Nỗi lo nguồn vốn đầu tư
VN-Index giảm mạnh, hàng loạt cổ phiếu giảm giá... khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại. Nhưng nỗi lo lớn nhất là nguồn vốn có còn tiếp tục được giữ lại để tham gia vào thị trường hay sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Tiền chờ cơ hội
Trong 10 ngày qua, thanh khoản cả hai sàn chứng khoán đã giảm khá mạnh so với giá trị giao dịch trung bình của tháng 4.2010. Giá trị giao dịch cả hai sàn đã giảm xuống dưới 3.000 tỉ đồng/phiên so với mức hơn 4.000 đồng/phiên trước đó. Bên cạnh việc giảm giá của hàng loạt cổ phiếu (CP) và chỉ số VN-Index, việc giảm giá trị giao dịch càng làm cho nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo ngại. Khi đó, câu hỏi mà nhiều NĐT đặt ra là: “Nguồn vốn trước đó đã được rút ra khỏi thị trường hay chưa?”. Câu trả lời chính thức chưa có nhưng thanh khoản của hai sàn chứng khoán trong phiên giao dịch hôm qua vẫn đứng ở mức cao, đạt hơn 3.570 tỉ đồng và là phiên thứ 2 liên tiếp giá trị giao dịch đã tăng trở lại sau nhiều ngày ảm đạm khiến một số NĐT đã tạm yên tâm.
Bên cạnh đó, khi các CP rơi về vùng giá hấp dẫn thì ngay lập tức dòng tiền này đã tham gia giải ngân. Theo nhận định của ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, dòng tiền vẫn loanh quanh trong thị trường chờ cơ hội. Thanh khoản của thị trường tăng cao trong tháng 4 vừa qua chủ yếu do nguồn vốn đầu cơ đẩy mạnh vào một số CP có vốn hóa vừa và nhỏ. Sau khi chốt lời, dòng tiền này tạm thời nằm im và chưa thể xoay vòng sang CP khác do tình hình thế giới nói chung và diễn biến thị trường chứng khoán trong nước không thuận lợi.
Ông Huỳnh Anh Tuấn lý giải: Khó có thể nói rằng nhiều NĐT đã rút tiền ra khỏi thị trường để chuyển sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, ngoại tệ... hay vàng, gửi tiết kiệm. Nhưng vì hàng loạt thông tin về tình hình bất ổn của các nước châu Âu, thông tin về chuyện “làm giá” CP khiến họ chùn tay. Do vậy khi có cơ hội, NĐT sẵn sàng giải ngân và tính thanh khoản của thị trường cũng tăng lên. Trên thực tế, khi tính thanh khoản trên thị trường quá cao cũng không phải là tốt vì đó được xem là biểu hiện dòng tiền “nóng” tham gia quá nhiều. Vì vậy, nếu thị trường giao dịch ổn định ở mức 3.500 tỉ đồng - 4.500 tỉ đồng sẽ ổn định hơn bởi đây là "vốn tự có" của NĐT.
OTC "hút vốn" trên thị trường niêm yết
Đây là nỗi lo có thực của nhiều NĐT khi hàng loạt doanh nghiệp phát hành thêm CP để tăng vốn. Chỉ tính riêng hơn 20 ngân hàng đang có vốn điều lệ nhỏ hơn 3.000 tỉ đồng bị buộc phải tăng vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán.
Ông Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - ước tính các ngân hàng này phải cần ít nhất khoảng 24.000 tỉ đồng để đáp ứng cho nhu cầu tăng vốn bắt buộc. Các ngân hàng đa số đều phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu vì khó tìm được đối tác chiến lược. Trong khi đó, CP ngân hàng trên thị trường OTC vẫn ở tình trạng bị đóng băng nên các cổ đông sẽ không dễ dàng bán bớt lượng CP để lấy vốn. Vì vậy, phải bán bớt những CP đang niêm yết để lấy vốn mua CP phát hành thêm. Ông Lê Đạt Chí phân tích: “Số vốn đó được rút ra khỏi thị trường chứng khoán chưa biết khi nào sẽ được bù đắp trong khi nguồn tín dụng từ ngân hàng huy động cho thị trường chứng khoán cũng chưa sẵn sàng. Bất kỳ NĐT nào cũng biết là thị trường muốn tăng mạnh cần phải có dòng tiền tham gia khá lớn nên sự e ngại của họ hiện nay là có cơ sở”.
Ở một góc độ khác, cho dù lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa thật sự đủ hấp dẫn để NĐT vay đầu tư. Hơn nữa, xu hướng tích cực của thị trường cũng chưa rõ nên NĐT càng hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch tăng vốn càng khiến thị trường càng gặp thêm áp lực về nguồn vốn đầu tư mới.
Thuỷ Lưu
THANH NIÊN
|