Chứng khoán bấp bênh vì đòn bẩy tài chính
Dù tín dụng không tăng, vốn từ các kênh đầu tư khác không đổ vào nhưng từ đầu năm đến nay chứng khoán vẫn tăng đều là do thị trường sử dụng đòn bẩy tài chính.
Đang ở ngưỡng gần 550 điểm những ngày đầu tháng 5 thì đến trung tuần tháng này, chứng khoán đột ngột rời mốc 500 điểm. Sự sụt giảm quá nhanh khiến nhiều nhà đầu tư mới lao đao.
Điêu đứng vì gom cổ phiếu nhỏ
Bản tin phân tích về thị trường tuần qua của các công ty chứng khoán như Beta, Âu Việt… nhận định thị trường chứng khoán hiện sụt giảm là do các nhà đầu tư đổ xô bán cổ phiếu ra để giải chấp nợ cầm cố.
Đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày 19-5, chỉ số thị trường sàn TP.HCM mất hơn 13 điểm, ngoài cả dự báo của các công ty chứng khoán. Khi đó mọi người mới nhận thấy việc trồi sụt này là do nhà đầu tư quá lạm dụng đòn bẩy tài chính.
Theo các công ty chứng khoán, việc lạm dụng đòn bẩy ở thời điểm này là quá nguy hiểm khi nguồn tiền chủ yếu rót vào cổ phiếu nhỏ. Từ nửa cuối quý I và sang đầu quý II, các mã cổ phiếu nhỏ được nhà đầu tư chú ý thay cho các mã blue-chip. Đã có nhiều cổ phiếu có giá trị dưới 30.000 đồng/cổ phiếu và có vốn hóa thị trường nhỏ (khoảng 300 tỉ đồng trở lại) thi nhau tăng giá. Ở hai sàn chính là TP.HCM và Hà Nội có nhiều phiên giao dịch lượng tiền đổ vào hơn 3.000 tỉ đồng và phần lớn là mua cổ phiếu có thị giá thấp. Thậm chí có mã cổ phiếu nhỏ chỉ trong vài tháng đã tăng giá khoảng 60%-70%.
Nhưng chính sự tăng giá của các mã cổ phiếu nhỏ khi đó giờ lại là cái bẫy giá cho các nhà đầu tư. Nếu lấy mốc thị trường mất điểm liên tục như tuần vừa qua thì chắc chắn các nhà đầu tư mới nếu đầu cơ cổ phiếu nhỏ sẽ kẹt cứng không thoát ra được. Càng điều chỉnh thì các chỉ số thị trường lại mất điểm nhiều hơn do áp lực giải chấp của nhà đầu tư.
Quá đà
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sen Vàng, cho biết nhiều phiên giao dịch trong tháng 4 số tiền đổ vào mua chứng khoán 3-4 ngàn tỉ đồng và như vậy là có bóng dáng của việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Theo ông Chinh, số tiền thực của nhà đầu tư đổ vào mua chứng khoán nếu tính phỏng đoán thì khoảng từ 1.500 tỉ đồng đổ lại.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán có chi nhánh tại TP.HCM nhận định từ sau tết đến nay, đòn bẩy tài chính được nhà đầu tư sử dụng nhiều vì trong khi cung tín dụng không tăng, tiền các kênh đầu tư khác không chảy vào nhưng chứng khoán vẫn sôi là một minh chứng.
Hiện nhiều công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay cầm cố hay vay dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư rất thoáng, thậm chí có công ty chứng khoán có ngân hàng mẹ đứng phía sau còn nới tay khi cấp hạn mức tín dụng đầu tư tỉ lệ 1:1 (nghĩa là tài khoản nhà đầu tư có 1 tỉ thì được vay 1 tỉ để đầu tư) cho các nhà đầu tư mới.
Việc các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để mua bán chứng khoán là bình thường. Tuy nhiên, xét ở góc độ để vận hành kênh chứng khoán phát triển ổn định và bền vững thì việc các thành viên thị trường là các công ty chứng khoán đang vung tay cho nhà đầu tư vay mượn là một xu hướng đi ngược lại điều này.
Do vậy đang có dư luận đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước nên siết lại việc này. Trước đây cơ quan quản lý đã từng tuyên bố sẽ kiểm tra xử lý việc lạm dụng các đòn bẩy tài chính ở các công ty chứng khoán nhưng sau đó mọi việc dường như đi vào quên lãng.
Đòn bẩy tài chính là gì?
Nói một cách nôm na, đòn bẩy tài chính là cách nhà đầu tư vay mượn một số tiền có tính lãi suất, thời gian trả nợ sau khi cầm cố chứng khoán cho một tổ chức được phép cho vay và dùng tiền này để đầu tư.
Ở kênh chứng khoán, đòn bẩy tài chính được áp dụng khá phong phú. Như nhà đầu tư có thể cầm cố cổ phiếu trong tài khoản cho công ty chứng khoán (hay ngân hàng) để lấy tiền mua cổ phiếu khác theo phương thức tính lãi suất và thời gian trả nợ do hai bên thỏa thuận. Hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán theo hình thức khi nhà đầu tư mua một mã chứng khoán có giá trị 10 đồng thì vốn tự có của nhà đầu tư phải bỏ ra 3 đồng, còn 7 đồng công ty chứng khoán cho vay và nhà đầu tư phải trả vốn, lãi trong một thời hạn nhất định… |
Bùi Nhơn
PHÁP LUẬT
|