Tìm cơ hội với cổ phiếu bảo hiểm
Cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn Hà Nội và TPHCM đang ở mức thấp ngang với thời kỳ tháng 12-2009 khi VN-Index tạo đáy 430 điểm. Trong khi đó thị trường bảo hiểm vẫn đang tăng trưởng ổn định và các công ty bảo hiểm nước ngoài vẫn tiếp tục vào Việt Nam. Liệu có một cơ hội cho cổ phiếu bảo hiểm?
Giá đang ở vùng đáy
Ngày 16-7-2010 cổ phiếu của Tổng công ty bảo hiểm Bảo Minh (BMI - Hose) mất mốc 20.000 đồng, rớt xuống 19.900 đồng/cổ phiếu, chỉ còn cách mức 19.500 đồng mà cổ phiếu này chạm tới ngày 17-12-2009 bốn trăm đồng. Suốt vài tháng qua, giá BMI dập dình quanh mức 20.000-21.000 đồng/cổ phiếu và những người sở hữu nó đã không còn muốn bán ra, nên có ngày khối lượng giao dịch của BMI chỉ có 1.280 cổ phiếu. Không ít ngày, khối lượng giao dịch xoay quanh 5.000-10.000 cổ phiếu.
Vị trí đặt quảng cáoTrên sàn UpCom, giao dịch cổ phiếu của Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ABI - UpCom) còn ảm đạm hơn.
Đã có thời kỳ giá ABI rớt xuống 8.000 đồng/cổ phiếu và hiện nhiều tuần nay “giậm chân” ở mức 10.000-11.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp có ngày khoảng 5.000 đơn vị. Cổ phiếu giảm giá, thông thường là do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Nhưng cổ phiếu bảo hiểm lại không như vậy. Các công ty bảo hiểm đang ăn nên làm ra. Lợi nhuận trước thuế quí 1-2010 của BMI đạt 91 tỉ đồng, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm 2009.
Năm ngoái BMI trả cổ tức 12% bằng tiền mặt. 12% cũng là mức cổ tức của Bảo hiểm Dầu khí năm 2009 (PVI - Hnx). Mới đây PVI còn phát hành thêm hơn 20 triệu cổ phiếu với giá cao cho đối tác chiến lược nước ngoài Funderburk Lighthouse Limited.
Từ đầu năm đến nay, chỉ có cổ phiếu của tập đoàn Bảo Việt (BVH - Hose) là tăng trưởng cao. Khác với những cổ phiếu cùng ngành, BVH là sân chơi riêng rẽ của nhà đầu tư nước ngoài. Nước ngoài liên tục mua ròng cổ phiếu Bảo Việt. Nhiều phiên, họ mua ròng tới 90-95% khối lượng giao dịch. Ngoài vị trí dẫn đầu ngành bảo hiểm, giá trị vốn hóa khoảng 1,4-1,5 tỉ đô la Mỹ (tùy thời điểm) của BVH cũng là lý do để khối ngoại “nâng đỡ” cổ phiếu này một khi họ muốn giữ nhịp cho VN-Index.
Tăng trưởng cao
Phần lớn các công ty bảo hiểm niêm yết thuộc lĩnh vực phi nhân thọ. Ở mảng này, theo Hiệp hội Bảo hiểm, trong quí 1-2010 doanh thu phí bảo hiểm gốc của toàn thị trường đạt 3.965 tỉ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc của những đơn vị như Bảo Ngân (tăng 200%); Vinacomin (tăng 115%)... khá ấn tượng.
Điều đáng nói là gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang nỗ lực giảm lượng phí tái bảo hiểm ra nước ngoài. Giá trị phí giữ lại trong nước càng cao, thì khả năng đạt được lợi nhuận của doanh nghiệp càng lớn. Tất nhiên, để đảm bảo có lợi nhuận từ giá trị phí giữ lại, các công ty phải quản lý chặt chẽ rủi ro, thẩm định, đánh giá chính xác mức độ bồi thường có thể xảy ra.
Hiện Bảo Việt vẫn dẫn đầu thị trường về mức doanh thu phí giữ lại với 781 tỉ đồng trong ba tháng đầu năm. Kế đó là BMI với 615 tỉ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.
Thêm một IPO mới
Đã khá lâu mới có một doanh nghiệp bảo hiểm quốc doanh cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Theo Bản công bố thông tin, vào ngày 5-8-2010 Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIC) sẽ bán đấu giá công khai 11,5 triệu cổ phiếu, chiếm 17,44% vốn điều lệ; bán cho người lao động 0,26% và Nhà nước nắm giữ 82,3%. Theo luật hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua toàn bộ số cổ phiếu IPO nói trên. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của BIC là 660 tỉ đồng. BIC dự kiến sẽ niêm yết ngay sau đợt phát hành này.
Giá trị doanh nghiệp của BIC vào ngày 31-12-2009 là 1.837 tỉ đồng, giá trị phần vốn nhà nước tại đây là 543 tỉ đồng (Nguồn: Bản công bố thông tin, trang 20). Như vậy, việc cổ phần hóa của BIC vẫn đi theo lối mà các doanh nghiệp cổ phần hóa đã đi: giữ nguyên phần vốn nhà nước, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn. Sự khác biệt ở BIC là mức giá khởi điểm IPO thấp: 10.200 đồng/cổ phiếu.
BIC khi mới thành lập là liên doanh bảo hiểm Việt - Úc, được phía Việt Nam mua lại phần góp vốn của nước ngoài. Năm ngoái, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 78 tỉ đồng và lợi nhuận năm nay dự kiến tương đương. Tính về thị phần doanh thu bảo hiểm gốc, năm 2009 BIC đứng thứ 6/28 doanh nghiệp và mục tiêu là lọt vào tốp năm đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu.
Trong cơ cấu lợi nhuận của ngành bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính vẫn đang nhường bước cho đầu tư tài chính. Sự cạnh tranh về phí bảo hiểm giữa các công ty tập trung vào một số nghiệp vụ chủ yếu đã khiến lợi nhuận từ hoạt động chính tuy tăng trưởng, song không cao. Đầu tư tài chính ra sao từ khoản thu phí bảo hiểm để có được lợi nhuận tối đa mà phòng tránh được rủi ro đang là vấn đề của bảo hiểm. Năm ngoái, trong đầu tư tài chính của BIC tiền gửi chiếm tỷ trọng tới 78%, còn đầu tư trái phiếu, cổ phiếu và góp vốn khác chỉ chưa đầy 22%.
Theo thông tin chúng tôi có được, không ít quỹ đầu tư và doanh nghiệp quan tâm đến đợt IPO của BIC, nhất là những đơn vị đang mở rộng làm ăn ở Lào và Campuchia (BIC hiện có chi nhánh tại hai nước này và chi nhánh ở Lào từ đầu năm nay đã có lợi nhuận). Việc bán hết cổ phiếu phát hành của BIC gần như đã chắc chắn 100%, nhưng quan trọng là giá đấu bình quân ở mức nào. Phép thử của BIC chính là mức giá đấu bình quân đó, bởi nó có ý nghĩa khuyến khích Nhà nước tiếp tục tiến trình cổ phần hóa và IPO các doanh nghiệp lớn khác theo lộ trình đã định mà không mất công chờ đợi thị trường chứng khoán “ấm” lên.
Hải Lý
tbktvn
|