Thứ Năm, 15/07/2010 20:26

10 năm TTCK Việt Nam: Được và chưa được

Cách đây 10 năm, khi nói đến thị trường chứng khoán, rất nhiều người còn chưa hiểu rõ đó là cái gì. Mười năm sau, tại khu vực đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM, nơi được mệnh danh là “phố Wall” của Việt Nam, mỗi sáng rất nhiều nhà đầu tư tập trung để bàn chuyện chứng khoán.

Ngày trước, các công ty niêm yết chủ yếu là những công ty vừa cổ phần hóa, tham gia niêm yết vì sự kêu gọi từ phía Nhà nước, còn bây giờ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM liên tục thông báo nhận hồ sơ niêm yết của nhiều công ty từ các đô thị lớn đến các tỉnh xa, từ công ty tư nhân cho đến các công ty có gốc là doanh nghiệp nhà nước.

Mười năm trước đây, gần như chẳng ai quan tâm đến thị trường chứng khoán, 10 năm sau hàng loạt tờ báo chuyên về chứng khoán xuất hiện, hàng loạt kênh truyền hình mở bản tin riêng về chứng khoán. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp, thông qua những cầu nối này, đến với đông đảo nhà đầu tư lẫn khách hàng của mình.

Nhiều công ty xem việc niêm yết trên thị trường chứng khoán là một bước ngoặt trong quá trình phát triển và là một trong số những chuẩn mực quan trọng để đánh giá tình hình công ty.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), một trong hai công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, cho biết tham gia thị trường chứng khoán đã giúp rất nhiều cho REE trong hai đợt phát hành cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược trong suốt 10 năm qua.

Trong khi đó, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - ngân hàng thứ hai lên sàn chứng khoán cách đây gần bốn năm, cho biết khi quyết định đưa cổ phiếu ngân hàng lên giao dịch trên thị trường chứng khoán, ông đã đưa ra năm mục tiêu.

Thứ nhất là quảng bá thương hiệu, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc; thứ hai là tạo thanh khoản cho cổ đông; thứ ba là tạo thước đo giá trị để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính ngân hàng; thứ tư là dùng việc niêm yết để một lần nữa cam kết với cổ đông về tính minh bạch trong quản trị điều hành. Và cuối cùng là thông qua việc niêm yết để gọi vốn.

“Cho đến ngày hôm nay, bốn mục tiêu đầu tôi cho rằng đã đạt được. Mục tiêu thứ năm là gọi vốn, tuy không thể thực hiện một cách trực tiếp bằng những đợt phát hành công khai ra bên ngoài nhưng nhờ vào việc niêm yết mà những đợt tăng vốn của chúng tôi đều được thực hiện dễ dàng, đặc biệt là với những cổ đông lớn”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay cũng còn những hạn chế nhất định. Ông Hải cho rằng cơ sở pháp lý và điều kiện quản lý hiện nay chưa thực sự giúp thị trường đủ lớn mạnh và được như mong muốn của những công ty niêm yết - đó là làm sao để doanh nghiệp, kể cả ngân hàng, khi cần vốn có thể tìm đến thị trường chứng khoán.

Đến ngày hôm nay, thị trường chứng khoán vẫn chủ yếu là giao dịch cổ phiếu có sẵn, còn những giao dịch gọi vốn qua thị trường để thay thế nguồn vốn ngân hàng thì vẫn chưa nhiều. “Nhiều người cứ nói niêm yết là để gọi vốn nhưng thực chất chúng tôi có gọi được đồng vốn nào từ bên ngoài, chỉ chủ yếu gọi vốn từ cổ đông hiện hữu”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, để có thể giúp thị trường chứng khoán phát triển hơn nữa trong thời gian tới, giúp tăng quy mô thị trường, các nhà quản lý nên tạo hành lang pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp giao dịch tại thị trường.

Trong khi đó, bà Mai Thanh có những băn khoăn về vấn đề quản lý các doanh nghiệp sau niêm yết. Theo bà, việc công bố thông tin là điều bắt buộc doanh nghiệp phải làm đồng thời nó cũng giúp ích cho doanh nghiệp trong vấn đề quản trị. Tuy nhiên, nếu có những thông tin công bố không chính xác, không đầy đủ, hoặc thiên lệch vì lợi ích riêng thì có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến những đối tượng khác có liên quan.

Vì thế, bà Thanh mong muốn các cơ quan chức năng thời gian tới cần tạo ra khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và phù hợp hơn để mang đến sự an toàn, bình đẳng cho các đối tượng tham gia thị trường.

Thủy Triều

TBKTSG

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index vượt mốc 60 điểm (15/07/2010)

>   TTCK đang “lớn” lên từng ngày (15/07/2010)

>   Lưu ký cổ phiếu: Nỗi khổ của "người đứng giữa" (15/07/2010)

>   Ngập ngừng cổ phiếu rẻ (15/07/2010)

>   Thị trường ngày 15/07 và góc nhìn từ CTCK (15/07/2010)

>   UPCoM-Index tăng lên mức 58,63 điểm (14/07/2010)

>   UPCoM: 60 triệu cp PFV chào sàn ngày 23/07 (14/07/2010)

>   Dòng vốn ngoại vẫn chờ cơ hội tại Việt Nam (14/07/2010)

>   Thị trường sẽ đảo hướng? (14/07/2010)

>   Chứng khoán 6 tháng cuối năm khó có sóng lớn (14/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật