Thứ Sáu, 30/07/2010 17:03

Thiếu dòng tiền dẫn dắt

Tâm lý nhà đầu tư cá nhân đang trở nên chai lỳ và thất vọng với diễn biến của VN-Index khi chỉ số này không có nhiều sự đột biến bất chấp các thông tin vĩ mô thuận lợi trong nước cũng như sự khởi sắc trở lại của TTCK thế giới.

Nhận định được thừa nhận chung là VN-Index chỉ có thể vượt qua trạng thái lình xình hiện nay khi có một dòng tiền đủ mạnh để ít nhất giúp thị trường duy trì sắc xanh qua “T+4”

Quan ngại dòng tiền yếu

Thông tin CPI tháng 7 (0,06%) ở mức thấp kỷ lục (cùng kỳ) trong 7 năm qua khiến nhiều NĐT kỳ vọng lãi suất cơ bản sẽ giảm, đánh tín hiệu về một động thái mạnh tay thực hiện giảm lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Song cơ quan này đã tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản 8% trong tháng 8. Đây là tháng thứ 9 trên tiếp, NHNN quyết định duy trì tỷ lệ này.

Giới chuyên gia thì cho rằng, NHNN không mạnh tay cắt giảm lãi suất cơ bản do lo ngại vốn ngân hàng chảy vào các kênh đầu tư rủi ro khác. NĐT thì lại nghe tin đồn tiếp tục thắt chặt tín dụng vì các chỉ tiêu tăng trưởng như lạm phát, GDP đều đã đạt được như dự kiến.

Cơn khát vốn của nền kinh tế chưa được giải tỏa, thông tin về định hướng điều hành chính sách tiền tệ chưa mấy rõ ràng, NĐT có lý do để chưa yên tâm.

Trong khi đó, tính toán một cách cơ học, dòng tiền hiện hữu đang bị chia sẻ. Sáu tháng đầu năm, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn liên tục tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu. Có những NĐT chấp nhận “lăn chốt” và mong cổ phiếu về tài khoản sẽ hiện thực lợi nhuận song cổ phiếu về sẽ bán cho ai khi không có NĐT mới?

Theo ước tính của CTCK SME, lượng vốn cần để hấp thụ số cổ phiếu mới phát hành ước tính tới 30.000-40.000 tỷ đồng. Đã vậy, cổ phiếu mới niêm yết trong giai đoạn này khiến NĐT có cảm giác “bội thực”.

Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp trước khi niêm yết đã thực hiện tăng vốn rất mạnh và khi cổ phiếu chào sàn là thời điểm cổ đông bán ra. Tiền thu dược không tiếp tục đổ vào chứng khoán mà được rút ra hiện thực hóa lợi nhuận.

Oái ăm nữa là giai đoạn này, cổ đông nhà nước lại tập trung bán cổ phiếu đang niêm yết như Vinalines bán GMD, MHC, Vinashin bán VSP, VCB bán EIB, PVN bán PVX. Dễ thấy, có một lượng bền lớn đang bị rút ra khỏi thị trường.

Những quan ngại về dòng tiền yếu đã làm cho không ít NĐT gần như đánh mất niềm tin đối với thị trường. Đề cập đến vấn đề này, bộ phận phân tích CTCK Bảo Việt cho rằng, thị trường sẽ chỉ tăng bền vững trở lại nếu có một dòng tiền mới, đủ mạnh rót vào các mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt trên diện rộng, thay vì chỉ quanh quẩn tìm đến một vài mã penny có vốn hoá nhỏ và số lượng cổ phiếu không nhiều như trong thời gian qua. Điều này phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức độ “bơm” tiền của NHNN vào nền kinh tế trong thời gian tới.

“Bơm” tiền: Khó đột biến

Theo số liệu của NHNN, 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 10,82%, dư nợ tín dụng tăng 10,52%. Như vậy, có thể thấy tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Kỳ vọng giảm mạnh lãi suất dựa trên quan hệ cung-cầu vốn là khó thực hiện. NHNN đã tăng lượng tiền cung ứng thông qua nghiệp vụ thị trường mở, chủ yếu là chào mua giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày; giảm lãi suất kỳ hạn 7 ngày, tăng khối lượng cho vay tái cấp vốn, thực hiện hoán đổi ngoại tệ với các tổ chức tín dụng có dư vốn huy động bằng ngoại tệ...

Tuy nhiên, với những quy định chặt chẽ về sử dụng vốn huy động qua thị trường liên ngân hàng, nguồn vốn giá rẻ đến tay doanh nghiệp và người dân tăng không tăng là mấy.

Trong định hướng 6 tháng cuối năm, NHNN cho biết, sẽ điều hành để đảm bảo tổng phương tiện thanh toán và tín dụng cả năm 2010 tăng tương ứng 20 và 25%. Cơ quan này sẽ tăng lượng tiền cung ứng; ổn định các mức lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở và lãi suất hoán đổi ngoại tệ; tăng thêm khối lượng vốn giao dịch qua nghiệp vụ thị trường mở...

Chủ trương này đã được hô hào nhiều, những diễn biến thực tế cho thấy, chưa có các biện pháp kỹ thuật để thực hiện. Vì thế, khả năng có nguồn tiền giá rẻ, dồi dào cho doanh nghiệp và người dân trong những sáng tới khó xảy ra.

Trở lại với TTCK, nhìn vào con số tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng nửa đầu năm thì thấy người dân và doanh nghiệp không mấy mặn mà với kênh đầu tư gửi tiền.

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, thị trường vàng, nhà đất cũng trầm lắng. Vậy tiền đang ở đâu? ông Nguyễn Trọng Tuấn, Tổng giám đốc CTCK IRS, bình luận, "Tiền của NĐT lúc nào cũng có và còn rất nhiều. Điều quan trọng hiện nay là thiếu dòng tiền dẫn dắt đủ để phá bỏ tâm lý nghi ngại của NĐT cá nhân trên thị trường. Một khi có dòng tiền chỉ cho NĐT thấy đầu tư vào chứng khoán có lãi tiền sẽ tự chảy vào."

Nửa cuối năm 2006, đầu 2007, TTCK bùng nổ nhờ hàng loạt tin tức vĩ mô tốt đẹp về Việt Nam, nhất là sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, các quỹ đầu tư nước ngoài khi đó đóng vai trò dẫn dắt và giá chứng khoán sau đó trở nên tăng nóng khi các NĐT trong nước lao theo.

Đợt giao dịch khởi sắc lớn thứ hai của thị trường năm 2008 được khởi động bởi động thái mua vào ban đầu của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Năm 2009, thành tích tăng hơn 100% (từ mức đáy 235 điểm) của VN-Index có được nhờ sự dẫn dắt của các NĐT trong nước khi họ hưởng lợi từ chính sách kích cầu và lãi suất thấp Nửa cuối năm 2010, ai sẽ dẫn dắt thị trường?

Anh Việt

ĐẨU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu vận tải biển: Của để dành (30/07/2010)

>   HOSE thay đổi giờ giao dịch từ tháng 9/2010 (30/07/2010)

>   Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới TTCK Việt Nam  (30/07/2010)

>   "Thị trường không có lực để tăng điểm ổn định" (30/07/2010)

>   TTCK: Vẫn cần sự kiên nhẫn  (30/07/2010)

>   Tháng 8: Siết “lò xo” tăng áp lực nén thị trường (30/07/2010)

>   Gian nan đường lên sàn (30/07/2010)

>   Bẫy “ảo” trên thị trường chứng khoán (30/07/2010)

>   Chứng khoán mệt mỏi với dòng tiền (30/07/2010)

>   TTCK hay sới bạc? (30/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật