Chọn lọc, thẩm định thông tin
Tuần qua, thị trường ngoại tệ tự do đột biến tăng giá khi Hãng Bloomberg đăng tin về việc CTCK Sài Gòn (SSI) đưa ra dự báo VNĐ có thể mất giá 4%. Ngay sau đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chính thức bác bỏ thông tin này và giá USD đã tụt áp trở lại.
Trách nhiệm trước thông tin nhạy cảm
Từ sự việc này đặt ra vấn đề về chức năng công bố và xử lý thông tin kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thị trường dễ nhạy cảm và biến động như hiện nay. Về nguyên tắc những phát ngôn liên quan đến tỷ giá hối đoái cũng như điều hành tỷ giá ở nước ta thuộc trách nhiệm và chức năng của cơ quan quản lý ngành, tức NHNN.
Tuy nhiên, liên quan đến những vấn đề kinh tế vĩ mô, trong đó có tỷ giá thì các cơ quan nghiên cứu, ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, các công ty hay những chuyên gia độc lập… có quyền dự báo, dự đoán và công bố kết quả nghiên cứu của chính họ về kinh tế vĩ mô. Vì vậy, SSI có quyền phân tích, nhận định tình hình vĩ mô của Việt Nam và thế giới để cung cấp cho nhà đầu tư của mình và đây là một trong những nghiệp vụ của SSI đã được Nhà nước cấp phép.
Tuy nhiên, những nhận định và những dự báo của các chuyên gia độc lập hay của một công ty chứng khoán, một tổ chức nào đó chỉ có tính chất tham khảo và các nhà đầu tư cần có sự kiểm chứng để có nhận định thấu đáo, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn. Qua vụ SSI phát ngôn thay NHNN, đại diện SSI sẽ phải giải thích với các cơ quan chức năng về vấn đề này. Nhưng có thể thấy người dẫn lại thông tin đó đã gián tiếp đưa thông tin dự báo được nhìn nhận ở mức độ khác, đã tác động đến tâm lý người dân và nhà đầu tư, gây bất ổn thị trường.
Ở các nước trên thế giới, các định chế tài chính, các tổ chức nghiên cứu, phân tích thị trường… được quyền đưa ra những nhận định về tình hình kinh tế cũng như những dự báo tầm xa về động thái điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ. Trên cơ sở những thông tin đa dạng, phong phú và nhiều chiều, nhà đầu tư có nhiều cơ sở tham khảo và tất yếu họ sẽ cẩn trọng, chọn lọc trong việc tiếp nhận thông tin.
Ở nước ta thông tin dự báo để cho các nhà đầu tư tham khảo chưa nhiều và cơ sở số liệu đưa ra thông tin đó có tính thuyết phục không cao, nên khi xuất hiện bất cứ một thông tin mà thị trường trông chờ, người dân và nhà đầu tư dễ có phản ứng chấp nhận thông tin một cách đơn giản. Thực tế không chỉ đối với thông tin tỷ giá, thời gian qua xuất hiện khá nhiều tin đồn thất thiệt về chính sách vĩ mô, đã tác động không ít đến các loại thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Vì vậy, với đặc thù thị trường Việt Nam rất nhạy cảm trước những biến động về chính sách kinh tế vĩ mô, các tổ chức khi đưa ra những dự báo, nhận định phải cân nhắc cẩn trọng, phải có cơ sở số liệu vững chắc. Bởi lẽ những thông tin đưa ra không có cơ sở, mang tính chất chủ quan không chỉ gây rối loạn thị trường, bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô, mà ngay bản thân tổ chức đưa ra thông tin dự báo cũng mất uy tín với thị trường.
Xu hướng thị trường ngoại hối ổn định
Ngay khi Bloomberg đưa tin về dự báo VNĐ có thể giảm giá 4%, giá USD thị trường tự do đã tăng vọt lên 19.100 đồng/USD, trong khi một thời gian dài trước đó giá USD tự do thấp hơn giá USD chính thức. Điều này cho thấy giới đầu tư vẫn kỳ vọng tỷ giá USD/VNĐ có khả năng sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới. Có nhiều cơ sở để các nhà đầu tư tin tỷ giá còn biến động như: lãi suất VNĐ giảm (có nghĩa VNĐ mất giá); thâm hụt thương mại có xu hướng tăng (sức ép làm tỷ giá thay đổi); lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều so với lạm phát của Hoa Kỳ (tác động đến giá trị đồng tiền); doanh nghiệp vay ngoại tệ nhiều dẫn đến cầu ngoại tệ cuối năm tăng để trả nợ. Hoa Kỳ có khả năng tăng lãi suất vốn liên bang cũng làm USD tăng giá, hay nói cách khác làm tỷ giá tăng lên…
Tuy nhiên, xét về tổng thể tỷ giá đã ổn định từ đầu năm đến nay đồng thời cung cầu ngoại tệ không còn căng thẳng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối cũng tăng đáng kể, giúp cho cung cầu ngoại tệ cân bằng. Những yếu tố đáng lo ngại như cầu ngoại tệ cuối năm tăng cao do trả nợ vay ngân hàng có thể gây tỷ giá biến động, hoàn toàn có thể được hóa giải với sự can thiệp kịp thời của NHNN trên thị trường ngoại tệ. Việc giữ ổn định tỷ giá trong thời gian qua cũng như hiện nay là cần thiết để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Hơn nữa, trong điều kiện các chỉ số kinh tế vĩ mô đang tốt lên, khả năng phá giá mạnh tiền đồng khó có thể xảy ra. Vậy phá giá nội tệ nhằm mục đích gì?
TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|