000 tỉ đồng/phiên ngay”, vị TGĐ nói trên nhận xét.

Hoàng Nguyên

LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu họ PV được quan tâm trên thị trường OTC  (21/07/2010)

>   TTCK VN: Củng cố pháp lý, nâng chất hàng hóa (21/07/2010)

>   Kiến nghị có thêm sản phẩm phái sinh cho TTCK (21/07/2010)

>   Thị trường ngày 21/07 và góc nhìn từ CTCK (21/07/2010)

>   AMV bị cảnh báo tăng trần 5 phiên liên tiếp (20/07/2010)

>   Ngày thứ 2 khớp lệnh liên tục, giao dịch trên UPCoM tiếp tục giảm (20/07/2010)

>   Kể chuyện “hậu trường” 10 năm chứng khoán (20/07/2010)

>   TTCK : Chờ “sức khỏe” của dòng tiền (20/07/2010)

>   Cổ phiếu nóng, vẫn nóng (20/07/2010)

>   TTCK: Những chiêu làm giá mới (20/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật