Sửa đổi Luật Chứng khoán: 6 nội dung lớn
Có 6 vấn đề được tập trung sửa đổi bổ sung trong dự Luật, bao gồm phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý vi phạm hành chính.
TTCK đã có bước phát triển mạnh mẽ khi số lượng tổ chức niêm yết và cả NĐT đều tăng mạnh qua từng năm. Thực tế đã nảy sinh nhiều tình huống, trường hợp chưa được đề cập trong Luật Chứng khoán (có hiệu lực từ 1/1/2007) khiến cơ quan quản lý lúng túng, quyền lợi NĐT đôi lúc không được đảm bảo. Dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm nay sẽ hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý cho thị trường bậc cao này.
Có 6 vấn đề được tập trung sửa đổi bổ sung trong dự Luật, bao gồm phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý vi phạm hành chính.
Về phát hành riêng lẻ, DN, tổ chức muốn huy động vốn bằng cách phát hành riêng lẻ sẽ phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Tuy vậy, Luật chỉ chế tài với trường hợp phát hành của các công ty đại chúng, còn DN không thuộc diện đó sẽ thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định 01/2009/NĐ-CP về phát hành riêng lẻ.
Đối với phát hành ra công chúng, dự thảo Luật quy định thêm một số nhóm đối tượng được phát hành theo phương thức này như công ty TNHH một thành viên chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, công ty nước ngoài chào bán chứng khoán trên thị trường Việt Nam, các DN trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, ngân hàng… thực hiện phát hành ra công chúng để huy động vốn thành lập DN.
Liên quan đến nội dung này, có ý kiến cho rằng, các nhà làm luật nên tính đến việc có yêu cầu tối thiểu về quy mô của đợt phát hành ra công chúng, tránh trường hợp đã xảy ra khi có DN nộp hồ sơ huy động vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng để đầu tư thang máy cho tòa nhà với giá phát hành 10.050 đồng/cổ phiếu. Với quy mô như thế, DN có cần thiết phải phát hành ra đại chúng hay nên tìm đến vay ngân hàng?
Với CTCK, đây là nhóm ngành kinh doanh có điều kiện, trên thị trường chỉ có CTCK mới được hoạt động 4 nghiệp vụ môi giới, tư vấn, tự doanh và bảo lãnh phát hành (ngoại trừ ngân hàng thương mại được phát hành, kinh doanh trái phiếu). Dự thảo Luật bổ sung CTCK được thực hiện thêm nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư đối với các cá nhân. Thực ra, đây không phải là nghiệp vụ hoàn toàn mới với các CTCK, trước đây họ đã được cung cấp dịch vụ này cho NĐT, nhưng phải tạm ngừng khi Luật Chứng khoán có hiệu lực. Luật cấm, nhưng nhu cầu thực tế có khiến dịch vụ này tồn tại dưới hình thức ngầm và quyền lợi NĐT không được đảm bảo khi giữa hai bên không có hợp đồng quy định trách nhiệm đầy đủ của CTCK. Ngoài ra, dự Luật cũng yêu cầu các cơ quan hành pháp bổ sung chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK và trong trường hợp CTCK muốn cung cấp dịch vụ tài chính khác phải có hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính (đơn cử như CTCK cung cấp dịch vụ sàn vàng).
Tương tự, nhóm công ty quản lý quỹ được bổ sung thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán. Hiện công ty quản lý quỹ có chức năng quản lý danh mục đầu tư cho các cá nhân và tổ chức, khi thực hiện quản lý vốn họ có thể đưa ra thông tin để NĐT lựa chọn ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty quản lý quỹ thực hiện nghiệp vụ tư vấn chứng khoán, đưa nội dung này vào luật sẽ giúp thị trường minh bạch hơn khi có sự cạnh tranh giữa CTCK và công ty quản lý quỹ.
Sửa đổi liên quan đến công bố thông tin trên TTCK được cụ thể hóa các nhóm đối tượng gồm cả tổ chức niêm yết và công ty đại chúng. Dự thảo Luật cũng yêu cầu có quy định rõ những nội dung phải công bố định kỳ, bất thường và thống nhất lại các phương tiện công bố thông tin.
Về nội dung xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật thống nhất mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng (phù hợp với quy định của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính); bỏ quy định phạt từ 1 - 5 lần giá trị khoản lợi nhuận thu được bất chính.
Luật khung
Việc xây dựng và ban hành mới các quy định pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán (quy định thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai) là cần thiết cùng với sự phát triển vượt bậc của TTCK cả quy mô và chất lượng. Những nội dung sửa đổi như trên đã phần nào lấp các lỗ hổng pháp lý tồn tại suốt những năm qua, có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn vẫn có ý kiến băn khoăn về việc liệu dự Luật có thể đi trước thị trường và tạo ra khung khổ pháp lý chặt chẽ hơn cho các chủ thể tham gia một cách công bằng, minh bạch?
Trao đổi với ĐTCK, ông Hoàng Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế UBCK cho rằng, TTCK Việt Nam đang trong quá trình phát triển, đặc thù của Luật Chứng khoán là thị trường phát triển đến đâu, xuất hiện đòi hỏi bức xúc của các chủ thể tham gia thị trường thì sẽ sửa đến đó. Luật càng chi tiết càng tốt, nhưng nếu nội dung nào cũng đưa vào luật thì rất cứng nhắc. Thay vào đó, nên để Chính phủ quy định, Bộ Tài chính hướng dẫn (giải quyết vướng mắc của thị trường) phù hợp với đặc tính linh hoạt của TTCK.
Thực tiễn thị trường đã cho thấy một số vấn đề quy định trong Luật Chứng khoán còn chung chung, đến nay chưa được hướng dẫn thực hiện (quy định về sản phẩn của hàng hóa chứng khoán phái sinh…), hoặc các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành hoặc chưa có sự thống nhất giữa pháp luật chứng khoán và một số văn bản pháp luật có liên quan. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt và theo kịp diễn biến thị trường của các cơ quan quản lý chứ không hẳn do Luật Chứng khoán không đề cập.
Hiện Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Ban soạn thảo dự luật sẽ hoàn chỉnh lại và trình Chính phủ. Theo kế hoạch, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua vào cuối năm nay.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|