Chủ Nhật, 25/07/2010 23:08

Quỹ đầu tư nào cũng có khả năng bị ép đóng quỹ

Indochina Capital bị ép phải thoái vốn tại Việt Nam vào tháng 9-2009, và mới đây là quỹ đầu tư Dragon Capital cũng lâm vào trường hợp tương tự. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Andy Ho, giám đốc điều hành của VinaCapital hiện đang quản l‎ý lượng tài sản gần 2 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam về khả năng quỹ này gặp trường hợp trên.

- Ông nhận định như thế nào về trường hợp của Indochina Capital và Dragon Capital đều bị nhà đầu tư ép phải đóng quỹ trong thời gian vừa qua và khả năng VinaCapital cũng lâm vào trường hợp này như thế nào?

- Ông Andy Ho: Trường hợp của Indochina Capital và Dragon Capital khác nhau ở chỗ Indochina là quỹ có rất nhiều tiền mặt. Khi đóng quỹ tức các cổ đông muốn quỹ bán tài sản của quỹ để lấy tiền về thì mức độ thanh khoản của các loại tài sản là rất quan trọng. Vì vậy, nếu tài sản có thanh khoản kém, việc một cổ đông thuyết phục những cổ đông khác đóng quỹ bán tài sản để lấy lại tiền sẽ khó vì cổ đông phải nghĩ tới vấn đề bán tài sản đi có dễ dàng không. Trong trường hợp của Indochina, lượng tiền mặt lớn dễ mang lại lợi ích, còn trong trường hợp của Dragon Capital thì họ đã đầu tư xong rồi nên lượng tiền mặt nằm trong quỹ còn tương đối thấp.

Khả năng để bị một nhà đầu tư làm khó dễ mình thì quỹ nào cũng có thể gặp, VinaCapital không phải là quỹ đặc biệt có thể tránh khỏi khả năng đó. Vấn đề quan trọng ở đây là mối quan hệ của người điều hành quỹ đối với từng nhà đầu tư như thế nào, thuyết phục nhà đầu tư về tiềm năng của quỹ ra sao. Nếu nhà đầu tư nhận thức được tiềm năng của quỹ cũng như của thị trường Việt Nam sẽ thấy không đáng để đòi thanh l‎ý quỹ.

Vì vậy, tôi thấy Dragon Capital vừa rồi giải quyết sự việc rất tốt và hy vọng VinaCapital cũng có thể làm tốt như vậy nếu bị yêu cầu.

- Như vậy các công ty quản l‎‎ý quỹ có phương án nào để đối phó với khả năng cổ đông đòi thanh l‎ý quỹ trước thời hạn không?

Không quỹ nào mong muốn vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều quỹ đã tăng chi phí kết thúc quỹ lên rất cao cũng như tăng chi phí chuyển đổi nhà quản l‎ý, vì thế khi cổ đông muốn đóng quỹ sẽ không dám vì chi phí quá cao. VinaCapital không làm như thế vì như vậy thì ngay từ khi lập quỹ cổ đông sẽ nghi ngờ công ty muốn đầu tư thực sự hay muốn lấy tiền cổ đông rồi làm mọi cách để cổ đông không lấy tiền về được. Chúng tôi chỉ có thể suy nghĩ trước các phương án đề phòng khi việc này xảy ra chứ không có biện pháp phòng vệ ngay từ đầu.

- Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới như hiện nay, việc huy động vốn từ nước ngoài có khó khăn?

Có 2 loại quỹ mà một công ty quản l‎ý quỹ có thể huy động, đó là quỹ đóng được niêm yết ở thị trường nước ngoài và quỹ thành viên. Đối với các quỹ đóng, nhà đầu tư luôn nhìn vào 2 loại giá là giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV) và giá của chứng chỉ quỹ đang niêm yết. Khi giá chứng chỉ quỹ thấp hơn NAV thì việc huy động thêm vốn đối với quỹ đó sẽ rất khó khăn. VinaCapital, Dragon Capital và nhiều quỹ khác đang đầu tư tại những nền kinh tế mới nổi đều gặp phải trường hợp này, giá giao dịch trên thị trường đang thấp hơn NAV từ 30%-40%.

Loại quỹ thứ 2 là quỹ thành viên thì nhà đầu tư không quan tâm đến giá chứng chỉ quỹ mà chỉ quan tâm đến NAV. Tuy nhiên, nhà đầu tư bỏ tiền vào loại quỹ này phải làm nhiều thẩm định trong thời gian khá lâu vì không thể lấy tiền lại ngày một ngày hai được. Họ phải tìm hiểu kỹ càng các thông tin như công ty quản l‎ý quỹ này thế nào, thị trường Việt Nam thế nào, những công ty được đầu tư ra sao… trước khi quyết định trở thành đối tác với một công ty quản l‎ý quỹ.

Quỹ VinaLand II đầu tư bất động sản vừa ra mắt của VinaCapital là hình thức quỹ thành viên, và trong tương lai VinaCapital dự kiến sẽ huy động thêm một quỹ đầu tư chứng khoán thứ 2 cũng dưới hình thức quỹ thành viên, có quy mô dự kiến ban đầu là 250-300 triệu đô la Mỹ.

Xin cám ơn ông!

Thủy Triều thực hiện

Các tin tức khác

>   Thị trường tuần 26-30/07 và góc nhìn từ CTCK (25/07/2010)

>   “Giữ lửa” cho thị trường  (24/07/2010)

>   Tìm cơ hội với cổ phiếu bảo hiểm (24/07/2010)

>   VSP: Nỗi lo phía trước (24/07/2010)

>   DN ngành thép đón mùa xây dựng (24/07/2010)

>   Thị trường đứng im, công ty chứng khoán đi lùi (24/07/2010)

>   Khi cổ đông nội bộ lướt sóng (24/07/2010)

>   UPCoM chờ sức bật (23/07/2010)

>   Dấu hỏi cho cổ phiếu AMV (23/07/2010)

>   Thị trường bội thực cổ phiếu dầu khí (23/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật