Cổ phiếu bất động sản: Hấp dẫn nhờ tỷ lệ sinh lời cao
Ngày 15/5/2010, CTCK Chứng khoán VNDIRECT và CTCP Địa ốc Đất Xanh đã tổ chức hội thảo "Toàn cảnh thị trường Bất động sản (BĐS) Việt Nam và triển vọng 2010". Ông Lê Chí Phúc, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ IPA đã trao đổi với phóng viên ĐTCK về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu BĐS.
Hiện cổ phiếu BĐS đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các NĐT. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của ngành BĐS trong thời gian tới?
Việt Nam là đất nước có dân số trẻ cùng với tiến trình đô thị hóa ngày càng tăng và nhu cầu phát triển không ngừng, do đó nhu cầu về BĐS là rất lớn.
Cổ phiếu BĐS nhận được sự quan tâm lớn từ phía NĐT do các DN này có tỷ lệ sinh lời cao và đột biến. Cụ thể, năm 2009 đa số cổ phiếu BĐS niêm yết đều có biến động giá tích cực với tỷ lệ sinh lời rất cao. Tỷ suất lợi nhuận biên trung bình ngành đạt hơn 41%, P/E là 14,03. Đặc biệt, nhóm 20 cổ phiếu tăng trưởng nhiều nhất từ đáy (2009) thì có hơn 50% là các công ty BĐS hay có liên quan đến các dự án BĐS.
Ngoài ra, đây cũng là nhóm ngành có hệ số beta cao và có tính dẫn dắt thị trường chung trước những chu kỳ lớn năm 2009 và nửa đầu 2010. Ngay cả trong giai đoạn suy thoái, các cổ phiếu này có tỷ lệ giảm thấp hơn thị trường chung.
Trong năm 2010, các cổ phiếu BĐS dự báo sẽ đóng góp từ 30 - 50% vào danh sách cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Nhiều NĐT kỳ vọng lớn vào các cổ phiếu BĐS vì cho rằng các DN này sẽ có đột biến về lợi nhuận. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
Yếu tố đột biến được thể hiện rõ nét thông qua khả năng tăng giá mạnh trong thời gian ngắn của ngành BĐS, gắn liền với những chuyển động tích cực từ nền kinh tế vĩ mô. Những tín hiệu đầu tiên từ mở rộng tín dụng ngay lập tức tác động tới các kênh đầu tư, đặc biệt là BĐS và TTCK. Do vậy, biến động giá cổ phiếu BĐS phản ánh nhạy bén gắn liền với chu kỳ tín dụng nới lỏng và ngược lại.
Ngoài ra, tài sản của các công ty BĐS thường ở dạng tiềm ẩn, giá trị đất không được thể hiện đầy đủ trên bảng cân đối kế toán. Nhiều công ty có lợi thế đặc biệt trong việc tiếp cận quỹ đất giá vốn thấp, do vậy vốn hóa thị trường đôi khi chưa phản ánh đầy đủ giá trị ẩn giấu của các DN này.
Hiện có khá nhiều rủi ro đối với NĐT khi tham gia góp vốn vào các dự án BĐS. Theo ông, NĐT có thể làm gì để hạn chế những rủi ro này?
Các cổ phiếu BĐS có thể là lựa chọn thay thế kênh đầu tư BĐS truyền thống. Các cơ hội từ tăng giá đất đều được phản ánh tương đối nhanh chóng vào giá cổ phiếu của DN có quỹ đất lớn.
Với hàng chục công ty BĐS niêm yết, tôi nghĩ NĐT luôn có lựa chọn phù hợp cho mỗi giai đoạn phát triển của thị trường BĐS. Đầu tư cổ phiếu BĐS có lợi thế hơn so với việc mua đất truyền thống, do hình thức này phù hợp với mọi quy mô đầu tư, giao dịch đơn giản, minh bạch. Đấy là chưa kể đến việc đầu tư vào các công ty BĐS có giá trị tiềm ẩn được đánh giá thấp có thể tăng trưởng nhiều lần/năm sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn.
Có một hình thức đầu tư BĐS mà ở nước ngoài rất phổ biến, nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa có chế tài quản lý cũng như các tổ chức thực hiện. Đó là việc chứng khoán hoá các tài sản BĐS. Các NĐT có thể tìm đến mô hình các quỹ tương hỗ, thay vì tự tìm hiểu, thực hiện tất cả thủ tục mua bán một BĐS, NĐT có thể mua cổ phần của công ty BĐS và để các nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp tìm kiếm, phát triển dự án, kinh doanh thay mình.
Hiện đã có một số công ty BĐS phát hành trái phiếu cho NĐT cá nhân, có kèm theo quyền mua BĐS khi dự án hoàn thành. Theo tôi, đây cũng là một cách làm hay khi mô hình quỹ tương hỗ chưa phát triển tại Việt Nam.
Quang Sơn
Đầu tư chứng khoán
|