Thị trường chờ đợi điều gì?
Không bán rẻ nhiều nhưng cũng không muốn mua cao là nguyên nhân của tình trạng giằng co, lình xình trên TTCK nhiều tuần nay. Thị trường cần một cú hích để giải tỏa tâm lý trì trệ.
Từ yếu tố nội tại
Liên tiếp các diễn biến tích cực trên thị trường quốc tế tuần qua đã tác động ngược đến TTCK Việt Nam. Tuần qua chỉ số S&P 500 của Mỹ đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 5 tuần. Chỉ số DJA cũng đạt mức tăng tương tự. Các thông tin tích cực về cuộc kiểm tra “sức khỏe” các ngân hàng châu Âu cũng rất tốt đẹp.
Theo Ủy ban Giám sát ngành ngân hàng châu Âu (CEBS) thì chỉ có 7/91 ngân hàng châu Âu thất bại trong đợt kiểm tra. Tất cả các ngân hàng khu vực của Đức và ngân hàng lớn tại châu Âu đều vượt qua các bài thử khó khăn. Sự lạc quan đã tác động tốt đến xu hướng của các TTCK trên thế giới, trừ Việt Nam. VN-Index tuần qua giảm 1,2%.
Như vậy có thể thấy các thông tin từ bên ngoài không giúp sức nhiều cho TTCK trong nước. Rõ ràng các yếu tố nội tại lúc này đang đóng vai trò quyết định. Nhưng thị trường đang chờ đợi điều gì?
Kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm đã được khá nhiều DN niêm yết công bố. Ngoài một vài DN lỗ có thể đoán trước, đa số DN đều lãi tốt tuy không đột biến. Nhóm CTCK lãi không nhiều, thậm chí một số DN lỗ phản ánh đúng diễn biến lặng sóng của TTCK từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, các DN sản xuất đều có kết quả kinh doanh khả quan, chứng tỏ kinh tế tăng trưởng tiếp tục tạo điều kiện cho DN. Tuy nhiên, các số liệu kinh doanh bán niên cũng không đem lại hiệu ứng gì trên thị trường. Một số CP lẻ có phản ứng nhất thời với thông tin công bố, nhưng cũng nhanh chóng trở lại trạng thái lình sình quen thuộc.
Quan ngại lớn nhất lúc này là tình trạng tăng vốn, phát hành thêm CP của DN niêm yết. Kỳ đại hội cổ đông vừa qua khá nhiều DN thông qua kế hoạch tăng vốn mà thị trường cho rằng có khả năng hút một lượng tiền lớn. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có thống kê đầy đủ về khả năng hút một lượng vốn bao nhiêu vì đa số các DN tăng vốn thông qua hình thức phát hành CP thưởng, trả cổ tức bằng CP, một số phát hành riêng lẻ.
Cách phát hành này không lấy đi trực tiếp lượng tiền mặt đang nằm trong thị trường dù có làm tăng lượng cung sau thời điểm CP về tài khoản. Nhiều DN cũng đã phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi cho thấy lượng tiền mặt vẫn dồi dào.
Tóm lại, thị trường vẫn đang lo lắng về dòng tiền thường trực. Khó có thể nhận biết chính xác dòng tiền này còn nhiều hay ít, nhưng nhìn vào thanh khoản yếu những phiên gần đây, NĐT có cơ sở để lo lắng. Tuy nhiên, trong quá khứ cũng đã có những bằng chứng cho thấy thị trường có thể đi lên từ những phiên thanh khoản yếu.
Đa số CTCK đều nhận định mức hỗ trợ quanh vùng 500 điểm đang tạm thời là ngưỡng chặn an toàn khi người bán không còn thấy lý do nào để bán rẻ hơn. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần một động lực đủ mạnh để thoát ra khỏi tình trạng buồn ngủ hiện tại.
Nút thắt tiền tệ
Một trong những kỳ vọng được đề cập nhiều gần đây là sự nới lỏng hơn nữa về tiền tệ. Mức tăng trưởng tín dụng chung 6 tháng đầu năm là 10,52%, nhưng tăng trưởng tính riêng cho VND chỉ có 4,6%. Tại một hội nghị cuối tuần qua, ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - đã phân tích những nút mắc cơ bản khiến tăng trưởng tín dụng với VND quá thấp thời gian qua: Thứ nhất là dòng vốn huy động của ngân hàng đang bị cạnh tranh bởi các kênh đầu tư khác. Thứ hai, lo ngại lạm phát vẫn còn làm vốn huy động tăng chậm vì người dân, tổ chức kỳ vọng một lãi suất tiền gửi cao. Thứ ba, lãi suất cho vay cao khiến DN không muốn vay nhiều.
Theo số liệu vừa công bố, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ là 0,06%, mức tăng theo tháng thấp nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. CPI tính chung 7 tháng mới tăng 4,48%. Đại diện Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, lạm phát cả năm nếu tính cộng dồn khoảng từ 7,2% - 7,5%. Nếu tính trung bình hằng tháng theo Tổng cục Thống kê, CPI cả năm nằm ở mức khoảng 8%.
CPI tháng 7 cũng là tháng thứ ba liên tục có mức tăng thấp hơn 0,3%/tháng và mặt bằng khá ổn định. Đây cũng là cơ sở của nhiều ý kiến đề xuất NHNN nên mạnh dạn nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Ông Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - cho rằng, có thể cắt giảm lãi suất cơ bản, từ mức 8% đã được duy trì từ tháng 12/2009 đến nay xuống còn 7%, qua đó cắt giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu xuống mức thấp hơn.
Để giải quyết câu chuyện các ngân hàng nhỏ không chịu hay miễn cưỡng hạ lãi suất huy động, các chuyên gia cho rằng nên linh hoạt trong quy định giới hạn vay vốn liên ngân hàng 20% vốn huy động từ dân cư. Các ngân hàng nhỏ không có nhiều giấy tờ có giá để trao đổi lấy nguồn vốn rẻ qua thị trường mở. Khả năng vay lại từ các ngân hàng khác cũng không nhiều, vì mức tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ thường thấp.
Chính sách tiền tệ có mối liên hệ mật thiết với TTCK và các động thái nới lỏng thường khởi phát một chu kỳ tăng giá. Câu chuyện tín dụng chưa thể giải quyết ngay lập tức, nhưng điều cần lúc này là một tín hiệu rõ ràng. Khi chính NHNN còn duy trì một mức lãi suất suốt 8 tháng qua vì lo ngại lạm phát thì càng khó thuyết phục các ngân hàng hạ lãi suất và thuyết phục người gửi tiền từ bỏ kỳ vọng thương lượng được một mức lãi suất cao.
Hoàng Nguyên
Lao động
|