Thứ Hai, 12/04/2010 06:29

Xí nghiệp in Báo Thanh Niên tổ chức IPO lần 2

Ngày 26.4, đợt đấu giá cổ phần (CP) lần thứ 2 của Xí nghiệp (XN) in Báo Thanh Niên diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Mức giá khởi điểm của đợt này đã được giảm xuống còn 10.200 đồng/CP. Các nhà đầu tư có thể đăng ký tham gia đấu giá đến hết ngày 15.4 tại các công ty chứng khoán.

Theo kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt, tổng giá trị tài sản của XN in tại thời điểm 31.7.2009 là 106,39 tỉ đồng. Hiện nay chỉ cần 60% công suất của 2 máy in cuộn Mecury mới đầu tư năm 2008 của XN đã đáp ứng khả năng in toàn bộ quảng cáo Báo Thanh Niên và 3/4 số lượng nội dung báo tiếng Việt. Như vậy, XN vẫn còn khả năng tăng năng suất in nhờ vào 40% công suất còn lại của 2 máy in này. Bên cạnh đó, XN cũng chỉ mới sử dụng 30% công suất thiết bị ghi bản nên việc mở rộng hoạt động, tăng năng suất nhằm gia tăng doanh thu trong thời gian tới là chuyện tất yếu.

Không dừng lại ở đó, XN sẽ triển khai kinh doanh nguyên vật liệu ngành in mà trước mắt là đáp ứng nhu cầu sử dụng nội bộ trong cụm in của Báo Thanh Niên hay các sản phẩm in gia công và sẽ đẩy mạnh phát triển từng mặt hàng theo tình hình thực tế trong tương lai. Do đó theo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt, XN có cơ hội phát triển mạnh do thị trường in báo đang phát triển nhanh chóng về số lượng, sản lượng và số kỳ, số trang phát hành với tỷ lệ tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm. Trong đó báo và tạp chí vẫn chiếm khối lượng khá lớn trong cơ cấu ngành in. Điều này là một thuận lợi lớn đối với XN in Báo Thanh Niên. Đó là chưa kể Báo Thanh Niên vẫn đang trên đà phát triển và đây là khách hàng ổn định khiến sự phát triển của XN in luôn ổn định, bền vững. Đồng thời khả năng liên kết với các báo khác để tăng nguồn hàng cũng mở ra nhiều cơ hội.

Đặc biệt khi XN in nằm tại TP.HCM - là trung tâm phát triển về các thể loại ấn phẩm. Khá nhiều tờ báo và tạp chí chưa có nhà in riêng, thậm chí chưa in ổn định tại một nơi nào lâu vì họ đều chú trọng đến chất lượng nên vẫn tìm kiếm nơi in đạt chất lượng nhất. Đây là một thị trường tiềm năng mà XN in sẽ tìm hiểu để có những giải pháp mở rộng khách hàng.

Tuy nhiên, ngoài việc phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ trực tiếp thì XN cũng còn thiếu vốn để đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, mở rộng nhà xưởng và kinh doanh vật tư ngành in. Vì vậy sau khi cổ phần hóa, XN in sẽ có nhiều điều kiện để trở thành một công ty in thực thụ với nguồn hàng đa dạng phong phú, công nghệ tiên tiến chất lượng cao...

Để thực hiện được kế hoạch này, XN in đã đề ra chiến lược mục tiêu của mình gồm tìm kiếm thêm nguồn hàng in trên máy in cuộn; phấn đấu đến năm 2012 in được toàn bộ ấn phẩm của Báo Thanh Niên; tăng cường phát triển nhân lực và thiết bị để mở rộng thị trường in các báo, tạp chí khác và cả hướng kinh doanh mới về vật tư ngành in. Cụ thể từ nay đến năm 2012, XN sẽ có 2 máy ghi kẽm CTP (hiện đã có 1 máy); dự kiến đầu tư 2 máy in offset tờ rời 4 màu khổ lớn (dự kiến vốn đầu tư khoảng 16 tỉ đồng), 2 máy gấp, 2 máy đóng kim, 2 máy cắt 3 mặt và 1 máy ép keo gáy...

Để đáp ứng nguồn vốn cho đầu tư phát triển, XN dự kiến sẽ phát hành thêm CP để huy động vốn từ cổ đông lên gấp 1,15 lần số vốn hiện có. Theo kế hoạch từ nay đến 2012, tổng doanh thu của XN sẽ đạt từ 52 tỉ đồng và tăng dần đến 68 tỉ đồng; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ sẽ đạt khoảng 13 - 14% và cổ tức giữ ổn định là 10%/năm. Theo đánh giá chung của đơn vị tư vấn cổ phần hóa, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận này là khả thi và chưa kể đến những hoạt động khác có thể làm gia tăng thêm phần doanh thu của XN hằng năm như thanh lý máy móc thiết bị, mở rộng kinh doanh...

Như vậy với mức giá IPO sát mệnh giá, đây được xem là một khoản đầu tư lâu dài nhưng khá tiềm năng. Đặc biệt sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động ổn định, khi lên sàn niêm yết thì CP của XN in sẽ có nhiều tiềm năng tăng giá do số lượng CP ít, ngành nghề kinh doanh ổn định...

Mai Phương

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Công trình Viettel thu 89 tỷ đồng từ IPO (08/04/2010)

>   IPO Công trình Viettel: Lượng đăng ký mua đạt 370% (06/04/2010)

>   Đề xuất bán 15% cổ phần PV Gas cho nhà đầu tư chiến lược (06/04/2010)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông: “Dài cổ” ngóng đợi (31/03/2010)

>   Cổ phần hóa các “đại gia” vẫn trắc trở (26/03/2010)

>   Nhà nước lùi, doanh nghiệp tiến? (25/03/2010)

>   Trước lằn ranh chuyển đổi (25/03/2010)

>   Cổ phần hóa lại vướng chính sách (25/03/2010)

>   Năm nay MobiFone, Petrolimex và BIDV có thể cổ phần hóa (19/03/2010)

>   KCN Bình Định sắp đấu giá hơn 2.4 triệu cp (19/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật