Để có T + 2: cần một lộ trình cụ thể
Mặc dù còn một số khó khăn cần giải quyết để giao dịch bán chứng khoán sau ngày giao dịch (giao dịch T+2) chính thức được thực hiện, nhưng nhiều CTCK cho biết, họ đã sẵn sàng. Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có hướng mở là không phải chờ 100% CTCK đáp ứng đủ điều kiện mới triển khai T+2. Vấn đề là cơ quan quản lý, cấp cao nhất quyết định vấn đề này là Bộ Tài chính, cần đưa ra một lộ trình cụ thể.
Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG)
Căn cứ vào yêu cầu của Trung tâm Lưu ký (VSD), với nhân sự và công nghệ hiện nay, VIG đã sẵn sàng cho triển khai nghiệp vụ T+2, vấn đề còn lại là chờ quyết định chính thức của cơ quan quản lý. Để sớm triển khai T+2, các thành viên thị trường nên tập trung tháo gỡ vướng mắc về công nghệ, quy trình thanh toán bù trừ chứng khoán… để đi đến thống nhất phương thức, cũng như lộ trình triển khai sao cho đảm bảo an toàn, hiệu quả. Điều này có nghĩa là đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả thành viên thị trường, chứ nếu chỉ một hai khâu còn trục trặc, thì không dễ triển khai T+2. Với khả năng tăng tính thanh khoản cho thị trường, một khi nghiệp vụ T+2 được triển khai sẽ tạo động lực mới cho sự thay đổi về chất của TTCK sau 10 năm phát triển, điều mà cả thị trường đã mong đợi suốt một thời gian dài.
Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát (APG)
Sau khi UBCK đưa ra chủ trương triển khai giao dịch chứng khoán T+2, VSD đã hướng dẫn các CTCK chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện. Dựa trên những yêu cầu này, APG đã đáp ứng được các điều kiện cho triển khai nghiệp vụ T+2. Tuy nhiên, một thực tế mà có lẽ khiến các thành viên thị trường còn băn khoăn là khả năng sửa lỗi trong giao dịch của VSD đến đâu.
Việc triển khai nghiệp vụ T+2 chỉ đảm bảo an toàn, công bằng khi VSD chứng tỏ khả năng đảm đương được việc sửa lỗi trong quá trình giao dịch của TTCK trong thời hạn T+1. Nếu không đáp ứng được đòi hỏi này sẽ dẫn đến nguy cơ là khi các lỗi giao dịch chưa kịp thời được khắc phục, thì chứng khoán đã đến ngày bán hoặc bị bán. Điều này sẽ gây nên những hệ luỵ không lành mạnh đối với thị trường. Đòi hỏi này dường như đang vượt quá khả năng của VSD, khi mà nhiều loại chứng từ giao dịch trong ngày các CTCK gửi về VSD đang được đối chiếu, kiểm tra thủ công, chứ chưa được thực hiện qua hệ thống công nghệ thông tin. Do đó, vấn đề mấu chốt để triển khai T+2 đang nằm ở chỗ đảm bảo khả năng sửa lỗi của VSD diễn ra nhanh chóng, chính xác.
Đại diện CTCK Quốc Gia (NSI)
Khi được cơ quan quản lý yêu cầu có ý kiến phản hồi về thuật toán chi tiết hướng dẫn việc thanh toán bù trừ T+2, Ban giám đốc Công ty đã giao phòng, ban nghiệp vụ đưa ra ý kiến về khả năng triển khai chính thức sau đó. Hiện NSI đã sẵn sàng cho việc triển khai nghiệp vụ T+2.
Thực tế, các CTCK nhỏ mong ngóng được triển khai T+2, bởi lẽ, khi đó thì chính CTCK nhỏ, dù có số vốn điều lệ khiêm tốn nhưng vẫn có thể cạnh tranh được với CTCK tầm trung hay CTCK lớn bằng khả năng cung cấp dịch vụ cho NĐT. Nghĩa là, NĐT dù nhỏ lẻ vẫn được giao dịch bán chứng khoán sau ngày giao dịch T+2, điều mà trước đây thường thì chỉ khách hàng "VIP" tại các CTCK lớn mới được hưởng một cách không công khai. Có thể chính vì lẽ đó mà có ý kiến cho rằng, CTCK có thị phần môi giới lớn không quá mặn mà với T+2 như các CTCK nhỏ.
Bà Trần Dương Ngọc Thảo, Tổng giám đốc CTCK Gia Quyền (EPS)
Việc triển khai áp dụng T+2, tôi cho rằng, hầu như CTCK nào cũng muốn. Ngoài lợi ích cho NĐT là rút ngắn ngày về và bán chứng khoán, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu thì T+2 còn đem đến lợi ích thiết thực cho chính CTCK, đó là làm tăng doanh thu. Ngoài ra, khi T+2 đi vào thực tiễn thì sẽ không còn hiện tượng một số CTCK "âm thầm" thực hiện hoạt động này cho NĐT "VIP", nhằm làm tăng lợi thế cạnh tranh.
Thực tế, nếu lách luật, áp dụng T+2 trước khi cơ quan quản lý cho phép thì CTCK phải đầu tư cho việc sửa đổi hệ thống giao dịch. Về nghi ngại vì sao một số CTCK có thị phần môi giới lớn không quá mặn mà với T+2 như các CTCK nhỏ, theo tôi, có lẽ là do họ đang thực hiện T+2. Ngoài nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh thì lý do còn nằm ở việc các CTCK đó phải xoay xở với việc chuyển đổi hệ thống, khi lượng tài khoản giao dịch của NĐT rất lớn, trong đó có nhiều NĐT "VIP" và nhiều mã chứng khoán được thực hiện T+2, dẫn đến việc "test" hệ thống trước khi áp dụng chính thức T+2 sẽ phức tạp.
Ông Nguyễn Thọ Phùng, Phó tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC)
Với VietinbankSC, hệ thống công nghệ đã sẵn sàng để thực hiện giao dịch T+2, chỉ còn chờ cơ quan quản lý chính thức cho phép. Để thực hiện tốt nghiệp vụ này, tránh những sai sót thì VSD cùng các CTCK phải thống nhất được với nhau về vấn đề sửa lỗi, kiểm soát số dư tài khoản… Hệ thống công nghệ của VSD và các CTCK phải đồng nhất, nghĩa là VSD phải giám sát chi tiết tài khoản của NĐT, nhưng hiện nay, theo tôi được biết, vẫn còn một số CTCK chưa đáp ứng được điều kiện này. Tuy nhiên, UBCK đã có hướng mở là không phải chờ 100% CTCK đồng nhất thì mới triển khai, mà có thể thực hiện sớm hơn. Do vậy, mấu chốt cuối cùng cho T+2 vẫn là chờ văn bản chính thức từ cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài chính.
Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)
Cũng như nhiều CTCK khác, từ lâu HSC đã kiến nghị với cơ quan quản lý sớm áp dụng nghiệp vụ T+2, nhằm tạo tính thanh khoản, cũng như đảm bảo tính công bằng cho các NĐT (vì một số công ty "lách luật" thực hiện - PV). Theo tôi, triển khai T+2 thực hiện song song với nghiệp vụ cho vay giao dịch ký quỹ thì hiệu ứng sẽ tốt hơn.
Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề chưa thực hiện được T+2 không nằm ở việc CTCK ngại đầu tư công nghệ hay do hệ thống của VSD không đủ khả năng giám sát chi tiết tài khoản NĐT, cũng không liên quan đến vấn đề phải sửa luật, mà nằm ở quyết định của Bộ Tài chính. Bởi lẽ, sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận thì UBCK mới đưa ra văn bản hướng dẫn cụ thể về thời hạn thực hiện. Do vậy, để giao dịch T+2 sớm đi vào thực tế, cơ quản quan lý cần đưa ra một lộ trình cụ thể, để tất cả thành viên đều phải nỗ lực hết mình, giúp việc triển khai được hiệu quả và chắc chắn.
Hữu Hòe - Kim Lan - Hải Vân thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|