Lưu ký cổ phiếu: Nỗi khổ của "người đứng giữa"
"Triển khai hệ thống công nghệ mới giúp cho việc giám sát, quản lý tài khoản NĐT của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK) tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề liên quan đến lưu ký khiến những người đứng giữa như chúng tôi phải chịu trận", Tổng giám đốc một CTCK có địa chỉ tại Hà Nội trần tình với Đầu tư Chứng khoán.
Ông nói, "có những lỗi không phải của chúng tôi nhưng NĐT lại gửi đơn khiếu nại lên CTCK". Trên thực tế, việc chốt danh sách cổ đông, chọn ngày niêm yết… tưởng là công việc đơn giản, bình thường, nhưng lại gây áp lực không nhỏ lên CTCK.
Mặc dù đã lùi ngày niêm yết nhưng nhiều cổ đông sở hữu cổ phiếu DNY vẫn không bán được chứng khoán ngày chào sàn do không kịp lưu ký cổ phiếu. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp NĐT chịu thiệt thòi khi các bên liên quan không kịp lưu ký cổ phiếu.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc CTCK SHS cho biết, CTCK là người đứng ở giữa nên chịu áp lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý, tổ chức niêm yết và NĐT. Thấu hiểu nguyện vọng của NĐT là muốn nhanh chóng và chính xác, bản thân CTCK trong thời gian qua, mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi lúc vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của NĐT. Điều này do hai nguyên nhân, thứ nhất là sự phối hợp giữa các CTCK với TTLK chưa được chặt chẽ và đồng bộ.
CTCK cũng chia sẻ với TTLK, bởi áp lực của đơn vị này hiện nay là quá lớn bởi số lượng DN niêm yết ngày càng lớn. Tuy nhiên theo ông Vinh, giữa TTLK và các Sở GDCK cần có sự phối hợp chặt chẽ về quy trình và sự đồng bộ trong việc lưu ký và đưa cổ phiếu mới lên sàn. Thứ hai là, thời gian vừa qua, nhiều DN chạy đua lên sàn, thậm chí chọn ngày lên sàn quá gấp, nên gây áp lực lớn cho cả CTCK và TTLK.
Việc chọn "ngày đẹp" lên sàn đã tạo áp lực cho CTCK và những đơn vị liên quan. Ông Vinh dẫn chứng, có một số DN vừa thông báo chốt danh sách lưu ký thì 3 - 4 ngày sau đã lên sàn. Do vậy, cơ quan quản lý cần phải có quy định cụ thể, sau bao nhiêu ngày kể từ ngày TTLK chốt ngày lưu ký thì DN mới được lên sàn, để giảm bớt áp lực lớn cho các CTCK.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt cho biết, trên thực tế, việc áp dụng quy trình lưu ký mới là rất tốt nhưng lại mất quá nhiều thời gian cho TTLK, nên sự chậm trễ xảy ra cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, khả năng theo dõi đến chi tiết tài khoản NĐT sẽ giúp TTLK phát hiện sớm các trường hợp giao dịch thiếu chứng khoán.
Trên thực tế, do chỉ theo dõi được đến tài khoản tổng của thành viên lưu ký, chỉ với một bút toán thì TTLK đã kiểm tra được số liệu tổng hợp, nhưng nay lại phải kiểm tra chi tiết từng tài khoản nên mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm trễ. Việc áp dụng công nghệ mới để giám sát giao dịch là rất tốt, nhưng rút ngắn được thời gian trong nhiều khâu nghiệp vụ là yêu cầu thực tế từ thị trường.
Sau hơn một tháng kể từ ngày TTLK đưa vào hoạt động hệ thống quản lý mới, giám sát thông tin đến từng tài khoản của NĐT (ngày 31/5/2010), đã cho thấy một số vấn đề, trong đó, việc lưu ký trở nên chậm hơn so với thời gian trước. Việc đưa hệ thống lưu ký chuyển từ hai cấp sang một cấp được xem là bước chuyển đổi quan trọng để có thể giám sát các hoạt động giao dịch của NĐT. Khác với hệ thống cũ, hệ thống mới của TTLK quản lý thông tin sở hữu của NĐT nên quy trình thực hiện và xử lý nghiệp vụ trên hệ thống mới đòi hỏi thông tin của người sở hữu phải đầy đủ thì mới cho phép đăng nhập vào hệ thống để xử lý giao dịch.
Tại cuộc tọa đàm 10 năm TTCK Việt Nam do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán phối hợp với UBCK tổ chức hôm 12/7, bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc TTLK cho biết, trước đây, khi TTLK quản lý hai cấp, bản thân TTLK không biết bất kỳ thông tin sở hữu của NĐT, thông tin liên quan đến tài khoản NĐT nên dẫn đến việc tập hợp thông tin chưa thực sự chính xác.
Thực tế, khi xử lý việc chuyển giao tài khoản của CTCK Gia Anh để đóng nghiệp vụ môi giới của Công ty này, một công ty gần như bé nhất trên thị trường, nhưng cũng rất khó khăn. Điều đó cho thấy, việc TTLK không giám sát đến tận chi tiết tài khoản NĐT thực sự là một vấn đề gây khó khăn cho công tác quản lý, cũng như công tác xử lý của TTLK khi xảy ra các vấn đề phức tạp liên quan đến lưu ký.
Hơn nữa, trước đây việc quản lý thông tin NĐT tại các thành viên rất khác nhau và không đầy đủ, có CTCK chấp nhận số CMND, có nơi lại sử dụng số hộ chiếu hoặc một số loại giấy tờ khác, thậm chí là bằng lái xe... để mở tài khoản, nên việc đồng bộ dữ liệu ban đầu của NĐT cũng là việc cần thiết.
Cũng theo bà Hương, trong quá trình thực hiện quy trình lưu ky mới, nhất là khi hệ thống mới đi vào hoạt động sẽ không tránh khỏi những vướng mắc nhất định. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, khối lượng DN xin đăng ký niêm yết là rất lớn, điều này cũng gây áp lực nhất định đối với TTLK.
Để việc lưu ký được chuẩn hóa, bà Hương cho rằng, từ nay về sau, những DN thực hiện cổ phần hoá hoặc phát hành thêm nên thực hiện bút toán ghi sổ thay vì phát hành các loại giấy chứng nhận cổ phần. Vì dù trước hay sau, các DN cũng phải thực hiện lưu ký tập trung và khi đó TTLK không có các loại giấy chứng nhận cổ phần mà chỉ là lưu ký ghi sổ.
Hệ thống của TTLK đang trong quá trình hoàn thiện nên những khó khăn ban đầu là điều không tránh khỏi. NĐT đang kỳ vọng vào một hệ thống vừa đảm bảo an toàn, minh bạch, nhưng vẫn phải đảm bảo thời gian nhanh chóng.
Hoàng Anh
Đầu tư chứng khoán
|