Thứ Tư, 16/06/2010 10:58

Dragon Capital và Sacombank

Dragon Capital đã chọn đầu tháng 6-2010 để thoái vốn ở Sacombank, thời điểm thị giá STB xấp xỉ 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong vòng một năm qua. Mức giá này của STB, thậm chí xuống thấp hơn chút nữa, vẫn đảm bảo cho Dragon Capital có lời. Việc chia tay STB, một trong những cổ phiếu được các quỹ của Dragon Capital nắm giữ lâu, cho thấy tổ chức đầu tư gián tiếp nước ngoài này đang chịu sức ép cạnh tranh lớn.

Một mặt, họ đang phải chấp nhận tự làm mới mình, thông qua việc tái cơ cấu danh mục nhằm cải thiện hiệu quả đầu tư. Mặt khác, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ quí 2-2010, các công ty bảo hiểm nước ngoài có thể lập công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam.

Đây là đối thủ cạnh tranh nặng ký trực tiếp của các công ty quản lý quỹ cả trong và ngoài nước đang hoạt động. Với uy tín quốc tế và nguồn vốn dồi dào từ các công ty mẹ ở nhiều quốc gia, các công ty quản lý quỹ của các tập đoàn bảo hiểm lớn nước ngoài có thể huy động được nguồn vốn đầu tư nhanh, nhiều. Trong khi đó, suốt cả năm qua, Dragon Capital và nhiều quỹ nước ngoài khác ở Việt Nam hầu như không huy động thêm được nguồn vốn mới.

Cổ phiếu ngân hàng, do nhiều nguyên nhân, hiện là mảng mang lại hiệu quả ít nhất cho các quỹ. Vì thế thanh lý cổ phiếu hiệu suất lợi nhuận thấp, chuyển sang các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, là chuyện không có gì đáng bàn.

Thế nhưng, chính trong câu chuyện tưởng chừng không đáng bàn đó, giới ngân hàng đang theo dõi sát biến động giá cổ phiếu STB bởi nó liên quan đến vấn đề nhạy cảm trước mắt là tăng vốn điều lệ, tìm cổ đông chiến lược và vấn đề then chốt phía sau: tồn tại được không và tồn tại trong bao lâu đối với các ngân hàng nhỏ?

Ở vế thứ nhất, lâu nay, do giới hạn tỷ lệ sở hữu dành cho nước ngoài đối với cổ phiếu ngân hàng tối đa 30%, giới ngân hàng vẫn kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm đến việc sở hữu cổ phiếu của các tổ chức tín dụng cổ phần lớn, làm ăn hiệu quả. Khi Eximbank niêm yết, 5% còn lại trong tỷ lệ dành cho nước ngoài đã liên tục được khối ngoại mua vào và lấp đầy. Cổ phiếu do nước ngoài nắm giữ ở ACB chưa bao giờ được chào bán trên sàn. Trước khi Dragon Capital thông báo thoái vốn, khi tỷ lệ sở hữu dành cho nước ngoài ở STB xuất hiện, dù nhiều, dù ít, được khối ngoại mua ngay lập tức.

Tới đây, Ngân hàng Quân đội (MB) niêm yết trên HOSE, cũng có những dự báo nước ngoài sẽ mua vào nhiều cổ phiếu MB vì tỷ lệ của MB hiện vẫn còn nguyên 30%. Nếu điều này xảy ra, đây hẳn là một lực cầu nâng đỡ cổ phiếu MB nói riêng và cổ phiếu ngân hàng nói chung.

Ở vế thứ hai, không ít ngân hàng cổ phần nhỏ đã hoặc đang chuẩn bị nộp hồ sơ niêm yết như Miền Tây, Nam Việt, Đại Á... Niêm yết là một cách thức để việc phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thuận lợi hơn. Ngoài ra, không loại trừ khả năng nước ngoài cũng quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng nhỏ. Ban đầu, khi mới lên sàn HNX, cổ phiếu của ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã từng được khối ngoại mua bán nhộn nhịp.

Tuy nhiên, 19 triệu cổ phiếu STB mà Dragon Capital đăng ký bán ra lần này khá lớn, chưa kể việc đăng ký bán tiếp 51,5 triệu cổ phiếu STB còn lại đang được bỏ ngỏ. Khả năng nước ngoài không mua hết toàn bộ số cổ phiếu nói trên không phải không có. STB là cổ phiếu đại chúng, thanh khoản thuộc tốp đầu trên thị trường và các chỉ số cơ bản của ngân hàng đang khá tốt.

Năm tháng đầu năm nay Sacombank lãi trước thuế 966 tỉ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng trưởng lợi nhuận như thế, Sacombank hoàn toàn có thể đạt chỉ tiêu 2.400 tỉ đồng lợi nhuận năm nay. Tính trên lợi nhuận năm ngoái và mức vốn hiện tại, cổ phiếu STB đang được giao dịch với P/E ở mức chín lần, đủ hấp dẫn để đầu tư trung, dài hạn.

Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước từ nhiều tháng nay hầu như đã không còn đặt cổ phiếu ngân hàng làm trọng tâm danh mục của mình. Hiện tại trên thị trường OTC, một số cổ phiếu ngân hàng nhỏ đang được giao dịch dưới mệnh giá. Giả sử khi niêm yết, thị giá của cổ phiếu ngân hàng nhỏ xuống thấp hơn mệnh giá, thì liệu việc phát hành thêm cổ phiếu với giá bằng mệnh giá có thành công? Việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ chưa niêm yết vốn dĩ đã nhiều phức tạp, lên sàn rồi sự phức tạp đó có bớt đi?

Các ngân hàng đang chú tâm quan sát diễn biến giao dịch cổ phiếu STB và sự thoái vốn của Dragon Capital không phải chỉ vì cổ phiếu STB, mà chính là để tiên liệu mối quan tâm của thị trường với cổ phiếu của chính họ. Song có một quan sát ngoài lề: từ trước đến nay Dragon Capital thoái vốn ở cổ phiếu nào, là sau đó cổ phiếu ấy tăng trưởng. Thực tế này đã từng xảy ra với cổ phiếu KBC (Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc); GMD (Công ty cổ phần Gemadept); VCG (Tổng công ty Vinaconex); SAM (Công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông); REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh); CII (Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM)...

Biết đâu điều tương tự sẽ lặp lại với cổ phiếu STB?

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   UBCK lấy ý kiến dự thảo hướng dẫn mua chứng khoán ký quỹ (16/06/2010)

>   1,001 kiểu… “phím hàng”! (16/06/2010)

>   Chọn cổ đông chiến lược, nhìn từ CAN (16/06/2010)

>   Nhà đầu tư chưa có nhiều thông tin về quỹ mở (15/06/2010)

>   Đối tác nước ngoài muốn mua 20-25 triệu USD trái phiếu CII (15/06/2010)

>   PXS chế tạo tổ hợp Chân đế - Khối thượng tầng giàn khai thác dầu khí lớn nhất VN (15/06/2010)

>   Kỳ vọng sức bật cổ phiếu họ Sông Đà (15/06/2010)

>   Xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với TMC (15/06/2010)

>   M&A trên TTCK: “Gọt chân cho vừa giày” (15/06/2010)

>   Hai kịch bản cho cổ phiếu VIS (15/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật