Thứ Ba, 20/07/2010 06:28

TTCK: Những chiêu làm giá mới

Kỳ 2: “Đội lái” và những cuộc chiến

Một nhóm NĐT hoặc các tổ chức hợp tác với nhau có khả năng tác động đến giá CP có thể xem là một “đội lái”. Vị thế của các “đội lái” được phân chia theo tầm ảnh hưởng trên thị trường, mối quan hệ và nguồn vốn. Chính vì vậy để khẳng định tên tuổi cũng như dằn mặt đối thủ cạnh tranh, đã xảy ra không ít cuộc chiến giữa các "đội lái".

Kỳ 1: Buôn có bạn, bán có phường

Ứng biến linh hoạt

Những NĐT có kinh nghiệm đều nhận xét: So với trước, các “đội lái” hiện giờ có kế hoạch bài bản hơn, thậm chí còn có cả kế hoạch B nếu kế hoạch A đổ bể. Các “đội lái” biết PR, tạo dựng uy tín cho mình, thường gửi tin nhắn hoặc gọi điện cho NĐT với nội dung gây sốc như: “5 phút nữa tăng trần”, “Đầu giá sàn cứ mua, cuối phiên sẽ trần”, hoặc “Anh muốn mua bao nhiêu để mai em đẩy hàng ra?”.

Chỉ vài lần như vậy, NĐT cá nhân sẽ bị thu phục trước cách thể hiện có vẻ “anh cả” của “đội lái”. Rủi ro lớn nhất đối với các “đội lái” trước đây chính là diễn biến thất thường của thị trường chung, nhưng hiện nay các đội này cũng đã tìm ra được cách khắc chế. Thay vì đánh CP tăng nóng, tại những thời điểm thị trường lình xình các “đội lái” sẽ chủ động cho CP đi ngang để tạo ra tâm lý CP được giữ giá. Khi một mặt bằng giá mới đã được tạo thành, nếu thị trường chung diễn biến tiêu cực, CP cũng giảm không quá sâu.

Như trường hợp CP S. được đồn sẽ đánh từ 3.0 lên 7.5 và giai đoạn 2 sẽ từ 7.5 lên đến 10.0. Nhưng khi tiến lên đến 6.0, diễn biến của thị trường không thật thuận lợi, dường như đã có động thái kìm giá của các “đội lái” và chờ đợi CP điều chỉnh giá do phát hành CP ưu đãi xuống chỉ còn hơn 2.0.

Tại mức giá khá hấp dẫn này, CP S. lại có hàng loạt phiên tăng lên đến 3.5. Trong trường hợp này, thay vì xả hàng bằng mọi giá, “đội lái” đã khá bản lĩnh khi ôm lại CP để đánh lên lại và bắn tin ra ngoài sẽ đánh CP trở về mức giá 5.0. Hoặc như trường hợp của một CP nóng trong họ Dầu khí, khi đang được đẩy lên ngon trớn thì thị trường chung điều chỉnh.

Thay vì vung tiền ra để đỡ giá CP, “đội lái” CP đã chấp nhận để CP giảm trở lại, chờ khi thị trường đảo chiều mới bung tiền ra để đánh lên tiếp. Điều này một mặt hạn chế được nguồn cung CP ra thị trường, tránh việc giá bị giảm quá sâu; mặt khác, mua 1 triệu CP với giá đáy để đẩy CP lên sẽ hiệu quả hơn so với việc bỏ ra nhiều tiền hơn để đỡ CP với giá cao.

Những cuộc thanh trừng

Mới đây, NĐT đã rỉ tai nhau về một vụ dằn mặt giữa hai CTCK trong việc đánh lên một CP thuộc nhóm ngành bất động sản. Thông thường trước khi đánh lên một CP nào đó, các “đội lái” chuyên nghiệp sẽ phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp xem có một “cá mập” ẩn mình nào không.

