“Giữ lửa” cho thị trường
Trước tình trạng DN phát hành ồ ạt và đua nhau niêm yết như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, nên nâng điều kiện phát hành, niêm yết để đảm bảo nguồn vốn huy động sử dụng đúng mục đích và cổ phiếu trên thị trường không bị pha loãng quá mức.
Huy động nhiều vì khó gõ cửa nhà băng!
Quý I/2010, UBCK đã cấp giấy phép phát hành trên 17.000 tỷ đồng cho các DN. Đồng thời, hiện có khoảng 300 DN có nghị quyết phát hành chứng khoán. Tính đến ngày 20/7/2010, đã có trên 27.071 tỷ đồng được huy động qua kênh phát hành. Nhiều DN đã có nghị quyết, chốt danh sách và NĐT đang phải nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. Giai đoạn quý III và đầu quý IV được nhận định là "điểm rơi" kế hoạch phát hành của các DN.
"Không phải DN nào cũng hào hứng với việc huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, vì như thế cổ phiếu bị pha loãng, DN phải chịu áp lực làm ra lợi nhuận lớn", tổng giám đốc một DN niêm yết cho biết.
Nhiều CTCK trong các phân tích mới đây đều chung nhận định, nguồn cung hàng hóa trên thị trường giai đoạn này tăng mạnh chính là một trong những sức ép đến sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index. Trong khi nguồn tiền mới chưa vào thị trường thì nguồn tiền hiện tại lại bị chia sẻ cho việc mua cổ phiếu mới, khiến thị trường thiếu lực đi lên.
Song áp lực lạm phát năm 2010 khiến các chính sách tiền tệ tương đối chặt chẽ, nguồn tiền không thực sự dồi dào. Lãi suất ngân hàng cho vay khá cao, trong khi các dự án vẫn tiếp tục phải triển khai, cũng như áp lực tăng trưởng là nguyên nhân chính khiến các DN phải huy động vốn thông qua kênh phát hành. Trong khi đó, nhiều NHTM cổ phần phải thực hiện tăng vốn theo yêu cầu về quy định vốn tối thiểu cũng hút một lượng tiền không nhỏ.
Nên tăng điều kiện phát hành?
Nhiều chuyên gia cho rằng, TTCK Việt Nam đã qua thời kỳ tạo hàng, đến lúc cần nâng cao điều kiện phát hành và điều kiện niêm yết, đơn cử công ty phải có 3 năm liên tục gần nhất có lợi nhuận (quy định hiện hành là 1 năm) và tỷ suất lợi nhuận phải đạt một phần trăm nào đó so với vốn điều lệ (hiện nay chưa có điều kiện này).
Theo ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các doanh nghiệp niêm yết, cần lưu ý đến vấn đề khoảng cách giữa các lần phát hành trước và phát hành sau. Hiện một số DN trong vòng 1 năm liên tục phát hành thêm cổ phiếu. Ông Tâm cho rằng, phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ phương án sử dụng vốn của DN. Đơn cử, có DN vừa phát hành tăng thêm vốn thì trong hai tháng sau lại công bố mua cổ phiếu quỹ. Vậy DN đã thực sự huy động vốn để thực hiện việc sản xuất - kinh doanh hay chưa?
Liên quan đến việc giám sát nguồn vốn huy động thông qua kênh phát hành, Thông tư 09/2010/TT-BTC yêu cầu DN phải công bố về tình hình sử dụng vốn huy động. Trong quá trình sử dụng vốn huy động từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, định kỳ 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, công ty đại chúng phải báo cáo UBCK, Sở GDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch) và công bố thông tin trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của công ty và trên các phương tiện công bố thông tin của UBCK, Sở GDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch) về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, công ty phải công bố thông tin về lý do và nghị quyết của HĐQT hoặc của ĐHCĐ. Thông tư 09/2010/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/5/2010, nhưng số DN công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Liên quan đến chất lượng hàng hóa trên thị trường, với gần 700 DN niêm yết trên 2 sàn tập trung và rất nhiều DN đang nộp hồ sơ niêm yết, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng tiêu chuẩn niêm yết. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2007/NĐ-CP cũng tính đến điều này khi đưa vào quy định “hoạt động kinh doanh của năm liền trước thời điểm đăng ký niêm yết phải có lãi (tính đến quý gần nhất), không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và có tình hình tài chính lành mạnh tính đến thời điểm đăng ký niêm yết” (áp dụng với DN niêm yết trên HNX - PV). Yêu cầu này cao hơn so với quy định hiện nay "hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước". Tuy vậy, Dự thảo Nghị định sửa đổi vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến.
Thắt chặt điều kiện phát hành ra công chúng, tăng điều kiện niêm yết hay không, đối với cơ quan quản lý, còn nhiều vấn đề phải xem xét. Tuy vậy, thực tế đang cho thấy cần một sự cân nhắc để giữ lửa cho thị trường
Đông Hải
đầu tư chứng khoán
|