Cổ phiếu chưa niêm yết: Đích ngắm của các CTCK
Khi TTCK niêm yết trầm lắng, hoạt động tự doanh tỏ ra không hiệu quả, nhiều CTCK đã tìm ra một hướng đi có khả năng đem lại lợi nhuận hấp dẫn với độ an toàn khá cao là tư vấn DN niêm yết đi kèm với đầu tư vào DN. Không ít CTCK xác định năm 2010 sẽ là năm bứt phá của mảng kinh doanh này.
Vừa là nhà tư vấn, vừa là cổ đông chiến lược
Khi nhiều cổ phiếu niêm yết đã trở nên đắt đỏ hoặc đã quá “quen thuộc”, không ít NĐT có xu hướng tìm mua cổ phiếu chuẩn bị chào sàn. Với lợi thế thực hiện hoạt động tư vấn niêm yết, các CTCK được tiếp cận thông tin chính thống và chuẩn xác nhất từ phía DN, biết rõ đâu là “hàng” có tiềm năng.
Khi cổ phiếu chưa lên sàn, thanh khoản kém, lợi thế chưa được đánh giá đúng, NĐT bên ngoài chưa biết đến, CTCK dễ dàng mua gom từ các cổ đông trong công ty với mức giá thấp. Trong một số trường hợp, CTCK nắm một khối lượng lớn cổ phần của DN sẽ có quyền tham gia vào HĐQT, hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả hơn rồi tư vấn niêm yết.
Bên cạnh đó, không ít CTCK đã tìm cách thoả thuận với DN để được mua một lượng cổ phiếu phát hành thêm với giá thấp để trở thành cổ đông chiến lược. Tùy thuộc vào điều kiện ràng buộc với công ty, cổ đông chiến lược chỉ phải nắm giữ cổ phiếu trong một thời gian nhất định, thậm chí không bị hạn chế chuyển nhượng.
Những thỏa thuận này thường đi kèm với lời hứa sẽ “đảm bảo” cho hoạt động chào sàn thành công, cổ phiếu có mặt bằng giá tốt. Và quả thực, những cổ phiếu niêm yết có CTCK làm “sân sau” thường có thanh khoản tốt, giá tăng nhanh. Sau thời gian bị hạn chế chuyển nhượng, các CTCK sẽ bán cổ phiếu để thu lợi nhuận lớn.
Lợi nhuận lớn, rủi ro thấp
Việc sở hữu cổ phần của các công ty đại chúng là việc bình thường đối với các CTCK khi thực hiện chức năng đầu tư. Nếu TTCK tăng trưởng tốt, giá cổ phiếu DN tăng mạnh sau khi chào sàn, thành công của thương vụ rõ ràng là rất tốt. Chính vì vậy, không ít CTCK xác định năm 2010 sẽ là năm bứt phá của mảng tư vấn niêm yết và tư vấn phát hành.
Theo một chuyên viên môi giới lâu năm, trước đây, các CTCK có thế mạnh về mảng tư vấn niêm yết và phát hành như CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK Bảo Việt (BVSC) chiếm hầu hết thị phần dịch vụ này. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới như CTCK Thăng Long (TLS), CTCK Bản Việt, CTCK Dầu khí (PSI), CTCK VNDirect…
Giám đốc một CTCK cho biết, nhiều cổ phiếu kém chất lượng trên thị trường bây giờ còn bị “làm giá” thì việc CTCK hỗ trợ thanh khoản và tạo tâm lý tốt cho cổ phiếu mới chào sàn là điều đơn giản. Nhất là khi CTCK nắm một lượng lớn cổ phiếu của DN mới chào sàn thì việc tạo tâm lý cho thị trường, xác định một mặt bằng giá cao sẽ đem lại lợi ích. Có như vậy, CTCK mới tìm kiếm được lợi nhuận chứ doanh thu từ phí tư vấn “chẳng bõ công”.
Cẩn trọng trước những bản báo cáo phân tích
Khi cổ phiếu của DN chào sàn, NĐT thường ít có cơ hội tìm hiểu thông tin trước về DN mà chủ yếu dựa vào bản cáo bạch và các báo cáo phân tích của các CTCK. Trong một số trường hợp, CTCK khi thực hiện tư vấn cho DN niêm yết đã sở hữu một lượng khá cổ phần của DN đó. Tuy nhiên, những thông tin này thường không được đề cập đến trong các bản báo cáo phân tích. Điều này khiến NĐT đặt ra câu hỏi liệu CTCK có khách quan trong việc đưa thông tin về DN?
Không có quy định nào cấm CTCK vừa sở hữu một lượng lớn cổ phần của DN, vừa tư vấn niêm yết, phát hành cho chính công ty đó. Tuy nhiên, rõ ràng sẽ có sự xung đột lợi ích giữa NĐT và CTCK. Liệu CTCK có đưa ra thông tin tích cực quá mức so với thực lực của DN hay bỏ qua những thông tin xấu, khi mà những thông tin này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của chính CTCK?
Xin lấy ví dụ, cổ phiếu HVG chào sàn HOSE ngày 25/11/2009 với giá tham chiếu 50.000 đồng/CP. Trước đó, một CTCK (sở hữu trên 5% của HVG) đưa ra báo cáo nhận định “mức lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng cho cả năm 2009 là có thể thực hiện trong điều kiện thị trường hiện nay và tương đương với mức EPS là 6.000 đồng, do vậy, mức giá hợp lý đối với cổ phiếu X sẽ ở mức 73.800 đồng/CP tại thời điểm 16/11/2009. Nhìn về dài hạn thì đây là một cổ phiếu tốt để đầu tư do có cơ bản tốt, có khả năng tăng trưởng và có vị thế dẫn đầu trong ngành”. Kết thúc năm, HVG đạt lợi nhuận sau thuế hơn 293 tỷ đồng, EPS đạt 4.926 đồng, thấp hơn đáng kể so với dự báo của CTCK.
Nguyễn Quang
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|