Nếu có, “đội lái” sẽ tiến hành thương lượng với “cá mập” đó để tránh trường hợp bị đánh úp. Thế nhưng có một CTCK đã gom mua CP mà không thương lượng vì tưởng rằng đã mua hết số CP từ đối thủ bán ra. Rốt cuộc, sau khi đánh lên được vài phiên, CTCK này đã bị CTCK đối thủ xả hàng rất mạnh, kèm theo thị trường chung đang diễn biến không thuận lợi, nên CP đã giảm về dưới cả mức giá trung bình mua vào.

Một trường hợp khác là tin đồn về việc 4 CTCK liên minh để đánh CP T. tăng giá. Cả 4 CTCK này đã thỏa thuận với một “cá mập” để không bị rơi vào tình trạng xả hàng. Kết quả là CP T. này đã tăng giá được 3 phiên nhưng sang đến phiên thứ tư, một lượng hàng từ “cá mập” kia đã được tung ra ồ ạt và CP T. đã giảm từ mức giá 4.0 xuống dưới 3.0 nên cả 4 CTCK phải ôm hàng.

Theo nhận định của giới đầu cơ, các “đội lái” thường có vốn liếng tính bằng nghìn tỷ đồng và được dẫn dắt bởi các “chủ tướng” có số má hẳn hoi. Nhưng hiện nay, với việc số lượng CP tăng lên, các “đội lái” cũng trở nên đa dạng hơn.

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết chỉ có vốn hóa 200-300 tỷ đồng, nên một nhóm NĐT cá nhân bỏ tiền ra đã có thể tác động đến giá CP hoặc thâu tóm. Nhiều “đội lái” vì quá hăng máu đã sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ cao để đẩy CP, nhưng khi thị trường chung điều chỉnh, đã phải lãnh quả đắng vì CP bị bán ra sụt giảm thê thảm.

Hiện nay một số “đội lái” mới nổi cũng khiến những anh cả kỳ cựu “ngứa mắt” và tất yếu những cuộc dằn mặt đã xảy ra. Một số “đội lái” tân binh mặc dù vốn mỏng nhưng lại thích thể hiện mình nên đã sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ rất lớn để đánh CP, điều này đã tạo ra áp lực cho chính các “đội lái”.

Thế mạnh của “đội lái” là tỷ lệ đòn bẩy có thể lên đến 10-15 lần, nắm được điều này các đối thủ khác bằng nhiều cách đã tìm được nguồn hàng cho riêng mình. Sau đó đợi các “đội lái” tân binh say máu đánh CP tăng hỗn được vài phiên sẽ tiến hành xả hàng thật lực.

Với nguồn vốn tự có khá mỏng, các “đội lái” tân binh đã không thể chịu nổi cơn lũ xả hàng của các đối thủ. Trong nhiều trường hợp, “đội lái” cũng là tác nhân khiến CP không thể tăng giá được. Nhiều NĐT hễ xem thấy cơ cấu của DN nào có tên của một CTCK là lập tức tránh xa, vì chỉ cần có một “đội lái” khác nhảy vào đánh lên sẽ bị CTCK này đem hàng xả ra hàng loạt.

Thái Ca

Sài Gòn Giải phóng

Các tin tức khác

>   Cơ hội cho TTCK 6 tháng cuối năm (19/07/2010)

>   Thị trường ngày 20/07 và góc nhìn từ CTCK (19/07/2010)

>   Ngày đầu tiên khớp lệnh liên tục, UPCoM-Index giảm nhẹ (19/07/2010)

>   10 năm TTCK: Hành trình của nhận thức, quyết tâm và sáng tạo (19/07/2010)

>   Người đặt nền móng cho thị trường chứng khoán Việt Nam (19/07/2010)

>   Góc nhìn tích cực từ nguồn cung (19/07/2010)

>   Quy mô thị trường có thể tăng gấp 2 - 3 lần (19/07/2010)

>   'Blue-chip là bò sữa, penny là những con bê' (19/07/2010)

>   Sàn UpCOM khớp lệnh liên tục: Đãi cát tìm vàng (19/07/2010)

>   10 năm TTCK VN: Cuộc chơi mới chỉ bắt đầu... (19/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật