Thứ Năm, 20/05/2010 12:04

Áp lực giải chấp cổ phiếu

Sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, VN-Index đã rơi khỏi ngưỡng 500 điểm, đóng cửa chỉ còn 494,9 điểm trong phiên hôm qua. Thị trường đang đối diện với nỗi lo giải chấp cổ phiếu (CP) có thể sẽ mạnh hơn như đã dự báo trước đó.

Xử lý đòn bẩy tài chính

Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4.2010, khi thị trường đang có xu hướng tăng, số lượng nhà đầu tư (NĐT) sử dụng vốn vay để mua CP tăng mạnh. Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cho NĐT sử dụng hạn mức bảo lãnh để mua chứng khoán với tỷ lệ khá cao. Ví dụ như NĐT chỉ cần có 200 triệu đồng hoặc 300 triệu đồng cũng được mua CP với trị giá lên đến 1 tỉ đồng...

Hầu hết các CTCK đều không công bố số tiền đã giải ngân cho NĐT vay mượn nhưng theo khảo sát chung, mức sử dụng đòn bẩy này đã tăng khoảng 3 - 4 lần so với 2 tháng đầu năm. Đây là lý do, dù hầu hết các CTCK đều phủ nhận việc giải chấp nhưng các NĐT, những người đóng vai chính trong việc này, hết sức lo lắng trước áp lực giải chấp CP.

Trên thực tế, khi chỉ số VN-Index giảm mạnh từ 549 điểm về mức 520 điểm trong tuần lễ vừa qua, nhiều CP đã có mức giảm lên đến 20 - 25%, đợt giải chấp CP đầu tiên đã xuất hiện. Tuy nhiên, mới chỉ giải chấp "cục bộ" ở các CTCK cho vay với tỷ lệ cao để giảm bớt số tiền vay.

Khi VN-Index mất ngưỡng 500 điểm trong phiên hôm qua, áp lực giải chấp CP đang đè nặng lên hầu hết các CTCK. Đại diện CTCK SME  cho rằng, khi VN-Index rớt mạnh qua mốc 500 điểm thì có thể tạo nên một làn sóng giải chấp mới. Còn ông Nguyễn Hoàng Long - Tổng giám đốc CTCK Âu Việt -  đánh giá tuy mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của NĐT vừa qua có tăng lên nhưng cũng còn khá thấp so với thời điểm tháng 8 - 9.2009. Vì vậy sự lo lắng của NĐT về vấn đề giải chấp CP có thể không quá lớn vì nhiều người đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính.

Thế nhưng, như đã nói trên, do không có con số cụ thể về việc tổng số tiền vay trong tháng 4 vừa qua là bao nhiêu nên cũng không ai nói được đã hết hay chưa lượng CP bị cầm cố. Và với phiên sụt giảm khá mạnh hôm qua khiến VN-Index tuột khỏi ngưỡng tâm lý 500 điểm khá quan trọng thì một làn sóng giải chấp CP mới có thể lại diễn ra.

Áp lực phải bán

Đòn bẩy tài chính luôn được NĐT sử dụng để chạy đua trong việc gia tăng lợi nhuận khi CP tăng giá. Tuy nhiên khi giá CP giảm đến mức 20% thì bắt buộc NĐT phải đưa thêm tài sản vào để đảm bảo tỷ lệ cho vay theo quy định.

Chẳng hạn, một CP khi được cầm cố cho vay đang có giá 50.000 đồng/CP thì khi giảm đến 40.000 đồng/CP các NĐT buộc phải gia tăng số lượng CP, hoặc tiền để cầm cố. Nếu không thì CTCK bắt buộc sẽ bán ra CP để thu hồi tiền cho vay và hạn chế rủi ro mất vốn. Theo ông Võ Hữu Tuấn - Giám đốc CTCK Bảo Việt chi nhánh TP.HCM - thị trường càng giảm thì áp lực phải bán CP được cầm cố càng gia tăng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường và càng khiến CP giảm giá với tốc độ nhanh hơn.

Đặc biệt gần 2 tháng qua, nhiều NĐT đã lao theo làn sóng CP vừa và nhỏ nên tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao. Thông thường các NĐT đều sử dụng CP blue-chips cầm cố (vì thị giá CP blue-chips cao nên được ưu tiên cho vay và số tiền vay nhiều hơn) và sử dụng nguồn tiền vay để “lướt sóng”. Khi VN-Index ở mức trên 520 điểm, nhiều CP blue-chips chỉ mới giảm 5-7% nên chưa đến mức phải giải chấp. Còn tính đến hiện tại, nhiều CP blue-chips đã giảm mạnh ở mức 15-17% và cận kề ngưỡng buộc phải giải chấp. Nhóm CP blue-chips càng bị bán mạnh sẽ càng tác động mạnh đến chỉ số VN-Index và những CP vừa và nhỏ còn lại.

Vì vậy, theo nhận định của  một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, rất khó nói đúng, sai với thị trường này. Không chỉ cơn sóng giải chấp CP làm nguồn cung gia tăng, một số NĐT cũng bán luôn CP blue-chips với tâm lý chờ cơ hội mua lại sau rẻ hơn. Khi đó, thị trường càng lao dốc và làn sóng giải chấp CP cầm cố là điều không tránh khỏi. Đây là rủi ro lớn nhất không chỉ cho những NĐT đã sử dụng đòn bẩy tài chính mà rủi ro cho cả thị trường và cả những NĐT sử dụng bằng tiền thật của mình cũng bị vạ lây.

Mai Phương

thanh niên

Các tin tức khác

>   CTM đã “bán trắng” dự án mỏ đá trắng? (20/05/2010)

>   Vẫn còn nhiều lấn cấn (20/05/2010)

>   Thời và thế trong xác định giá trị doanh nghiệp (20/05/2010)

>   Thị trường trượt dốc vì đòn bẩy tài chính (20/05/2010)

>   Thị trường giảm sâu (20/05/2010)

>   Người lao động được mua cổ phần giảm giá (20/05/2010)

>   Khó cấm sử dụng cộng tác viên môi giới (19/05/2010)

>   Nín thở với cổ phiếu titan (19/05/2010)

>   ICG: Dự án B14 Kim Liên bị tố tự ý 'đẻ' thêm tầng (19/05/2010)

>   BVSC thay đổi logo và hệ thống nhận dạng thương hiệu mới (19/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật