Thứ Tư, 16/06/2010 09:51

Chọn cổ đông chiến lược, nhìn từ CAN

Ba năm gần đây, xuất hiện các trường hợp cổ đông chiến lược thoái vốn chỉ sau thời gian ngắn khiến cho vai trò của cổ đông chiến lược bị hoài nghi. Việc Canfoco chọn cổ đông chiến lược có rơi vào tình trạng này?

Ngày 29.5.2010, công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long Canfoco (CAN – Hnx) công bố nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) triển khai việc phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 100 tỉ đồng cho cổ đông hiện hữu, người lao động và đối tác chiến lược. Nhà đầu tư chiến lược được chọn là công ty Geminio, Singapore, mua 2,5 triệu cổ phiếu với giá 13.932 đồng/cổ phiếu.

Giá bán thấp hơn giá trị sổ sách hiện hành 21%

Theo báo cáo tài chính quý 1/2010, vốn chủ sở hữu của CAN đến ngày 31.3.2010 là 88,5 tỉ đồng (vốn điều lệ 50 tỉ đồng, còn lại là thặng dư vốn cổ phần, các quỹ và lợi nhuận chưa phân phối), tính ra giá trị sổ sách là 17.700 đồng/cổ phiếu. HĐQT công ty chọn giá bán bằng cách lấy giá bình quân năm phiên gần nhất tại thời điểm ấn định phát hành (từ ngày 24 – 28.5.2010) và quyết định giá bán cho cổ đông hiện hữu, người lao động bằng 75%, cho nhà đầu tư chiến lược bằng 90% giá bình quân năm phiên. Giá bán cho đối tác chiến lược, như vậy, thấp hơn giá trị sổ sách 21%.

Khoản 1, điều 87 luật Doanh nghiệp quy định rằng: “HĐQT quyết định thời điểm, phương thức, giá chào bán cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán. Giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị ghi trong sổ sách”. Luật cũng cho phép doanh nghiệp có thể đưa ra mức chiết khấu giá bán theo điều lệ công ty. Và trong trường hợp này, điều lệ của CAN cho phép HĐQT quyết định giá chào bán.

Vì sao HĐQT công ty lại chọn cuối tháng 5.2010 là thời điểm ấn định giá bình quân năm phiên? Đây là thời điểm giá cổ phiếu CAN xuống thấp và khối lượng giao dịch rất ít. Trước và sau thời điểm này giá giao dịch của CAN cao hơn 10 – 20% giá bình quân trên tuỳ ngày. Hơn nữa kể từ ngày diễn ra đại hội cổ đông năm 2010 của CAN biểu quyết giao HĐQT quyết định giá phát hành, đến khi lấy giá bình quân chỉ hơn ba tuần. Thời gian đó liệu đã đủ để các tổ chức, cá nhân có ý định đầu tư ở vị trí đối tác chiến lược tìm hiểu công ty và đăng ký tham gia mua cổ phần?

Trao đổi về việc liệu công ty có đặt ra tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược và công khai những tiêu chí này, một thành viên HĐQT của CAN giải thích năm 2008 công ty đã phát hành cổ phiếu, nhưng không thành công do không tìm được người mua. Vì thế năm nay nếu công ty chọn thời điểm ấn định giá bán cao, có thể cũng không có người mua. “Lúc đầu chúng tôi nghĩ chỉ cần có người mua là tốt rồi” – ông thừa nhận. Có vẻ như HĐQT công ty đã quên rằng năm 2008 là năm thoái trào của chứng khoán, không chỉ CAN mà nhiều doanh nghiệp khác cũng không phát hành cổ phiếu được. Còn hiện nay đã khác. Ngoài ra, công ty có thể kéo dài thời gian phát hành, thậm chí gia hạn như nhiều doanh nghiệp khác đã làm, để tìm được nhà đầu tư chiến lược tốt nhất.

Đánh đổi

Đối tác chiến lược thường là người mang lại lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp.

Nhưng đối tác Geminio Ltd mà HĐQT của CAN đã chọn có lẽ chưa đáp ứng được những yêu cầu đó. Geminio là một công ty thương mại, không có cả website, ngành nghề kinh doanh không liên quan đến chế biến đồ hộp, cũng không cung ứng nguyên vật liệu hay hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm đồ hộp. Geminio cũng không thể giúp CAN trong tư vấn tài chính doanh nghiệp như các quỹ nước ngoài trước đây.

Trong môi trường kinh doanh ngày một cạnh tranh hiện nay, các công ty niêm yết có xu hướng công khai chọn lựa đối tác chiến lược. Họ sẵn sàng chào giá bán cổ phần hấp dẫn để đổi lại những lợi ích khác, thậm chí “đánh đổi” cả việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước hoặc của những cổ đông lớn trong công ty. Tuy nhiên, mọi sự “đánh đổi” đều phải có giá của nó. Ở CAN, trước khi bán cổ phần cho Geminio, Nhà nước là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 1,387 triệu cổ phiếu, tương đương 27,75% vốn điều lệ. Sau đợt phát hành này, Nhà nước sẽ sở hữu 1,94 triệu cổ phiếu, nhưng tỷ lệ chỉ còn 19,4% vốn điều lệ. Nếu xét về số tuyệt đối, tổng giá trị sổ sách của cổ phiếu mà Nhà nước có được sau phát hành giảm 1,4 tỉ đồng (tổng giá trị cổ phiếu tính theo giá sổ sách sau phát hành của Nhà nước tăng thêm hơn 5 tỉ đồng, trong khi Nhà nước phải nộp 6,44 tỉ đồng mua cổ phiếu phát hành thêm). Ngoài ra, sau phát hành Geminio trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ 25% cổ phần, qua mặt cổ đông Nhà nước! Liệu sự “đánh đổi” này của các cổ đông hiện hữu của CAN có xứng đáng với việc có được đối tác chiến lược như Geminio?

CAN vốn là một doanh nghiệp thâm niên với 53 năm tồn tại và là một thương hiệu được biết đến rộng rãi trong ngành chế biến thực phẩm. CAN cũng nhiều năm nằm trong danh sách “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Vụ án hoàn thuế giá trị giá tăng 7,33 tỉ đồng năm 2004 liên quan đến một số lãnh đạo công ty, khiến uy tín của CAN đã bị ảnh hưởng phần nào. Điều mà CAN cần hiện nay là một đối tác chiến lược đúng nghĩa, thật sự mạnh về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm để nâng cao quản trị công ty, đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới phân phối, đẩy mạnh công tác tiếp thị. Ông Phạm Mạnh Hoạt, chủ tịch HĐQT công ty nói với chúng tôi qua điện thoại HĐQT sẽ họp lại cuối tuần này về việc chọn lựa cổ đông chiến lược. Vẫn chưa quá muộn để CAN đưa ra một phương thức chọn lựa đối tác chiến lược công khai với các tiêu chí rõ ràng, chứ không phải “chỉ cần có một người mua là bán”.

Hải Lý

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư chưa có nhiều thông tin về quỹ mở (15/06/2010)

>   Đối tác nước ngoài muốn mua 20-25 triệu USD trái phiếu CII (15/06/2010)

>   PXS chế tạo tổ hợp Chân đế - Khối thượng tầng giàn khai thác dầu khí lớn nhất VN (15/06/2010)

>   Kỳ vọng sức bật cổ phiếu họ Sông Đà (15/06/2010)

>   Xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với TMC (15/06/2010)

>   M&A trên TTCK: “Gọt chân cho vừa giày” (15/06/2010)

>   Hai kịch bản cho cổ phiếu VIS (15/06/2010)

>   TRI có thể quay lại giao dịch trên HOSE sau 5 ngày nữa (15/06/2010)

>   Phạt CK Hòa Bình 20 triệu đồng do góp vốn vượt quy định (14/06/2010)

>   Du lịch Kim Liên họp ĐHĐCĐ 2010 vào ngày 16/06      (14/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật