“Mù” với thông tin tốt
Giá cổ phiếu xuống thấp, nên mua những cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, giá hợp lý để đầu tư lâu dài.
Theo tư duy truyền thống, mỗi khi doanh nghiệp có thông tin tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng. Tin càng tốt, giá càng tăng nhiều ngày. Nhưng trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, nhà đầu tư đang “điếc” với những thông tin tốt từ doanh nghiệp. Bởi khi thông tin vừa công khai, nhà đầu tư cá nhân tranh mua, đẩy giá lên cao thì ngay lập tức nhà đầu tư lớn (thường là các tổ chức tài chính) ồ ạt bán ra nên sau đó giá cổ phiếu lại đổ dốc quay về vị trí cũ.
Giá giảm vì... lợi nhuận đột biến
Sau khi Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 286 tỉ đồng (trong đó quý II chiếm 213 tỉ đồng), tăng 150% so cùng kỳ năm trước, nhiều nhà đầu tư cá nhân giải ngân mua làm cho giá cổ phiếu này tăng khá mạnh. Cơ hội đó lẽ ra sẽ giúp CII tăng giá khá cao và sẽ duy trì mức giá ở mức cao tương xứng với thu nhập năm nay nhưng liền trong phiên này, một số nhà đầu tư lớn nhận thấy cơ hội ăn non đã đến nên đẩy mạnh bán ra với số lượng cao gấp 4 lần ngày thường, làm cho cuối phiên, giá CII chỉ tăng được 1,3% so với phiên trước. Đồng thời, tận dụng cơ hội thông tin tốt (năm nay CII lãi lớn), quỹ đầu tư nước ngoài Vietnam Enterprise Investments Limited công bố sẽ bán ra 1,33 triệu cổ phiếu. Trong mấy phiên vừa qua, cứ vào đợt khớp lệnh cuối cùng thì lượng bán ATC của CII tăng mạnh. Vì vậy, sau khi công bố lợi nhuận đột biến, giá CII giảm liền 5 phiên liên tục.
Những thông tin tốt của doanh nghiệp trên sàn hiện tại rất hiếm, lẽ ra nó được đón nhận tích cực để góp niềm tin nâng cao giá trị cổ phiếu. Song tiếc thay, một số tổ chức tài chính và cổ đông nội bộ thường mua được cổ phiếu giá rẻ của doanh nghiệp (theo phương thức cổ đông chiến lược, nhà đầu tư lớn...) nhưng họ thường tận dụng cơ hội có thông tin tốt là bán ra với số lượng lớn, làm cho nhu cầu mua bị bão hòa nên sau đó giá giảm dần. Không những CII mà còn có hàng loạt mã khác (như: ITC, ABT, DBC...) dù có thông tin tốt đều bị nhà đầu tư lớn bán vùi dập khi thấy sức mua xuất hiện nên những người mua sau phải gánh hậu quả thua lỗ.
Do dòng tiền yếu... ?
Do luôn bị đại gia “đánh úp” như vậy nên nhà đầu tư cá nhân rút kinh nghiệm, họ không còn vồ vập tranh mua cổ phiếu khi doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao nữa. Vì vậy, trên thị trường, nhà đầu tư ngày càng làm ngơ với các thông tin tốt về doanh nghiệp. Lý giải cho tình trạng này, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, cho biết hiện tại, do dòng tiền đổ vào thị trường yếu nên mỗi khi có thông tin tốt thường giá chỉ nhích lên được trong nửa đầu phiên, sau đó thì chìm nghỉm. Lý do là vì dòng tiền của nhà đầu tư đổ vào thị trường hằng ngày rất yếu nên không đủ sức hấp thụ hết lượng cổ phiếu bán ra.
Theo ông Tuấn, tình hình kinh tế trong nước và của doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất tốt nên không có lý do gì gây giảm giá cổ phiếu lâu dài, ngoài nguyên nhân do dòng tiền yếu. Giá cổ phiếu hiện đang ở mức thấp, nếu có tiền nhàn rỗi, nên mua dần những cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, giá hợp lý để đầu tư lâu dài. Ngoài yếu tố doanh nghiệp tăng trưởng, khi dòng tiền đổ vào thị trường mạnh lên, giá cổ phiếu sẽ tăng lên, lúc đó nhà đầu tư sẽ thu lãi kép (tăng trưởng + tăng giá).
Trần Phú Minh
Người lao động
|