Thứ Bảy, 24/07/2010 00:29

Khi cổ đông nội bộ lướt sóng

Một anh bạn làm nhiệm vụ biên tập bản tin hàng ngày của một CTCK cho biết, mấy ngày gần đây không hiểu sao “tá lả” cổ đông nội bộ, người có liên quan đến Cty niêm yết thông báo mua bán CP.

Chuyện không có gì để nói nếu các cổ đông loại này cứ “nhè” thời điểm nhạy cảm công bố báo cáo tài chính quý để giao dịch. Mặt khác, các lý do đăng ký bán của họ thì “đến người bình thường cũng không chấp nhận được, thà nói luôn là lướt sóng”!

Lý do “trời ơi”

Với công việc mang tính tập hợp, thống kê hàng ngày, anh bạn trên cho biết mật độ xuất hiện thông tin giao dịch nội bộ ngày càng nhiều, thậm chí là bất thường so với mấy tháng trước. Khối lượng giao dịch tuy không nhiều nhưng chính khối lượng nhỏ cho thấy có vẻ cổ đông nội bộ cũng đang cố gắng kiếm lợi nhuận từ giao dịch hàng ngày.

Thống kê sơ sơ trên sàn Hà Nội trong hai ngày qua (từ 21-22/7) đã có tới 45 thông tin đăng ký mua, bán của cổ đông nội bộ, người có liên quan, đa số là các đăng ký giao dịch bán. Thành phần đăng ký giao dịch thì thực sự đa dạng, từ các nhân sự chủ chốt như TGĐ, chủ tịch HĐQT, kế toán trưởng, GĐ tài chính đến cả những người có liên quan như anh em, con, bố mẹ...

Lý do mua bán cũng rất “trời ơi”: Đa số thông qua cụm từ “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân”. Một số ghi khá “bí hiểm” như con trai một vị chủ tịch HĐQT đăng ký bán 5.000 CP với “mục đích cá nhân” – không hiểu là mục đích gì? Một số khác thì có lý do thực tế hơn như “cho con đi du học nước ngoài” hoặc “dũng cảm” nói thẳng với mục đích đầu tư hoặc tăng/giảm khối lượng nắm giữ.

Theo nhiều NĐT, thậm chí cả nhân viên CTCK, trong bản thông tin đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ, khoản hài hước nhất chính là mục đích giao dịch. Nếu bỏ công tập hợp một số lượng lớn các thông tin đăng ký đã công bố, chắc chắn sẽ thống kê được rất nhiều mục đích hài hước hoặc được sử dụng lặp lại với tần số cao mà bản chất chẳng cung cấp thông tin gì cho NĐT cả.

Chỉ cần tính toán đơn giản cũng đủ thấy có sự vênh nhau giữa khối lượng giao dịch đăng ký với mục đích giao dịch được “khai báo”. Chẳng hạn chủ tịch HĐQT một Cty xây dựng đang niêm yết tại HNX muốn bán 5.000 CP để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Với thị giá hiện tại, lượng tiền thu về chỉ khoảng 200 triệu đồng. Không hiểu đây là nhu cầu chi tiêu hàng ngày hay đáp ứng nhu cầu mua sắm? Chẳng lẽ với nhu cầu tài chính ít ỏi như vậy mà một nhân sự chủ chốt của Cty cũng phải bán đi CP mình đang nắm giữ?

Nhạy cảm thông tin

Với các quy định pháp lý hiện tại, không có hạn chế nào cấm các thành viên chủ chốt bán CP của mình nếu đã được tự do chuyển nhượng. Tuy nhiên, câu chuyện mua bán CP của chính DN mình đang điều hành lại mang sắc thái khác. Theo thông báo ngày 21/7 của HNX, phó TGĐ một Cty vừa niêm yết chưa đầy 10 ngày đăng ký mua 300.000 CP đồng thời bán 100.000 CP trong vòng có 2 tháng. Vị phó TGĐ này hiện chưa nắm giữ CP nào của DN. Mục đích giao dịch được ghi rõ là “đầu tư”, hay nói nôm na là lướt sóng.

Việc kiếm lợi nhuận từ TTCK là điều rất đáng hoan nghênh, nhưng với các nhân sự chủ chốt – người có khả năng tiếp cận với thông tin của DN sớm nhất – thì việc “lướt” như vậy cần đặt dấu hỏi. Hai năm phụ trách bản tin của CTCK, anh bạn nói trên rút ra được một quy luật thú vị là cứ đến thời điểm Cty niêm yết công bố thông tin thì các giao dịch nội bộ, giao dịch của người có liên quan nhiều hẳn lên. Tuy khó có thể liên kết chuyện mua bán này với hiện tượng trục lợi từ thông tin nội gián nhưng không thể ngăn thị trường suy luận theo chiều hướng tiêu cực.

“Hiện tượng trục lợi từ thông tin nội gián trên TTCK Việt Nam được xem là chuyện thường ngày, vấn đề là có “bắt” được hay không mà thôi”, TGĐ một CTCK tại Hà Nội trao đổi thẳng thắn. Thông tin từ DN đến thị trường phải trải qua không biết bao nhiêu khâu, bao nhiêu thời gian và khả năng rò rỉ là rất lớn. Thậm chí có hiện tượng trao đổi giữa CTCK và DN để đôi bên cùng có lợi. Chẳng hạn CTCK quản lý giúp tài khoản của nhân sự chủ chốt trong DN - dĩ nhiên dưới tên khác để khỏi phải công bố giao dịch.

Bù lại, các “nguồn” này phải “bơm” thông tin sớm. Tóm lại là hai bên cùng vui vẻ! Bình luận về khối lượng giao dịch như công bố, ý kiến này cho rằng tính theo quy mô giá trị thì không đáng bao nhiêu và cũng có nhiều trường hợp là vì nhu cầu thực tế. Tuy nhiên đã là cổ đông nội bộ, nhân sự chủ chốt thì không nên để thị trường nghi ngờ về tính minh bạch trong thời điểm nhạy cảm về công bố thông tin như vậy.

Hoàng Nguyên

Lao động

Các tin tức khác

>   UPCoM chờ sức bật (23/07/2010)

>   Dấu hỏi cho cổ phiếu AMV (23/07/2010)

>   Thị trường bội thực cổ phiếu dầu khí (23/07/2010)

>   Thị trường ngày 23/07 và góc nhìn từ CTCK (22/07/2010)

>   UPCoM: Giá trị giao dịch ngày càng giảm (22/07/2010)

>   Danh mục phòng thủ lên ngôi  (22/07/2010)

>   Bốn yếu tố kìm hãm thị trường (22/07/2010)

>   Chứng khoán nửa cuối năm: Vẫn thận trọng... (22/07/2010)

>   "Quỹ đầu tư" biến tướng (22/07/2010)

>   Chạy theo cổ phiếu “dòng họ”  (22/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật