TTCK trước nỗi lo "tiền ít hàng nhiều"
Trong khi nguồn tiền bổ sung cho thị trường vẫn chưa có tín hiệu khả quan, nếu không muốn nói là đang bị "bó", thì nguồn cung ra TTCK đang chồng chất: các DN có kế hoạch lên sàn dày đặc, nhiều DN niêm yết dồn dập triển khai kế hoạch tăng vốn… Diễn biến này khiến TTCK đối mặt với nỗi lo "tiền ít hàng nhiều".
Theo nhận định của một số CTCK cũng như quỹ đầu tư, đặt trong mối tương quan giữa diễn biến kinh tế vĩ mô hiện tại, thì chính sách tiền tệ đang hơi quá thắt chặt. Điều này không chỉ tác động bất lợi đến "sức khoẻ" của các DN, mà cả đối với TTCK.
Nếu chính sách tiền tệ không được nới dần, thì mức độ mất cân đối tiền - hàng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Bởi theo con số ước tính của một số CTCK và quỹ đầu tư, từ nay đến cuối năm, chỉ tính riêng số tiền cần để có thể hấp thụ hết số cổ phiếu phát hành tăng vốn của các DN ngành tài chính, ngân hàng niêm yết đã ngốn hơn 70.000 tỷ đồng. Đây là một lượng tiền khá lớn, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ chưa có những tín hiệu khả quan hỗ trợ cho TTCK trong thời gian tới. Hiện mặt bằng lãi suất tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Diễn biến lãi suất chưa hội đủ điều kiện khả thi để rơi về điểm hấp dẫn, cộng với cơ hội đầu tư trên TTCK chưa thực sự rõ nét đang khiến dòng vốn cho thị trường khó khơi thông.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - CTCK Kim Eng nhìn nhận, câu chuyện cung vượt cầu đã được phản ánh khá rõ nét trên TTCK hiện nay. Điều này có xu hướng tăng lên nếu chính sách tiền tệ không sớm thay đổi theo hướng nới dần. Để hấp thụ được một lượng cổ phiếu khá lớn từ các DN niêm yết mới, cũng như các DN phát hành tăng vốn, NĐT phải bán cổ phiếu đang nắm giữ, chứ không dễ tìm kiếm được nguồn tiền mới. Diễn biến này đang ảnh hưởng đến nỗ lực cải thiện tính thanh khoản cho TTCK.
Dù nhận định TTCK sẽ khó giảm sâu, nhưng tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội cho rằng, một khi chính sách tiền tệ không sớm tham gia tích cực vào việc thiết lập lại sự cân bằng tiền - hàng trên TTCK, thì thị trường sẽ khó thoát khỏi tình trạng lình xình kéo dài. Điều này khiến kỳ vọng của NĐT về sự xuất hiện đợt sóng mới trên thị trường khó có điều kiện sớm trở thành hiện thực.
Chính sách tiền tệ khá "chặt" hiện nay, ngoài tác động bất lợi đến TTCK, còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các DN. Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia kiêm Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, rất nhiều DN phản ánh đang khó tiếp cận vốn, mặc dù các ngân hàng không thiếu vốn. Nguyên nhân là do phía ngân hàng đặt ra nhiều điều kiện cho vay ngặt nghèo, khiến DN rất khó đáp ứng. Thực tế này đang ảnh hưởng không tích cực đến kết quả kinh doanh của các DN, trong đó có DN niêm yết.
Muốn tháo gỡ tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, với việc bước đầu đã kiểm soát được tình hình lạm phát, cũng như dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong năm nay còn khá lớn, thì đây là thời điểm thích hợp để xem xét nới dần chính sách tiền tệ. Ông Mạnh cho rằng, diễn biến của lạm phát, cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại cho phép nghĩ đến nới dần chính sách tiền tệ và đây chính là điều TTCK chờ đợi nhất hiện nay. Việc bớt thắt chặt chính sách tiền tệ, theo ông Mạnh, cần được thực hiện đồng thời qua nghiệp vụ thị trường mở và giảm lãi suất cơ bản. Nếu chỉ dừng lại ở kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất như thời gian qua, thì rất khó đạt mục tiêu giảm dần lãi suất, bởi các ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao, thì không có cơ sở để họ cho vay với lãi suất thấp.
"Sự lan toả của động thái nới dần chính sách tiền tệ sẽ rất tích cực đối với TTCK, không chỉ ở khía cạnh tâm lý, do NĐT đã chờ đợi điều này quá lâu, trong khi thời gian tích luỹ của các cổ phiếu, nhất là với nhiều nhóm ngành tốt đã khá lâu", ông Mạnh nói.
Việc nới chính sách tiền tệ, theo ông Kiêm, cần được tính toán thận trọng, để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Muốn khơi thông dòng vốn cho DN, ngoài xem xét nới chính sách tiền tệ, cần sớm hình thành cơ chế cho vay vốn phù hợp với điều kiện kinh doanh của những DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, nếu cào bằng như hiện nay thì DN sẽ vẫn khó tiếp cận vốn.
Hữu Hòe
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|