Thứ Sáu, 16/07/2010 09:51

Vốn ngoại hạ nhiệt: Thị trường còn hấp dẫn?

Từ đầu tuần trở lại đây, cường độ mua ròng của NĐTNN đã sụt giảm khá mạnh. Không chỉ giảm về giá trị tuyệt đối, mà tỉ trọng giá trị đóng góp trên tổng giá trị chung cũng giảm theo, dù thanh khoản toàn thị trường đang ở mức thấp.

Hạ nhiệt

Ngày 15.7, giá trị mua ròng của khối ngoại qua giao dịch khớp lệnh tại HoSE chỉ có 8,6 tỉ đồng. Đây là mức mua yếu nhất trong một phiên kể từ tháng 5 vừa qua. Nếu tính chung cả hai sàn (bao gồm cả thỏa thuận) thì lượng vốn vào ròng thậm chí còn thấp hơn: 5,82 tỉ đồng, do khối này bán ra qua thỏa thuận.

Thống kê từ đầu tháng 7, mức mua ròng trong 11 phiên chỉ đạt trung bình 41,8 tỉ đồng/phiên, giảm khá mạnh so với con số bình quân 64,2 tỉ đồng/phiên của tháng 6 và 57,7 tỉ đồng/phiên của tháng 5. Mặc dù về tổng thể dòng vốn ngoại vẫn đang chảy ròng vào TTCK Việt Nam, nhưng tốc độ đang giảm dần.

Xu hướng giảm dần cường độ mua vào của khối ngoại trong những ngày gần đây dường như không có mối liên hệ trực tiếp tới xu hướng thị trường. Chẳng hạn ngày 13.7 vừa qua, khi có thông tin Quỹ VEIL không thoái vốn, NĐTNN đã đẩy mạnh mua vào tới trên 86 tỉ đồng. Thời điểm tháng 5 và tháng 6 diễn biến thị trường cũng không khởi sắc hơn hiện tại, thậm chí còn giảm tương ứng 6,4% và 0,1% so với tháng trước. Chỉ có riêng tháng 4, thị trường tăng 8,6% và khối ngoại mua ròng kỷ lục với bình quân 119,4 tỉ đồng/phiên.

Báo cáo mới nhất vừa công bố đầu tuần của HSBC đưa ra một nhận xét khá bi quan về TTCK Việt Nam. Mặc dù thừa nhận mức P/E của thị trường thấp, nhưng báo cáo chốt lại một điểm: Tỉ lệ rủi ro/lợi nhuận của TTCK Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều thị trường khác trong khu vực và “mức định giá hiện tại chưa đủ hấp dẫn để cám dỗ dòng vốn ngoại quay trở lại”.

Thực tế từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam biến động không nhiều, nhưng vẫn tiếp nhận dòng vốn nước ngoài với quy mô lớn. Theo báo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước trong quý II/2010, NĐTNN mua ròng trên TTCK khoảng 500 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2010, vốn FII ròng đạt mức thặng dư 1,8 tỉ USD trong khi cùng kỳ năm 2009 thâm hụt 492 triệu USD. Nếu trừ khoản thu về từ hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 1 tỉ USD (được hạch toán vào mục vốn FII) thì vốn ròng thực vào TTCK cũng lên tới 800 triệu USD (bao gồm cả thị trường OTC). Trong quý I/2010 mức vốn vào ròng đạt 290 triệu USD. Điều đó cho thấy dòng vốn đã tăng lên mạnh trong quý II.

Từ câu chuyện VEIL

Mức độ hấp dẫn của TTCK Việt Nam trong con mắt của các tổ chức đang có mặt cũng cho thấy cái nhìn khác HSBC. Bình luận về kết quả đồng thuận cao trong việc biểu quyết tán đồng sự ở lại của Quỹ VEIL vừa qua, ông Dominic Scriven - TGĐ Dragon Capital - cho rằng, kết quả biểu quyết đã phản ánh rõ được quan điểm đồng thuận rằng hiện tại chưa phải lúc rời khỏi thị trường Việt Nam, bởi các chỉ số cơ bản hiện rất tốt và đang bị định giá thấp. Chất lượng quản lý vĩ mô cũng được cải thiện đáng kể ở Việt Nam, khi Chính phủ bắt đầu thắt chặt việc quản lý về tài chính, hiện đại hóa chính sách tiền tệ và từng bước ổn định tăng trưởng.

Ông Phan Minh Tuấn - Phó TGĐ Dragon Capital - cũng chia sẻ: Qua đợt đi gọi vốn vừa rồi tại Nhật, Châu Âu, Mỹ..., Dragon Capital có thể khẳng định một điều, so sánh kinh tế toàn cầu hiện nay thì Đông Á và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. Trong khi ở Châu Âu, nền kinh tế đang lắng dịu trở lại, Mỹ đang cố gắng kết hợp giải quyết vấn đề phát triển kinh tế với vấn đề việc làm của họ, Việt Nam có ổn định chính trị, có ổn định kinh tế, có những biện pháp định hướng đưa ra là tương đối chính xác so với chính phủ của các nước. Sự tăng trưởng đều đặn của Việt Nam vẫn là tiềm năng thực sự. Chính vì vậy, các quỹ đầu tư nào tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam thì chắc chắn lợi ích của họ còn tốt, còn phát triển.

Việc ở lại của Quỹ VEIL dĩ nhiên là một thông điệp tốt đẹp. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam cũng bắt đầu cân nhắc với tiếng chuông cảnh báo từ VEIL. Từ đầu năm đến nay, không nhiều quỹ mới ra đời như VFA hay Quỹ Đầu tư phát triển sạch. Dòng vốn FII lớn vào trong 6 tháng đầu năm chủ yếu dưới các hình thức ủy thác qua tổ chức nước ngoài có đại diện tại Việt Nam. Đã có thông tin cho rằng, Quỹ VGF của Dragon Capital phải nhượng bộ cho phép cổ đông có thể rút vốn một cách linh hoạt hơn và may mắn điều này không xảy ra với VEIL. Điều đó cho thấy nhu cầu về khả năng chuyển đổi linh hoạt đồng vốn của NĐT, cũng như áp lực thu hẹp mức độ chiết khấu giữa giá trị thực của quỹ với thị giá chứng chỉ quỹ.

Quỹ VFA là một ví dụ khi hình thức là quỹ đóng, nhưng tính chất như quỹ mở ở chỗ tìm cách trả lợi nhuận tối đa cho cổ đông để thị trường đánh giá đúng hơn về giá trị quỹ. Quỹ cũng đặt mục tiêu rõ ràng là lướt sóng chứ không còn mua và nắm giữ năm này qua năm khác vì đặc tính của thị trường mới nổi là dao động rất mạnh. Không phải ngẫu nhiên, nhiều Cty quản lý quỹ đang nỗ lực vận động cho ra đời khung pháp lý với quỹ mở. Thanh khoản thấp là nguyên nhân hạn chế thu hút dòng vốn vào ổn định và khiến mức độ chiết khấu cao. Khi thị trường còn định giá thấp chứng chỉ quỹ thì nguy cơ sẽ có nhiều trường hợp “VEIL” khác trong tương lai.

Hoàng Nguyên

Lao Động

Các tin tức khác

>   "Kỹ nghệ" đẩy giá ngày chào sàn  (16/07/2010)

>   Thị trường ngày 16/07 và góc nhìn từ CTCK (16/07/2010)

>   10 năm TTCK Việt Nam: Được và chưa được (15/07/2010)

>   UPCoM-Index vượt mốc 60 điểm (15/07/2010)

>   TTCK đang “lớn” lên từng ngày (15/07/2010)

>   Lưu ký cổ phiếu: Nỗi khổ của "người đứng giữa" (15/07/2010)

>   Ngập ngừng cổ phiếu rẻ (15/07/2010)

>   Thị trường ngày 15/07 và góc nhìn từ CTCK (15/07/2010)

>   UPCoM-Index tăng lên mức 58,63 điểm (14/07/2010)

>   UPCoM: 60 triệu cp PFV chào sàn ngày 23/07 (14/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật