Thứ Sáu, 21/05/2010 06:51

Áp lực giải chấp và tâm lý bất ổn

VN-Index ngày 20.5 đã “ngóc đầu” lên trở lại mức 500 điểm, khỏa lấp phần nào màu đen của cuộc tháo hàng hoảng loạn ngày 19.5 trước đó. Giải chấp là lý do của cuộc bán tháo trong tâm lý hoang mang của các nhà đầu tư trên sàn.

>>Chứng khoán bấp bênh vì đòn bẩy tài chính

Áp lực giải chấp

Ngày 19.5, các cổ phiếu đầu cơ đã bị bán ra từ ngay buổi đầu phiên giao dịch và sự sụt giảm lan dần sang các cổ phiếu khác trên thị trường.

Từ khi lên mốc 549 điểm ngày 6.5, thị trường từ đó trượt dần xuống dốc. Đà giảm từ từ gần 10 phiên trước đó và kéo dài cho đến khi ngày càng đẩy nhiều nhà đầu tư chịu áp lực giải chấp cho việc sử dụng đòn bẩy tài chính của mình.

Tỷ lệ đòn bẩy tài chính thường thấy hiện nay là nhà đầu tư được phép mua gấp đôi, gấp ba số tiền họ có. Do vậy, chỉ cần chứng khoán lình xình và giảm giá 2 - 3 phiên liên tiếp, cụ thể trong hai ngày 17 và 18.5 đã mất tổng cộng 3,23% trên sàn TP.HCM, mất 3,33% trên sàn Hà Nội, đã làm khoản tiền ký quỹ của nhiều nhà đầu tư “bốc hơi”. Theo công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), để đảm bảo tỷ lệ này, nhà đầu tư đã bán ra các cổ phiếu khác bao gồm cả các cổ phiếu blue-chip để có tiền trong tài khoản. Làn sóng bán ra cổ phiếu đã tác động đến khối các cổ phiếu khác trên thị trường. Mặt khác, khi nhà đầu tư không bỏ thêm tài sản để đảm bảo tỷ lệ vay đúng qui định, công ty chứng khoán buộc phải xử lý các tài khoản này bằng cách tự động bán ra chứng khoán.

Một nhà môi giới của công ty chứng khoán cho biết, đợt giải chấp này đã làm nhiều nhà đầu tư thiệt hại hàng tỉ đồng. Thiệt hại càng tăng khi khoảng 3 tuần gần đây, các nhà đầu tư có thêm một đòn bẩy tài chính mới: không có tiền vẫn mua bán được chứng khoán.

Thí dụ, nhà đầu tư A mua 10.000 cổ phiếu SSI và không có khoản tiền mua theo qui định trong tài khoản, được công ty chứng khoán cho vay toàn bộ. Đến ngày T+4 về, công ty chứng khoán tự động bán lượng cổ phiếu này đi. Trừ đi lãi vay 0,01%/ngày + phí giao dịch 0,2%, lãi còn lại nhà đầu tư hưởng. Ngược lại, nhà đầu tư gánh chịu lỗ và phí.

Theo giới tài chính, từ đầu tháng 4, khi tín dụng được nới lại, nhiều nhà đầu tư đã được cung cấp đòn bẩy tài chính. Theo đó, chính đòn bẩy tài chính đã giúp thị trường đi lên từ đầu tháng 5, không phải từ dòng tiền đột biến bên ngoài từ vàng, bất động sản hay tín dụng mở rộng. Từ đó, chính áp lực giải chấp đã làm thị trường đi xuống.

Mức độ cho vay và giải chấp lớn như thế nào vẫn chưa có con số từ các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu giải chấp này là không nhỏ khi đã đóng vai trò lớn trong việc làm tăng giảm mạnh VN-Index và khiến những nhà đầu tư khác tháo chạy hoảng loạn trong ngày 19.5.

“Sóng” đầu cơ và tâm lý bất ổn

Khi bán ra, hầu như các nhà đầu tư đã quên rằng mới đây, hai sàn bùng nổ với khối lượng giao dịch 195 triệu đơn vị, thu hút gần 6.800 tỉ đồng vào thị trường vào ngày 7.5 qua, cũng như giá trị giao dịch đều đặn ở mức 4.500 tỉ đồng trên hai sàn. Việc tháo hàng, dù có nhiều lý giải, cũng là khó hiểu tại thời điểm này.

Theo ông Phạm Linh, tổng giám đốc công ty chứng khoán ngân hàng Quốc tế (VIS), nhà đầu tư trong nước đã bị tác động tâm lý khi sáng cứ mở mắt ra là thấy bất ổn trên các thị trường chứng khoán quốc tế.

Dù vậy, theo ông, xét cho cùng thì trong nước vẫn đang lạc quan các yếu tố kinh tế vĩ mô, thanh khoản và tín dụng ngân hàng cải thiện, tỷ giá ổn định, kết quả hoạt động kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp khả quan. Thậm chí, một loạt doanh nghiệp vừa phải giải trình với sở Giao dịch chứng khoán vì lợi nhuận đột biến trong quý 1, với mức tăng vài chục đến vài trăm phần trăm. Ngoài ra, khi nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn ở các kênh đầu tư khác, thì đợt sụt giảm mạnh này là bất ngờ đối với thị trường.

“Chúng tôi lấy làm tiếc vì đã nhận định sai về thị trường trong thời gian gần đây”, HSC nói trong bản phân tích thị trường ngày 19.5. Dù khẳng định sự suy giảm hiện tại hoàn toàn chịu tác động của việc giải chấp từ nhóm các cổ phiếu bị đầu cơ, HSC cho rằng thật khó để có thể nắm bắt được bản chất của sự suy giảm do yếu tố tâm lý của thị trường.

Vài tháng qua, nhiều nhà đầu tư đã bị lôi kéo đầu tư bầy đàn theo cơn lốc đầu cơ cổ phiếu giá rẻ, cổ phiếu của công ty bị thua lỗ mà không tường tận (hoặc bỏ mặc) giá trị thực của các cổ phiếu này. Việc thị trường chứng khoán luôn xuất hiện những tin đồn thổi như cơm bữa, những giao dịch cổ đông lớn không công bố, những đợt sóng lên xuống được cho là thao túng của nhà đầu cơ lớn… khiến mong muốn kiếm lời nhanh của nhà đầu tư cũng tăng tỷ lệ thuận với tâm lý bất ổn và niềm tin đầu tư vào những cổ phiếu có giá trị tốt lần hồi bị xói mòn, điều này đã được bộc lộ trong cuộc bán tháo vừa qua.

Hồng Sương

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Chứng khoán bấp bênh vì đòn bẩy tài chính (21/05/2010)

>   Nỗi lo nguồn vốn đầu tư  (21/05/2010)

>   ITL liên doanh mở kho vận với Tanimex (20/05/2010)

>   Áp lực giải chấp cổ phiếu (20/05/2010)

>   CTM đã “bán trắng” dự án mỏ đá trắng? (20/05/2010)

>   Vẫn còn nhiều lấn cấn (20/05/2010)

>   Thời và thế trong xác định giá trị doanh nghiệp (20/05/2010)

>   Thị trường trượt dốc vì đòn bẩy tài chính (20/05/2010)

>   Thị trường giảm sâu (20/05/2010)

>   Người lao động được mua cổ phần giảm giá (20/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật