Sàn UpCOM khớp lệnh liên tục: Đãi cát tìm vàng
Hôm nay (19.7) sàn UpCOM chính thức áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục – một cải tiến đột phá theo kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT). Dòng tiền những ngày gần đây có dấu hiệu chảy mạnh vào thị trường này, tuy nhiên chất lượng của CP niêm yết tại đây vẫn là câu hỏi lớn.
Lợi thế của CTCK
Sàn UpCOM đóng cửa ngày tuần thứ hai của tháng 7 đạt mức tăng 7,3% và là tuần tăng giá thứ 5 liên tục. Đặc biệt sau khi có thông tin áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục từ cuối tháng 6, UpCOM-Index đã tăng khoảng 25,3%. Đây là mức tăng bất ngờ trong bối cảnh chung của hai sàn niêm yết ở trạng thái gần như không thay đổi: VN-Index tăng 0,5% và HNX-Index tăng 1,7%.
Theo nhận định của một số NĐT, dòng tiền có khả năng sẽ chảy vào UpCOM mạnh hơn sau khi sàn này chính thức áp dụng khớp lệnh liên tục. Nguyên nhân cơ bản nhất là yếu tố tâm lý khi NĐT được chủ động hơn trong chiến thuật giao dịch. “Trước kia để giao dịch được trên UpCOM, NĐT phụ thuộc rất nhiều vào việc CTCK có tìm được lệnh đối ứng phù hợp hay không. Với phương thức giao dịch mới, NĐT sẽ chủ động hơn trong giao dịch”, một người môi giới CTCK cho biết.
Giải thích về hiện tượng tăng giá bất thường của sàn UpCOM trong 3 tuần vừa qua, một nhân viên CTCK tham gia đặt lệnh cho UpCOM cho biết nhu cầu của NĐT đã tăng lên đáng kể. Lượng lệnh mua nhiều hơn với ý đồ đón trước “sóng” UpCOM sau thời điểm 19.7. Tuy nhiên, một phần không nhỏ trong các lệnh mua trên sàn này thời gian qua đến từ chính nhân viên của CTCK: “Cơ chế của UpCOM trong giao dịch thỏa thuận điện tử dựa nhiều vào vai trò của CTCK. Không loại trừ khả năng các lệnh của NĐT phải xếp sau các lệnh của chính tổ chức trung gian”, một NĐT cho biết.
Một nhân viên CTCK trên đường Kim Mã cũng tiết lộ nhóm của anh đang tích cực mua gom CP tốt trên sàn UpCOM nhiều ngày nay: “Khi khớp lệnh liên tục, NĐT có thể biết khả năng lệnh của mình có khớp không nếu khối lượng dư mua dư bán hiện trên bảng điện tử. Nếu không khớp cho khách hàng, chắc chắn họ sẽ phản ứng ngay. Không ít CTCK đang tận dụng thời buổi “tranh tối, tranh sáng” để vào lệnh trước”.
Thực tế ở một số CP đang đăng ký giao dịch tại đây, thanh khoản rất thấp và không loại trừ khả năng các CTCK với vai trò cam kết hỗ trợ đang thực hiện giao dịch cho chính mình.
Không rõ phong trào mua gom CP trên UpCOM trước thời điểm 19.7 có phổ biến trong các CTCK hay không nhưng rõ ràng lợi thế đang thuộc về chính các tổ chức trung gian này. Sau một tuần tăng giá liên tục đầu tháng 7, UpCOM đã có 4 phiên điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên theo nhận định của một số NĐT, “cuộc chơi” vẫn đang tiếp diễn và nhiều NĐT vẫn đang chờ đợi sau thời điểm 19.7 để tham gia sân chơi mới này.
Đãi cát tìm vàng
Trên một số diễn đàn CK bắt đầu nở rộ các chủ đề quảng cáo cho những mã CK đang đăng ký giao dịch trên UpCOM. Các số liệu tài chính đang được phổ biến rộng rãi không một nguồn kiểm chứng tin cậy nào. “Chúng tôi hiện cũng bắt đầu tiến hành phân tích cơ bản một số CP trên UpCOM để cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên vấn đề còn phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của NĐT vì công tác tổng hợp số liệu cũng mất thời gian”, GĐ phân tích một CTCK thẳng thắn thừa nhận.
Thông tin về DN cũng như các báo cáo phân tích cơ bản chuyên sâu có thể dễ dàng tìm thấy đối với các DN đang niêm yết trên HoSE hay HNX. Tuy nhiên, thông tin về DN trên UpCOM lại là một vấn đề khác. Khung pháp lý về yêu cầu công bố thông tin đối với DN trên UpCOM không chặt chẽ như với các sàn niêm yết và chính các CTCK cũng không mặn mà trong việc bỏ công sức phân tích, tổng hợp cho khách hàng của mình. Đối với NĐT cá nhân, thị trường UpCOM như một mảnh đất chưa khai phá và phong trào “đãi cát tìm vàng” mới chỉ bắt đầu.
Theo một báo cáo phân tích hiếm hoi về CP trên sàn UpCOM của CTCK Hòa Bình, một trong những đặc điểm của CP giao dịch tại đây là khối lượng lưu hành thấp, vốn hóa nhỏ: “Chúng tôi cho rằng kết quả sản xuất kinh doanh của đa số các CP trên UpCOM tương đối tốt và có thể tăng đột biến trong ngắn hạn. Tuy nhiên, NĐT cũng nên cân nhắc thời điểm nắm giữ CP hợp lý tùy thuộc vào tình hình thị trường và xét đến chi phí cơ hội khi nắm giữ các CP này”.
Những số liệu phân tích cũng cho thấy đa số CP trên UpCOM có tỉ lệ P/E trong khoảng dưới 15 lần. Tỉ trọng của nhóm này đối với P/E năm 2009, P/E trailing và P/E dự kiến năm 2010 lần lượt là 68,66%, 66,67% và 77,55%. Và nhóm CP có tỉ lệ P/E trên 30 cũng chiếm tỉ trọng khá lớn (10,2%). Một số CP cũng đang có tỉ lệ P/E dự kiến 2010 ở mức rất cao như PSP với 143,75 lần, PSB: 94,67 lần, NT2: 75,47 lần. Ngược lại cũng có một số CP P/E dự kiến 2010 rất thấp như HU1: 4,19 lần, VQC: 4,54 lần...
Thông tin phân tích về các CP trên sàn UpCOM đang là một rào cản lớn đối với số đông NĐT. Một số NĐT sành sỏi trong phân tích cơ bản cũng thừa nhận không dễ dàng trong việc tập hợp số liệu chứ chưa nói đến tính chính xác của các số liệu đó. Rủi ro cao đi kèm với lợi nhuận cao nhưng điều đó không có nghĩa là một môi trường thông tin tù mù và không đây đủ.
Những thay đổi trong quy chế giao dịch với UpCOM
HNX đã ban hành quy chế giao dịch với sàn UpCOM, trong đó quy định đơn vị giao dịch đối với phương thức khớp lệnh liên tục là 100 CP, thời gian giao dịch hàng ngày từ 8h30 đến 15h00, thời gian nghỉ giữa phiên từ 11h30 đến 13h30. Quy định về đơn vị giao dịch với phương thức thỏa thuận không thay đổi. Giá tham chiếu của CP là bình quân gia quyền của các giá giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh liên tục của ngày giao dịch gần nhất. DN đăng ký giao dịch tại UpCOM cũng không cần phải có CTCK cam kết hỗ trợ. H.N |
Hoàng Nguyên
lao động
|