Cơ hội cho TTCK 6 tháng cuối năm
Khủng hoảng nợ công tại châu Âu chủ yếu tác động đến tâm lý NĐT, khiến VN-Index giảm mạnh hơn so với nhiều chỉ số chứng khoán thế giới. Do đó, cơ hội để TTCK Việt Nam tăng trong 6 tháng cuối năm là khá lớn...
Ông Lawrence Wolfe, Giám đốc Phát triển kinh doanh Nhóm CTCK và quản lý quỹ Đông Á cho rằng, khủng hoảng nợ công tại châu âu tác động không đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Còn đối với TTCK, chủ yếu là tác động đến tâm lý NĐT, khiến VN-Index giảm mạnh hơn so với nhiều chỉ số chứng khoán thế giới. Do đó, cơ hội để TTCK Việt Nam tăng trong 6 tháng cuối năm là khá lớn.
Tại hội thảo, “Khủng hoảng Châu Âu: ảnh hưởng thực sự tới thị trường Việt Nam?”, do CTCK Ngân hàng Đông Á - Chi nhánh Hà Nội tổ chức ngày 16/7 vừa qua, ông Lawrence cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu nói chung, các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha nói riêng có tác động xấu đến xuất khẩu của Việt Nam khi họ thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, mức độ tác động là không đáng kể, bởi tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia đó không lớn.
Thực tế, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy. 6 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU) chiếm tỷ trọng chưa đến 15% (năm 2009 là 16,4%, trong đó Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan chiếm 2%) .
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 6,2 tỷ USD (chiếm 19,3%), tăng 22%; tiếp đến là ASEAN, đạt 5,3 tỷ USD (chiếm 16,5%), tăng 21%; EU đạt 4,8 tỷ USD (chiếm 14,9%), tăng 5,9%; Nhật Bản đạt 3,5 tỷ USD (chiếm 10,9%), tăng 31%; Trung Quốc đạt 2,8 tỷ USD (chiếm 8,7%), tăng 44%; Hàn Quốc đạt 1,2 tỷ USD (chiếm 3,7%), tăng 35%... Tính theo tháng, xuất khẩu sang EU tháng 5 đạt 800 triệu USD (chiếm 14%), tháng 6 đạt 1,7 tỷ USD (chiếm 27%).
Đồng Euro giảm giá so với USD cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam vào EU (từ đầu năm đến ngày 25/6, đồng Euro giảm 14% so với USD, trong khi VND giảm khoảng 3% so với USD), nhưng giúp nhập khẩu từ EU trở nên rẻ hơn. 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 2,9 tỷ USD (chiếm 7,4%), tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lawrence nhận định, tăng trưởng kinh tế của EU sẽ chậm lại, đồng Euro tiếp tục yếu đi làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, VND ổn định so với USD, còn đồng tiền của các thị trường xuất khẩu chính như Yên Nhật, nhân dân tệ sẽ giữ nguyên hoặc tăng. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng GDP cao.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2010 là 4,2%, năm 2011 là 4,3%, trong đó châu Á tăng cao nhất: 8,7%. Do đó, ông Lawrence cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 9% trong năm nay (trong đó xuất sang Châu Âu tăng 1 - 2%) và 8% cho năm 2011.
Theo đánh giá của ông Lawrence, tăng trưởng kinh tế Việt Nam là vững chắc. GDP quý I/2010 tăng 5,3%, quý II tăng 6,4%, tốt hơn kỳ vọng; tỷ giá ổn định, lãi suất đang giảm..., các DN sẽ có kết quả hoạt động khả quan, tăng được chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS).
Nhờ đó, TTCK sẽ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, nhất là khi hệ số P/E đang ở mức thấp và chứng khoán Việt Nam thời gian qua có diễn biến xấu hơn so với nhiều TTCK trên thế giới (chủ yếu là do tâm lý NĐT bi quan).
Trả lời câu hỏi của NĐT, lĩnh vực nào, DN niêm yết nào chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu, ông Lawrence cho biết, mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang EU nhiều nhất là giày dép, thuỷ sản và cà phê. Do đó, DN nào có tỷ trọng xuất khẩu 3 mặt hàng đó sang EU tương đối lớn sẽ chịu tác động.
Tuy nhiên, số DN niêm yết có hoạt động xuất khẩu sang EU không nhiều. DN giày dép chưa lên niêm yết. Đối với DN thủy sản, nhiều nước EU đang “ăn kiêng”, mà thủy sản là món ăn thích hợp, nên xuất khẩu vẫn tốt. Còn đối với cà phê, có lẽ chỉ có Cà phê An Giang (AGC), nhưng cà phê là đồ uống khoái khẩu hàng ngày, nên nhu cầu giảm không đáng kể.
Mặc dù vậy, ông Lawrence lưu ý, thời gian qua, giá cổ phiếu này tăng hơn gấp đôi trong vòng 1 tháng, nhiều khả năng có yếu tố phi kinh tế tác động.
Trí Dũng
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|