TTCK : Chờ “sức khỏe” của dòng tiền
Giới phân tích cho rằng, các báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) chưa đủ lực để giúp TTCK VN thoát khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài và đưa các chỉ số đi lên. Điều mà phần lớn các nhà đầu tư (NĐT) đang kỳ vọng là chính sách mở rộng cung tiền của Ngân hàng nhà nước.
Ông Tống Minh Tuấn - Phó phòng Phân tích, CTCK Ngân hàng đầu tư (BSC) khẳng định: “Yếu tố chính khiến TTCK diễn biến lình xình hiện nay là dòng tiền chưa đủ mạnh, trong khi thị trường đang tiếp nhận một nguồn cung cổ phiếu tương đối lớn trong làn sóng tăng vốn và niêm yết mới”.
Khó khơi thông dòng vốn
Trong khi các chỉ số vẫn chưa được cải thiện thì nguồn cung ra TTCK ngày một gia tăng từ các DN có kế hoạch lên sàn, DN niêm yết dồn dập triển khai kế hoạch tăng vốn... Chỉ tính riêng Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), 6 tháng cuối năm, PVN sẽ hoàn thành niêm yết cổ phiếu của 28 đơn vị thành viên lên các sàn giao dịch chứng khoán HoSE, HNX, UPCoM. Trong nửa đầu năm, PVN đã thực hiện niêm yết cổ phiếu của 9 đơn vị lên sàn giao dịch chứng khoán; hoàn thiện hồ sơ niêm yết 16 đơn vị; đăng ký công ty đại chúng để niêm yết 6 đơn vị.
Theo con số ước tính của một số CTCK và quỹ đầu tư, từ nay đến cuối năm, tính riêng số tiền cần để có thể hấp thụ hết số cổ phiếu phát hành tăng vốn của các DN ngành tài chính, ngân hàng niêm yết đã tới hơn 70.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ chưa có những tín hiệu tích cực hỗ trợ TTCK thì đây lại là một lượng tiền khá lớn.
Một số CTCK cho rằng, đặt trong mối tương quan giữa diễn biến kinh tế vĩ mô hiện tại thì chính sách tiền tệ đang khá “chặt”. Ngoài tác động bất lợi đến TTCK thì còn ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các DN khi khó tiếp cận nguồn vốn. Nếu cứ để tình trạng này thì rất dễ dẫn tới tình trạng mất cân đối tiền - hàng trong thời gian tới.
Nhận định từ CTCK Rồng Việt cũng nhấn mạnh: “Yếu tố tác động mạnh nhất đến tâm lý NĐT hiện nay chính là chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước và khả năng hạ lãi suất trong thời gian tới”. Hiện mặt bằng lãi suất tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Diễn biến lãi suất chưa rơi về điểm hấp dẫn, cộng với cơ hội đầu tư trên TTCK chưa thực sự rõ nét đang khiến dòng vốn cho thị trường khó khơi thông.
Thị trường VN nói chung là hấp dẫn, nhưng NĐT nước ngoài đánh giá thị trường với tỷ lệ chiết khấu cao là do kém thanh khoản. Nếu không cải thiện được vấn đề này, VN khó thu hút được vốn mới.
Nới dần chính sách tiền tệ
Hiện, tình hình lạm phát cũng đã được kiểm soát và tăng chậm lại, cũng như dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong năm nay còn khá lớn, thì đây đã nên là thời điểm thích hợp để xem xét nới dần chính sách tiền tệ?
Báo cáo của CTCK Phố Wall cho rằng, chính sách mở rộng cung tiền của Ngân hàng nhà nước chưa thể xảy ra trong ngắn hạn và có thể độ mở cũng chỉ ở mức rất hạn chế giúp cải thiện thanh khoản của thị trường tiền tệ chứ không tăng mạnh dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Thị trường sẽ khó giảm sâu trở lại, song một khi chính sách tiền tệ không sớm tham gia tích cực vào việc thiết lập lại sự cân bằng tiền - hàng trên TTCK, thì thị trường sẽ khó thoát khỏi tình trạng lình xình kéo dài. Việc bớt thắt chặt chính sách tiền tệ cần được thực hiện đồng thời qua nghiệp vụ thị trường mở và giảm lãi suất cơ bản.
Về diễn biến thị trường, trong bối cảnh đi ngang ở vùng thấp với biên độ hẹp như hiện nay, NĐT nên quan sát nhiều hơn đến khối lượng giao dịch so với việc bám vào sự thay đổi chỉ số chung để ra quyết định đầu tư. Khi có thông tin tác động mạnh đến thị trường thì nhiều khả năng sẽ được phản ánh vào khối lượng giao dịch sớm hơn là tác động vào chỉ số giá thị trường. Dự đoán, dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung vào các mã cổ phiếu nhỏ có tính đầu cơ cao và một số mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh đột biến trong quý II, đặc biệt là thuộc nhóm ngành bất động sản và khoáng sản.
CTCK Vndirect cũng khuyến cáo, các mã có vốn hóa trung bình và nhỏ, chỉ tiêu cơ bản tốt và có dòng tiền mạnh là lựa chọn hợp lý cho mục tiêu ngắn, trung và dài hạn. Đòn bẩy tài chính chỉ nên sử dụng khi có dấu hiệu gia tăng của dòng tiền. NĐT nên tăng dần tỷ lệ nắm giữ trong các phiên giảm điểm hoặc các đợt giảm giá trong phiên.
Thời gian tới là quãng thời gian kỳ vọng vào một mặt bằng lãi suất giảm thực sự từ phía các ngân hàng, lợi nhuận các công ty niêm yết dự kiến khá tốt vào cuối năm, cộng hưởng với tình hình kinh tế thế giới bước vào chu kỳ ổn định và hồi phục. Hi vọng rằng sự kết hợp các nhân tố tích cực như vậy có thể khơi dậy những con sóng mới trên TTCK VN.
Nam Phương
diễn đàn doanh nghiệp
|