Thứ Ba, 18/05/2010 17:30

Sự kiện SSI “dự báo” chính sách tiền tệ: Cần chế tài công bố thông tin

Tuần qua, rộ lên thông tin về việc NHNN phá giá VNĐ, xuất phát từ một bản báo cáo của CTCK Sài Gòn (SSI), đã tác động xấu đến thị trường tiền tệ. Một lần nữa, chất lượng báo cáo của các tổ chức tài chính nói chung, các CTCK nói riêng cần được mổ xẻ kỹ lưỡng để tránh hậu quả không tốt mà xã hội phải gánh chịu. Nhà đầu tư cũng cần xem lại mình để tránh tình trạng bị các CTCK “chăn dắt” thông qua các bản báo cáo.

Cầm đèn chạy trước ô tô

Trong báo cáo “Triển vọng ngành” công bố tháng 3 vừa qua, SSI đã đưa ra những dự báo rất đáng chú ý: “Lãi suất cơ bản có thể sẽ tăng lên 9% trong 1 hoặc 2 tháng tới và tăng cao nhất lên mức 10% cho đến cuối năm 2010. Chúng tôi cho rằng tỷ giá chính thức VNĐ có thể giảm tiếp 3-4% trong thời gian còn lại của năm 2010”.

Như đã biết, mỗi lần NHNN thay đổi lãi suất cơ bản, lập tức TTCK Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Như vậy, nếu ai đặt niềm tin vào những dự báo của SSI về khả năng tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới, chắc chắn sẽ không mạnh dạn giải ngân vào TTCK và bỏ lỡ không ít cơ hội.

Cũng cần lưu ý trong việc công bố báo cáo vừa nêu, SSI đã mời rất nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước đến dự. Điều này đồng nghĩa ảnh hưởng của báo cáo này đối với TTCK, nhất là những nhà đầu tư tổ chức giữ vai trò trụ cột trên thị trường, không hề nhỏ. Nếu là một quỹ đầu tư mới vào Việt Nam, chưa đủ khả năng cảm nhận và phân tích nền kinh tế nước ta, chắc chắn sẽ chịu rất nhiều ảnh hưởng từ SSI, một đơn vị từ lâu vẫn giữ vị thế là một CTCK hàng đầu. Khá trùng hợp là vào cuối tháng 3, HSBC cũng đưa ra dự báo lãi suất cơ bản sẽ tăng thêm 1% trong tháng 4 nhưng rốt cuộc NHNN vẫn giữ nguyên mức 8%.

Không ít nhà đầu tư đã đặt câu hỏi tại sao cả hai tổ chức tài chính trong và ngoài nước lại giống nhau về quan điểm như vậy. Liệu HSBC trước khi đưa ra dự báo có “ngó qua” dự báo của SSI hay không?

Trong báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 5 của CTCK Kenaga Việt Nam đã đưa ra một số nhận định khiến nhà đầu tư không khỏi giật mình: “Thị trường tiền tệ - ngoại hối đã ổn định trở lại và minh bạch hơn”. Nói như vậy thì trước đây thị trường tiền tệ nước ta kém minh bạch và phải đến thời gian vừa qua mới cải thiện?

Ngày 10-5, CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa ra nhận định: “Các chỉ số kinh tế đang trong trạng thái “tích cực nhất” kể từ đầu năm tới nay khi lạm phát trong tầm kiểm soát và tín dụng đang bắt đầu tăng trưởng mạnh. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu hiện tại cho tới khi VN Index có dấu hiệu bán ra”.

Nhưng ngay ngày hôm sau, nhận định đã thay đổi, thành: “Thông tin tích cực trên phương diện kinh tế vĩ mô, mà chủ yếu tập trung vào 2 yếu tố, mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng và tỷ lệ lạm phát, dường như đã được phản ánh trong nhịp tăng điểm trước và thị trường đang cần thêm những tín hiệu rõ ràng hơn để tiếp tục đi lên”.

Đâu là sự chuyên nghiệp, lập trường của BVSC hay đây chỉ là những nhận định mang tính chất “tát nước theo mưa”? Trong báo cáo ra ngày 12-4 của CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS) có đoạn: “Câu hỏi đặt ra là NHNN có tiếp tục bơm tiền vào lưu thông và như vậy TTCK sẽ tăng điểm? Câu trả lời của chúng tôi là rất có thể. Vì lãi suất vẫn chưa được giảm nên nhiều khả năng NHNN sẽ phải tiếp tục bơm tiền vào. Và cũng vì Chính phủ và NHNN đã tuyên bố rất mạnh mẽ với dân chúng rằng lãi suất sẽ giảm trong 2 tháng tới, nên họ sẽ buộc phải thực hiện lời hứa của mình. Và hiển nhiên TTCK sẽ có phản ứng tích cực với sự tăng điểm ngắn hạn…”.

Không khó để nhận ra một “SSI thứ 2”, SBBS cũng đã thay mặt NHNN nói về chính sách tiền tệ.

Không chỉ là thông tin

Các CTCK đều khẳng định thông tin, quan điểm nêu trong báo cáo chỉ mang tính chất tham khảo và nhà đầu tư biết rõ điều đó. Nhưng cũng cần thấy một thực tế: Nếu họ không tin vào những báo cáo của các CTCK cũng… không biết tin ai. Rất khó có chuyện nhà đầu tư đọc một bản báo cáo được thực hiện công phu, lập luận hùng hồn rồi bỏ sang một bên do không tin. CTCK thường nói họ tách bạch giữa các bộ phận phân tích, môi giới, tự doanh để tạo sự minh bạch, khách quan. Nhưng thực tế có bao nhiêu công ty làm được điều này?

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Mở TPHCM

Dư luận đang đặt câu hỏi về việc có hay không cuộc chiến giữa CTCK lớn là SSI và Thăng Long (TSC)?

Ngày 13-5 vừa qua, TSC đã có bài phân tích về việc khó có khả năng phá giá VNĐ trong thời điểm hiện nay. Nhiều nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm đã đặt câu hỏi về sự “sốt sắng” của TSC trong thời điểm mà SSI đang “gặp nạn” với việc phát ngôn thay NHNN về tỷ giá.

Chính NHNN đã lên tiếng khẳng định không có chuyện phá giá VNĐ. Vậy TSC cần phải nói lại làm gì? Thời gian qua, rộ lên hàng loạt những tin đồn về cuộc chiến ngầm giữa SSI và TSC, những cổ phiếu nào TSC khuyến nghị mua vào thì SSI nói nên bán ra. Đã có những ý kiến cho rằng TSC đang tranh thủ thời cơ để “chơi” SSI.

Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, việc CTCK nêu quan điểm của mình không có gì sai, điều này nhằm phục vụ quá trình đầu tư của khách hàng và chính công ty. Nhưng có 3 vấn đề mấu chốt ở đây là thời điểm, đối tượng nhận định và sự nhạy cảm của TTCK. Hai tuần qua, TTCK Việt Nam không thể tiếp tục xu hướng tăng do những ảnh hưởng từ TTCK thế giới. Ngay cả khi TTCK Hoa Kỳ hoặc châu Âu có những phiên tăng, VN Index cũng tiếp tục giảm điểm.

Thời điểm tin đồn về khả năng phá giá VNĐ xuất hiện trong lúc nhà đầu tư mất tinh thần đã gây tâm lý cực xấu. Một CTCK lớn như SSI, khi đã phát ngôn, dù muốn hay không, rất nhiều nhà đầu tư cũng phải lắng nghe. TTCK Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và sự nhạy cảm với thông tin đôi khi đã được đẩy lên quá mức, đã hại chính các nhà đầu tư.

Hiện nay trong hầu hết các bảng phân tích của các CTCK đều muốn thể hiện mình là chuyên gia phân tích “có số” trên thị trường. Do vậy nhiều bảng phân tích đã tung ra những thông tin vô tội vạ, dự báo những vấn đề nhạy cảm về kinh tế vĩ mô mà lẽ ra những thông tin này chỉ được cơ quan thuộc Chính phủ phát ngôn.

Kiểu dự báo “5 ăn 5 thua” này, nếu thị trường đi theo chiều hướng của người dự báo thì họ tự coi mình là chuyên gia, còn ngược lại thì cho rằng chỉ là dự báo. Và con bài chống lưng cho các bảng phân tích này là câu thiệu: “Chỉ có giá trị tham khảo và chỉ để phục vụ cho nhà đầu tư”. Do vậy đã đến lúc phải có những quy định cụ thể về mức độ công bố thông tin và có hình thức chế tài những kiểu “dự báo” giật gân hoặc phục vụ ý đồ riêng của mình, gây tác động xấu xã hội.

“Chiến đấu” với tin thất thiệt

NHNN đã báo cáo Thủ tướng và Ủy ban Chứng khoán nhà nước, đề nghị có hướng xử lý việc phát ngôn làm ảnh hưởng diễn biến tỷ giá VNĐ/USD. Nội dung nêu rõ thị trường ngoại hối đã chịu tác động xấu từ thông tin của SSI. Mặc dù thông qua một số phương tiện thông tin đại chúng, NHNN đã bác bỏ thông tin trên nhưng giá USD tiền mặt tại thị trường tự do vẫn tăng nhanh, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc NHNN

Có những lời nói ra không đúng, có thể nói lại để sửa sai. Nhưng với thị trường ngoại hối, do có đặc thù cực kỳ nhạy cảm, vì thế một phát ngôn không đúng, nhiều lời nói lại chưa chắc sửa được. Hoặc có nói lại nhưng đã để lại hậu quả nặng nề. Từ đó có thể khẳng định thông tin không đúng về tỷ giá VNĐ/USD của SSI là thông tin thất thiệt, đã gây hậu quả nghiêm trọng, tác động xấu đến thị trường.

Thị trường ngoại hối vốn đang bình lặng đã bị “chọc, quấy”. Giá USD đang giảm đã bất ngờ tăng lại, nhiều đơn vị và cả người dân bị thiệt do phải mua USD giá cao, ngược lại cũng có người hưởng lợi vì đã “đẩy” được hàng lỡ mua gom giá cao trước đây.

Không chỉ thị trường ngoại hối, thị trường chứng khoán cũng chao đảo trước thông tin này. Phản ứng từ các cơ quan chức năng khá quyết liệt. Cũng dễ hiểu, bởi mới đây Nhà nước đã phải thực hiện nhiều biện pháp để đưa thị trường ngoại tệ thoát khỏi tình trạng đóng băng, giảm dần việc găm giữ ngoại tệ. Chi phí để rã băng thị trường ngoại hối không nhỏ.

Theo đó, Chính phủ đã buộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục bán ngoại tệ cho ngân hàng. NHNN phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, đưa lãi suất tiền gửi USD của doanh nghiệp xuống thấp... Phải mất nhiều thời gian, thị trường ngoại hối mới đảo chiều. Giá USD thị trường tự do giảm gần 1.000 đồng/USD. Doanh nghiệp thôi găm giữ ngoại tệ.

Thực tế, từ chỗ phải bán USD can thiệp bình ổn thị trường, NHNN đã mua vào 1 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Thế nhưng, thị trường ngoại tệ một lần nữa lại bị khuấy đảo bởi những thông tin, nhận định thiếu trách nhiệm, không có cơ sở. Đã xác định được nguồn gốc thông tin thất thiệt. Người dân đang chờ cơ quan chức năng xử lý rốt ráo vụ việc. Đây là yêu cầu chính đáng vì hậu quả thông tin thất thiệt rất nặng nề.

Phước Đức - Hải Nam

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   Bóng ma giải chấp (18/05/2010)

>   Hấp dẫn cổ phiếu sắp lên sàn   (18/05/2010)

>   Càng tiến gần vị thế kiểm soát, càng ít độc lập (18/05/2010)

>   Gầy dựng niềm tin từ công bố thông tin (18/05/2010)

>   Cấm sử dụng cộng tác viên trong môi giới chứng khoán (18/05/2010)

>   Cổ phiếu bất động sản: Hấp dẫn nhờ tỷ lệ sinh lời cao (18/05/2010)

>   Phân loại nợ xấu của VCB: Hiểu thế nào? (18/05/2010)

>   Để có T + 2: cần một lộ trình cụ thể  (18/05/2010)

>   Lợi nhuận quý II sẽ "dẫn dắt" giá cổ phiếu  (18/05/2010)

>   Thêm công ty chứng khoán bị cảnh cáo (18/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật