Thứ Năm, 25/03/2010 14:37

Trước lằn ranh chuyển đổi

Ngày 1-7-2010 là thời điểm mà Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chính thức hết hiệu lực. Hiện có 1.507 DNNN đang tồn tại, nếu không cổ phần hóa (CPH) kịp sẽ phải chuyển sang công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, hoạt động trên một “sân chơi” chung, theo Luật Doanh nghiệp.

Đến hẹn phải làm

“Dù đây là một lệnh hành chính và chuyển đổi đơn thuần để đảm bảo mốc thời gian thì cũng là một quyết định tốt cho cộng đồng doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nói. Vì từ thời điểm đó, môi trường, hành lang pháp lý của tất cả các loại hình doanh nghiệp sẽ cùng bằng phẳng hơn. Những lợi thế to lớn mà khối DNNN trước đây đương nhiên được hưởng, được dùng từ nay sẽ phải tính toán, “cân đong, đo đếm” cùng tất cả các doanh nghiệp khác.

Tất nhiên, ông A không tin rằng, kể từ sau ngày chuyển đổi, khối DNNN sẽ có những chuyển biến nhanh và tích cực, thậm chí vẫn còn có thể xảy ra những chuyện “bình mới, rượu cũ”, chuyện thất thoát, quản trị kém... Tuy nhiên, cột mốc đó là cần thiết cho cả doanh nghiệp có hay không có động lực chuyển đổi.

Song, ông Nguyễn Đình Tài, Chủ nhiệm CLB Diễn đàn DNNN (hiện có 150 hội viên là DNNN sinh hoạt thường xuyên) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không tin là việc chuyển đổi có thể diễn ra dễ dàng bởi ba tháng để chuyển đổi hơn 1.500 doanh nghiệp là không đơn giản.

Điều mà ông Tài e ngại xuất phát từ một thực tế: nếu đây là việc quan trọng và đến lúc buộc phải làm thì tại sao không có bất kỳ một hội viên nào trong CLB của ông đề cập đến chủ đề này trong các cuộc nói chuyện, trao đổi thời gian gần đây. Và càng không có hội viên nào gọi tới hỏi hay yêu cầu ban chủ nhiệm tư vấn về các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi.

“Đây là một quyết định hành chính và ngoài yêu cầu về thời gian, tôi không thấy các quyết định chế tài, xử phạt dành cho việc thực hiện chậm trễ thế nào nên e rằng có thể sẽ có những diễn biến khác mà Chính phủ sẽ phải tính đến”, ông nói.

Vì việc chuyển đổi mô hình áp dụng cho một khối lượng rất lớn doanh nghiệp nên có thể có một bộ phận doanh nghiệp vì các lý do khác nhau mà chưa thực hiện được thì sẽ khó cho cơ quan quản lý, trong khi hiệu lực của quyết định lại không kèm theo chế tài.

Bài học tương tự đã diễn ra hơn hai năm trước khi Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện việc đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp với cột mốc yêu cầu là hoàn tất việc đăng ký đến ngày 30-6-2008. Nhưng từ đó đến nay, gần hai năm sau khi yêu cầu hết hiệu lực, còn rất nhiều doanh nghiệp thuộc diện nêu trên không thực hiện, dẫn đến việc Chính phủ phải đề nghị Quốc hội cho phép gia hạn thời gian thực hiện và cột mốc mới là... không quy định thời hạn nữa.

Động lực của “bước đệm”

Một lý do lớn khác mà theo ông Tài có thể là nguyên nhân cản trở việc chuyển đổi là động lực để khối DNNN làm việc này không mạnh hoặc mong muốn thực hiện việc chuyển đổi là không đồng đều. Khi không còn là DNNN nữa, hàng ngàn doanh nghiệp có thể lựa chọn các mô hình khác nhau. Việc CPH về lý thuyết có thể là động lực mạnh nhất sẽ vướng phải một “rừng” các yêu cầu, thủ tục pháp lý về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp, quản lý và sử dụng đất, chấp hành các quy định trong hạch toán sản xuất kinh doanh.

Còn phương án chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên? “Về nguyên tắc chỉ thay đổi điều lệ hoạt động, hình thức quản trị doanh nghiệp, xác định rõ chức năng chủ sở hữu nên thoạt nhìn có vẻ dễ dàng”, ông Tài nhận xét. Theo mô hình mới, quyền của chủ sở hữu (vẫn là Nhà nước) rất lớn. Để thực hiện tốt quyền này, việc giám sát phải mạnh, song đến nay, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước chưa được ban hành, sự chồng chéo giữa chức năng quản lý vốn và quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng vẫn còn tồn tại. Do vậy, sẽ khó lòng tránh khỏi những sự hạn chế và chồng chéo khi Nhà nước vẫn sở hữu 100% vốn ở các công ty TNHH một thành viên.

Ông Tài cho rằng vấn đề quan trọng nhất là thiết kế mô hình quản trị công ty sau chuyển đổi trong đó Luật Doanh nghiệp chỉ là cái khung hoạt động mà thôi. Chuyển đổi khối DNNN sẽ đồng nghĩa với việc Nhà nước cần tiếp tục cắt giảm mạnh sự chi phối của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh như hiện nay. Từ “bước đệm” 1-7, Nhà nước chỉ cần giữ lại các doanh nghiệp hoạt động cho mục đích kinh tế-xã hội và yêu cầu khối này nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hơn nữa. Phần còn lại là các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ, thương mại... mà Nhà nước không cần giữ vốn và chi phối thì cũng nên mạnh tay CPH, mua, bán, sáp nhập hoặc giải thể để đảm bảo việc chuyển đổi được “một công đôi việc”.

“Việc chuyển đổi có thể trước mắt chưa mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế”, theo nhận định của ông A, hay chưa thể tạo nên những thay đổi về chất như nhận định của ông Tài. Do vậy, với việc đưa ra yêu cầu về mốc thời gian, Nhà nước cần thực hiện giám sát việc chuyển đổi chặt hơn, cùng với đó là chuẩn bị đánh giá, xác định giá trị của doanh nghiệp, phương án bán cổ phần, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp vì đích đến cuối cùng để thay đổi DNNN là CPH. Việc chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên dù sao cũng chỉ là một bước đệm ngắn hạn.

Ngọc Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa lại vướng chính sách (25/03/2010)

>   Năm nay MobiFone, Petrolimex và BIDV có thể cổ phần hóa (19/03/2010)

>   KCN Bình Định sắp đấu giá hơn 2.4 triệu cp (19/03/2010)

>   Chậm cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông (17/03/2010)

>   Xí nghiệp In báo Thanh Niên thu hơn 1.67 tỷ đồng nhờ đấu giá (04/03/2010)

>   Cổ phần hóa 16 DN thuộc Bộ NN&PTNT (04/03/2010)

>   Cuối năm sẽ bán cổ phần của Tổng công ty Thép (02/03/2010)

>   Hà Nội: Không cổ phần hóa doanh nghiệp bằng mọi giá (02/03/2010)

>   NĐT không mặn mà với phiên IPO Xí nghiệp in Báo Thanh Niên (26/02/2010)

>   Sắp xếp, đổi mới 32 doanh nghiệp (24/02/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật