Thứ Năm, 25/03/2010 19:00

Nhà nước lùi, doanh nghiệp tiến?

Vì muốn nhanh chóng sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng con đường cổ phần hóa (CPH), nhiều năm qua Nhà nước đã có những “bước lùi”. Trong khi đó, vì lợi ích cục bộ, nhiều tổng công ty, tập đoàn đã muốn kéo dài thời gian hay trì hoãn việc CPH để tiếp tục sử dụng các lợi thế sẵn có.

Nhận định nêu trên được xem là nguyên nhân chủ quan lớn nhất gây chậm trễ việc thực hiện CPH DNNN trong những năm qua mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận trong Báo cáo kết quả thanh tra chuyên đề về CPH DNNN đến hết năm 2009.

Báo cáo này được thực hiện trên diện rộng, rà soát kết quả CPH doanh nghiệp ở sáu bộ, 53 tỉnh thành. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn trực tiếp thanh tra ở 189 doanh nghiệp khác. Kết quả thanh tra này giúp Chính phủ có được những bài học thực tế hơn trên con đường CPH 30% số DNNN hiện còn lại.

Nói là CPH được 70% doanh nghiệp nhưng theo Thanh tra Chính phủ phần lớn những doanh nghiệp đã CPH đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa xét về quy mô vốn. Số lượng tài sản nhà nước đã CPH được đạt tỷ lệ thấp. Bởi chỉ tính 30% số DNNN hiện chưa CPH còn lại, theo con số của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, thì toàn là những DNNN lớn: 11 tập đoàn, 84 tổng công ty, 1.412 các công ty thuộc tập đoàn, doanh nghiệp thành viên tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, những giải pháp hàng đầu khi đẩy mạnh CPH doanh nghiệp giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2015, đều có nhắm đến việc ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước và có chính sách bán cổ phần cho người lao động tại doanh nghiệp đúng đắn hơn.

Việc ngăn ngừa thất thoát tài sản Nhà nước cũng là yêu cầu của Bộ Chính trị tại kết luận số 45/KL/TW (ngày 10-4-2009) về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế. Thế nhưng, tổng hợp qua thanh tra chuyên đề, Thanh tra Chính phủ đã kết luận sai phạm về kinh tế trong quá trình CPH là 3.744 tỉ đồng, gần 150.000 đô la Mỹ, trên 1.384 mét vuông đất và gần 14.000 cổ phần.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình CPH là do hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Nhưng sâu xa hơn, việc sai phạm nhiều, theo Thanh tra Chính phủ, xuất phát từ lợi ích cục bộ của các DNNN.

Theo đó, một số doanh nghiệp, tổng công ty hay tập đoàn muốn kéo dài thời gian hoặc trì hoãn việc CPH để tiếp tục dựa dẫm và hưởng lợi từ cơ chế ưu đãi, từ tiền vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và tiền của quỹ hỗ trợ, sắp xếp, CPH doanh nghiệp hiện đang được đầu tư lại cho các doanh nghiệp mà không tính lãi, tính thuế.

Nếu buộc phải CPH, một số tổ chức và cá nhân ở các doanh nghiệp lại đặt lợi ích trực tiếp trong tương lai của mình lên hàng đầu. Theo đó, họ sẽ lựa lấy những điều kiện thuận lợi, đẩy khó khăn cho Nhà nước thông qua việc phân loại, xử lý tài sản sai quy định và xác định hạ thấp giá trị doanh nghiệp khi CPH.

Ví dụ, các công ty tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp không theo giá thị trường bằng cách viện lý do thị trường không có tài sản tương đương nhưng thực tế lại chưa thực hiện đầy đủ quy trình định giá. Do vậy, quá trình định giá thường dùng số liệu kế toán đã cũ, lạc hậu làm căn cứ nên giá trị tài sản của doanh nghiệp đưa vào CPH thường thấp hơn thực tế. Mặt khác, các hội đồng định giá doanh nghiệp đã cố tình hiểu khác nội dung thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định chất lượng tài sản để hạ thấp chất lượng tài sản đang sử dụng.

Một trường hợp khác liên quan đến việc quản lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất khi định giá doanh nghiệp - thường không được tính hoặc tính thiếu. Cách này, theo cơ quan thanh tra, thực chất là chiếm dụng đất. Ví như chỉ làm thủ tục thuê một phần diện tích đang quản lý, sử dụng, trốn thuế, trốn nộp tiền sử dụng đất. Trong quá trình sử dụng thì lãng phí, mang đi góp vốn, cho thuê. Thậm chí có trường hợp cố ý làm trái, hợp thức hóa hồ sơ chuyển cho cá nhân.

13 doanh nghiệp thuộc tập đoàn Bưu chính Viễn thông không ký hợp đồng thuê 54.000 mét vuông đất đang sử dụng của Nhà nước hay Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) không tính vào giá trị doanh nghiệp khoản chênh lệch của 113.713 mét vuông đất xây dựng nhà ở để bán và gần 8.000 mét vuông đất xây nhà tái định cư thuộc dự án khu đô thị và nhà ở Cựu Viên là một vài ví dụ.

Chưa hết, việc thu, nộp tiền CPH và quản lý sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và CPH doanh nghiệp cũng chậm trễ, dây dưa như một hình thức chiếm dụng vốn. Theo Thanh tra Chính phủ, khi để lại quỹ ở các tập đoàn, tổng công ty thì việc quản lý lại tùy tiện, lỏng lẻo, sai nguyên tắc (tập đoàn Điện lực dùng quỹ chi tạm ứng cho các dự án đầu tư sai quy định 756 tỉ đồng hoặc tiền CPH, cổ tức phần vốn nhà nước tại tập đoàn Bưu chính Viễn thông là 82 tỉ đồng cũng chậm nộp về quỹ hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp)...

Một chuyên gia kinh tế nói, có suy nghĩ cho rằng Nhà nước muốn chuyển đổi nhanh khối DNNN sang hình thức CPH thì Nhà nước phải “lùi” nên hiện trạng nêu trên là một tất yếu. Đặc biệt, cũng theo kết quả thanh tra, số lượng các vụ sai phạm về tài chính, đất đai, cổ phần trong khi CPH thì nhiều nhưng chỉ có ba vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự (được chuyển qua cơ quan điều tra), 48 cá nhân, 10 tập thể bị xử lý vi phạm hành chính. Điều này dễ khiến cho dư luận nhận định rằng hiệu lực pháp lý của tiến trình CPH đã bị “lờn thuốc” và sự “lùi bước” của Nhà nước về việc này trong mấy năm gần đây là có cơ sở.

Ngọc Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Trước lằn ranh chuyển đổi (25/03/2010)

>   Cổ phần hóa lại vướng chính sách (25/03/2010)

>   Năm nay MobiFone, Petrolimex và BIDV có thể cổ phần hóa (19/03/2010)

>   KCN Bình Định sắp đấu giá hơn 2.4 triệu cp (19/03/2010)

>   Chậm cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông (17/03/2010)

>   Xí nghiệp In báo Thanh Niên thu hơn 1.67 tỷ đồng nhờ đấu giá (04/03/2010)

>   Cổ phần hóa 16 DN thuộc Bộ NN&PTNT (04/03/2010)

>   Cuối năm sẽ bán cổ phần của Tổng công ty Thép (02/03/2010)

>   Hà Nội: Không cổ phần hóa doanh nghiệp bằng mọi giá (02/03/2010)

>   NĐT không mặn mà với phiên IPO Xí nghiệp in Báo Thanh Niên (26/02/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật