Cổ phần hóa lại vướng chính sách
Năm 2009 là năm không thành công như mong đợi đối với quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của TPHCM. Tính chung thành phố chỉ cổ phần hóa được 1 đơn vị, chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên 5 đơn vị, sáp nhập 6 doanh nghiệp, chuyển thành đơn vị sự nghiệp 1 đơn vị (thuộc lĩnh vực xuất bản) và cổ phần hóa 1 xí nghiệp.
Kết quả đó tương ứng 10% chỉ tiêu đề ra là quá thấp, nhưng thấp không phải vì thành phố không cố gắng, mà vì vướng mắc chính sách nên cổ phần hóa hầu như không thể thực hiện được.
Cổ phần hóa tắc vì giá đất
Ông Phạm Huy Cường, Phó trưởng ban Đổi mới DNNN TPHCM, cho biết: “Cổ phần hóa ì ạch không chỉ ở thành phố mà cả nước. Năm 2009 số doanh nghiệp cổ phần hóa toàn quốc chỉ có 67 đơn vị”. Nguyên nhân chính khiến cổ phần hóa chậm chạp là một quy định mới nhằm khắc phục những sơ hở về thất thoát tài sản nhà nước của Nghị định 109 về chuyển DNNN thành công ty cổ phần ban hành năm 2007 và những văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định này, thay thế cho Nghị định 187 ban hành ngày 16-11-2004.
Trước đây, theo Nghị định 187, khi cổ phần hóa doanh nghiệp có thể lựa chọn giữa hai hình thức giao đất hoặc thuê đất. Về giao đất, Nghị định 109 cũng quy định như Nghị định 187 (thực chất là bán theo giá thị trường). Về thuê đất (từ trước đến nay doanh nghiệp chủ yếu chọn hình thức này), Nghị định 109 yêu cầu phải tính thêm giá trị vị trí địa lý của tài sản vào giá trị doanh nghiệp.
Thí dụ giá trị một căn nhà ở trung tâm thành phố và một căn ở huyện là khác nhau. Việc tính giá trị vị trí địa lý của tài sản thực hiện theo Thông tư 146 của Bộ Tài chính: lấy giá thị trường trừ đi giá đất ban hành hàng năm của thành phố, phần chênh lệch được tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Chẳng hạn đất trên đường Đồng Khởi theo bảng giá đất ban hành của thành phố là 87 triệu đồng/mét vuông, giá thị trường chừng 200 triệu đồng/mét vuông, thì phần chênh lệch 113 triệu đồng/mét vuông được tính vào giá trị doanh nghiệp.
Việc tính giá trị vị trí địa lý nói trên đã làm cho giá trị doanh nghiệp của các đơn vị cổ phần hóa tăng vọt, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn giảm xuống, khi đem ra đấu giá cổ phần, không tìm được người mua. Ách tắc là vì thế. Đơn vị duy nhất của TPHCM cổ phần hóa được là Xí nghiệp In Liksin của Công ty Liksin. Xí nghiệp này thuê đất tại một khu công nghiệp ở Bắc Ninh để xây dựng nhà máy. Giá thuê đất là giá thị trường và đất trong khu công nghiệp không phải tính giá trị vị trí địa lý.
Theo ông Cường, bảng giá đất ban hành của thành phố thông thường bằng 40-50% giá thị trường để khuyến khích người dân nộp thuế trước bạ và phục vụ công tác đền bù, giải tỏa của Nhà nước khi có nhu cầu. Sự chênh lệch giá đất thị trường và bảng giá lớn, nên khi tính thêm sự chênh lệch, giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trở nên cao, người mua khó chấp nhận.
Ngày 19-6-2009 Chính phủ đã có chỉ thị 854 giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ ách tắc nói trên, nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có đề xuất nào.
Phá sản không được, bán có xong?
Cũng trong năm ngoái, ba đơn vị là Công ty Đầu tư thanh niên xung phong (TNXP) thành phố; Công ty Sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu TNXP; Công ty Khai thác Chế biến nông sản trồng rừng đã sáp nhập vào Công ty Dịch vụ công ích TNXP. Ba đơn vị khác là Xí nghiệp Khai thác, Chế biến dịch vụ thủy sản được sáp nhập vào Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Công ty Quản lý nhà Q.1 sáp nhập vào Công ty Công trình công cộng Q.1; Công ty Quản lý và Phát triển nhà Q.5 sáp nhập vào Công ty Công trình giao thông công chính Q.5.
Điều đáng nói là năm 2009 thành phố không bán được doanh nghiệp nào dù kế hoạch đưa ra 4 đơn vị. Trong số đó, chỉ có một doanh nghiệp xây dựng xong phương án bán và sẽ tiến hành vào tháng 4-2010 là Công ty Xuất nhập khẩu Q.3 (Trilimex). Bốn doanh nghiệp khác dự kiến sẽ bán trong năm 2010 bao gồm: Công ty Chế biến thủy sản Việt Phú (trực thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn); Công ty Gạch trang trí Thanh Danh; Công ty Xây dựng số 2; Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp (cả ba trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn).
“Những doanh nghiệp đem ra bán đúng ra phải phá sản rồi” - ông Cường giải thích - “Họ đã nộp đơn xin phá sản, nhưng các chủ nợ (là các ngân hàng) không chịu. Hội đồng chủ nợ họp lại, yêu cầu cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Các doanh nghiệp này vay ngân hàng từ thời bao cấp, bây giờ phá sản thì ngân hàng mất tiền. Doanh nghiệp còn sống thì nợ còn treo đó được”. Phá sản không được, nay liệu có bán được? Khi người mua phải gánh và trả các khoản nợ, họ có chịu không? Việc bán doanh nghiệp, vì thế, cần một cơ chế ưu đãi cho người mua.
Thời gian quá gấp
Năm nay chỉ tiêu sắp xếp, đổi mới DNNN của thành phố khoảng 100 đơn vị, trong đó điều chỉnh một số từ năm 2009 chuyển qua. Theo Nghị định 95 ban hành ngày 8-9-2006 về chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH một thành viên, thì hạn chót là 1-7-2010 các DNNN phải chuyển đổi xong. Từ đầu năm đến nay, thành phố mới sắp xếp, chuyển đổi được 5 doanh nghiệp, ba tháng nữa phải chuyển đổi số còn lại là quá gấp gáp. Hơn nữa, việc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên cũng phải tuân thủ những quy định xử lý về mặt tài chính và kiểm tra mặt bằng đang sử dụng. Về tài chính, nợ của các doanh nghiệp phải chuyển đổi không nhỏ. Các đơn vị này có nhiều mặt bằng, việc kiểm tra xem họ sử dụng mặt bằng có đúng mục đích (không cho thuê lại chẳng hạn) cần nhiều thời gian.
Mới đây ngày 19-3-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010 chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thay cho Nghị định 95. Nghị định mới sẽ giải tỏa áp lực về mặt thời gian cho việc chuyển đổi vì nó đưa ra các quy định đơn giản hơn, như xử lý tài chính thì lấy giá trị sổ sách làm cơ sở, nợ nần được tính sau khi đã chuyển thành công ty TNHH một thành viên. Việc kiểm tra mặt bằng chỉ xem xét về số lượng, kiểm tra mục đích sử dụng mặt bằng được thực hiện sau chuyển đổi. Với nghị định này tiến trình thực hiện sắp xếp, đổi mới DNNN của thành phố là trong tầm tay và sẽ khả quan hơn năm 2009.
Hải Lý
TBKTSG
|