Thứ Ba, 18/05/2010 10:25

Phân loại nợ xấu của VCB: Hiểu thế nào?

Tại Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 3 tổ chức trong tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) chính thức đưa ra và bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh phân loại nợ xấu.

Theo điều chỉnh trên, dự tính nợ xấu của Vietcombank sẽ tăng từ 2,47% trong năm 2009 lên 3,5% trong năm 2010, đi cùng với đó là yêu cầu tăng trích lập dự phòng. Đây cũng là một nguyên nhân chính khiến chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2010 của ngân hàng này giảm so với số thực hiện trong năm 2009 (4.500 tỷ đồng so với 5.004 tỷ đồng). Và trong quý 1/2010, Vietcombank đã thực hiện trích 350 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng.

Hiện có những ý kiến khác nhau liên quan đến việc điều chỉnh này, khi xét đến yêu cầu hoạt động tốt hơn của ngân hàng, đến chỉ tiêu lợi nhuận và lợi ích cổ đông… VnEconomy đã trao đổi với ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, xoay quanh những nội dung này.

"Đây là việc phải làm"

Thưa ông, tại sao Vietcombank lại điều chỉnh việc phân loại nợ? Nên hiểu thế nào về việc phân loại nợ theo Điều 6 và Điều 7 của Quyết định 493, cũng như ý nghĩa của nó?

Vietcombank điều chỉnh chính sách phân loại nợ xuất phát từ 3 nhu cầu chính: một là, nhu cầu nâng cao chất lượng quản trị nội bộ của bản thân Vietcombank; hai là đòi hỏi của các tổ chức, đối tác, nhất là các tổ chức quốc tế; và ba là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, nhu cầu tự hoàn thiện về quản lý của Vietcombank là yếu tố xuyên suốt của sự đổi mới này.

Phân loại nợ theo Điều 6 chủ yếu dựa vào tình trạng của khoản nợ, tức là lịch sử việc thanh toán tiền gốc, lãi của khách hàng cho khoản nợ đó theo lịch trả nợ đã thoả thuận khi vay. Mặc dù theo quy định của Điều 6, ngoài tình trạng của từng khoản nợ, các tổ chức tín dụng có thể căn cứ thêm khả năng trả nợ của khách hàng để phân loại nợ. Nhưng vì chưa chuẩn hóa, tự động hóa việc đánh giá này nên trên thực tế các tổ chức tín dụng căn cứ chính vào tình trạng trả nợ thực tế. Xét ở khía cạnh này thì việc phân loại nợ theo Điều 6 là cho vay rồi mới phân loại nợ.

Phân loại nợ theo Điều 7 sẽ dựa vào kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ. Theo đó định kỳ (hàng quý) các khách hàng sẽ được đánh giá và xếp vào 1 hạng nào đó, ví dụ là AA, BB+ hay CCC. Căn cứ kết quả xếp hạng tín dụng này, ngân hàng sẽ phân loại toàn bộ dư nợ của khách hàng vào 1 nhóm nợ, ví dụ nếu là AA thì phân vào nhóm 1, nếu là CC thì phân vào nhóm 3.

Sự khác biệt về mặt chất giữa phân loại theo Điều 6 và Điều 7 chính là hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Nói tóm tắt, hệ thống này là phương pháp đánh giá định lượng, toàn diện và nhất quán về sức khỏe của khách hàng, trên cơ sở chấm điểm rất nhiều chỉ tiêu tài chính và phi tài chính, không chỉ có tình trạng trả nợ (như Điều 6) mà còn đánh giá về các thông số tài chính, triển vọng kinh doanh, triển vọng ngành, chất lượng quản lý nội bộ... của khách hàng. Nội dung chỉ tiêu và thang điểm được xây dựng trên cơ sở số liệu thống kê thực tế của rất nhiều khách hàng, ý kiến của các chuyên gia... nên đảm bảo tính khoa học, đánh giá sát thực và quan trọng là có tính dự báo cao.

Ngoài ra, khi quyết định cấp tín dụng thì các tổ chức tín dụng cũng căn cứ kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ của khách hàng nên việc phân loại nợ trên thực tế đã có ngay từ lúc thẩm định tín dụng chứ không phải chờ đến lúc giải ngân rồi mới phân loại. Điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng chủ động về chất lượng danh mục tín dụng của mình.

Khi điều chỉnh phân loại, nợ xấu tăng lên đi cùng với yêu cầu trích lập dự phòng và (chỉ tiêu) lợi nhuận giảm. Ông nói gì về điều này, nhất là khi gắn với lợi ích của cổ đông?

Chính sách phân loại nợ dựa trên hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ có mức độ chặt chẽ, khắt khe hơn so với Điều 6, nên trong thời gian đầu áp dụng sẽ làm tăng chi phí trích lập dự phòng.

Tuy nhiên, hệ thống mới cũng sẽ nâng cao chất lượng quản trị tín dụng, giúp Vietcombank có đủ năng lực kiểm soát tốt rủi ro trong những năm tiếp theo. Đây chính là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của ngân hàng. Vì vậy, việc triển khai chính sách này là nhằm tới mục tiêu đảm bảo lợi ích dài lâu của cổ đông.

Khi thực hiện kế hoạch trên, Ban lãnh đạo Vietcombank có chịu những áp lực gì không? Ông có thể chia sẻ thông tin này không?

Như đã đề cập, chính sách phân loại nợ mới này đi kèm với việc xây dựng và áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Đây là một công cụ quản trị tín dụng tiên tiến, đã thông dụng ở các ngân hàng quốc tế và khu vực.

Vietcombank đã nhìn nhận vấn đề này từ rất sớm và đã triển khai từ đầu năm 2003. Thời gian từ đó tới nay là bước trải nghiệm cần thiết, và có điều kiện đúc rút kinh nghiệm để chuyển sang giai đoạn áp dụng sâu rộng hơn, đồng bộ hơn. Như vậy, việc hoàn thiện hệ thống xếp hạng và đưa vào áp dụng phân loại nợ mới là bước đi tiếp theo, rất tự nhiên và nhất quán trong định hướng chính sách của Vietcombank.

Việc áp dụng tiêu chuẩn quản trị cao hơn tất nhiên tạo áp lực phải nâng cao chất lượng quản lý cho người điều hành. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Vietcombank xác định đây là việc phải làm vì lợi ích dài lâu của ngân hàng và hiện cũng đã đủ điều kiện chín muồi để triển khai.

"Đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ"

Ở đây có thể xem là một vấn đề mang tính kỹ thuật, nhưng có thể hiểu là Vietcombank làm thế để tiếp cận các chuẩn mức quốc tế, xa hơn là để chuẩn bị cho việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hay niêm yết ở nước ngoài không?

Hoàn toàn chính xác. Văn hoá của Vietcombank là làm thật, làm vì chất lượng của chính mình chứ không chạy theo phong trào. Các vấn đề nêu ra cũng chính là 2 trong 3 lý do chính để Vietcombank triển khai kế hoạch này.

Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là nền tảng cốt yếu đầu tiên để triển khai tiếp các công cụ quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Thực tế, Vietcombank xây dựng hệ thống này là để chuẩn bị cho việc áp dụng chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế; áp dụng Basel II... Các công cụ này cũng sẽ nâng cao tính minh bạch trong quản trị, đáp ứng tốt yêu cầu của đối tác, thị trường khu vực và quốc tế.

Liên quan đến trích dự phòng và lợi nhuận, theo ông khoản trích lập đó (như 350 tỷ đồng trong quý 1/2010) có thể xem là “của để dành” của Vietcombank không? Hay khả năng hoàn nhập sẽ như thế nào?

Việc trích lập dự phòng được căn cứ vào kết quả phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Vietcombank đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ theo kết quả phân loại nợ đến quý 1/2010, đảm bảo khả năng bù đắp rủi ro và phát triển an toàn.

Trong thực tế, việc hoàn nhập phụ thuộc vào khả năng cải thiện kinh doanh của khách hàng, điều kiện của nền kinh tế... Nếu các yếu tố này phát triển thuận lợi thì mức độ rủi ro của khách hàng sẽ giảm và kéo theo đó là số tiền phải trích lập sẽ ít đi.

Minh Đức

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Để có T + 2: cần một lộ trình cụ thể  (18/05/2010)

>   Lợi nhuận quý II sẽ "dẫn dắt" giá cổ phiếu  (18/05/2010)

>   Thêm công ty chứng khoán bị cảnh cáo (18/05/2010)

>   Thành viên độc lập, anh là ai? (17/05/2010)

>   SPM – Triển vọng cho nhà đầu tư (17/05/2010)

>   Cổ phiếu nhỏ: Thoát hàng hay chờ sóng mới? (17/05/2010)

>   Nóng cổ phiếu bị pha loãng (17/05/2010)

>   PVT bị phạt 50 triệu đồng (17/05/2010)

>   HHL và VTV chốt danh sách họp ĐHĐCĐ 2010 (17/05/2010)

>   Bài 3: Greg Morris - Nhận định và chiến lược về TTCK Việt Nam (18/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật