Thứ Tư, 31/03/2010 06:20

Cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông: “Dài cổ” ngóng đợi

Liệu quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông nhà nước có chuyển biến gì mạnh trong năm nay là điều mà nhà đầu tư nước ngoài và thị trường đang ngóng đợi.

Vừa qua ST Telemedia, tập đoàn truyền thông - thông tin hàng đầu của Singapore đã chính thức công bố việc mua 10% cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global). Thông tin này một lần nữa lại thắp lên niềm hy vọng cho các nhà đầu tư nước ngoài về việc tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, điều mà họ đã chờ đợi từ nhiều năm nay.

Bốn năm qua, không thiếu các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài, trong đó có France Telecom và ST Telemedia, bày tỏ sự quan tâm lớn tới quá trình cổ phần hóa những “con gà đẻ trứng vàng” như MobiFone, VinaPhone hay Viettel. Gần đây nhất, trong một cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện công ty tư vấn Investelecom cho biết, hiện Orascom Telecom Holding của Ai Cập và Etisalat Group của UAE cũng bày tỏ nguyện vọng muốn trở thành đối tác chiến lược của MobiFone. Đây là hai hãng viễn thông xếp thứ 11 và 14 (theo thứ tự) trên thế giới về số lượng thuê bao.

Đại diện của một hãng viễn thông của Mỹ từ chối nêu tên cho biết, cổ phần hóa các doanh nghiệp thông tin di động luôn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng hiện giờ “không phải thời điểm” và “không có nhiều cơ hội” để tham gia. Có thể hiểu rằng, việc cả VinaPhone lẫn MobiFone trì hoãn quá trình cổ phần hóa do nhiều lý do khác nhau là nguyên nhân lý giải cho nhận định trên của vị đại diện này. Thế nhưng ông này vẫn cho rằng: “Nhà đầu tư nước ngoài chưa có vẻ mệt mỏi với việc chờ đợi này”. Việc thị trường có sự giảm sút doanh thu bình quân trên một thuê bao (ARPU) nhưng cước kết nối giữa hai nhà mạng trong và ngoài nước vẫn còn cao, do đó sự hấp dẫn của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn, là những yếu tố mà vị đại diện của công ty đến từ Mỹ nói trên dẫn ra để giải thích cho nhận định của mình. Tuy nhiên, có một điều cần phải tính tới là, nếu quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông diễn ra quá chậm, thị trường viễn thông sẽ bão hòa, tiềm năng phát triển của thị trường sẽ co hẹp lại. Và khi đó, chắc chắn sức hấp dẫn của các doanh nghiệp sẽ kém đi.

111,3 triệu là số thuê bao di động trên cả nước tính đến cuối năm 2009.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền Thông, năm 2009 Việt Nam đã có 111,3 triệu thuê bao di động, chiếm 85,4% tổng số thuê bao điện thoại trên cả nước. Trong khi đó doanh thu từ mảng dịch vụ bưu chính và viễn thông vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 61% trong năm qua, đạt doanh thu 143,3 nghìn tỷ đồng. Trong số này, MobiFone đóng góp 31 nghìn tỷ đồng, bằng 40% tổng doanh thu của Tập đoàn VNPT và chiếm 50% lợi nhuận của tập đoàn này. VinaPhone đạt doanh thu 20,9 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu của cả Tập đoàn Viettel là 60 nghìn tỷ đồng, tăng 81% so với năm trước đó. Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường BMI (Anh) công bố hồi quí IV năm ngoái cho thấy, ARPU tại Việt Nam đã sụt giảm nhanh trong những năm qua. Năm 2008, ARPU đạt 6 USD/thuê bao, giảm 8% so với năm 2007 là 6,5 USD. Trong khi đó, ARPU năm 2006 là 7USD/thuê bao. Nguyên nhân của sự sụt giảm chỉ số này là do kinh tế khó khăn khiến khách hàng phải cắt giảm chi phí sử dụng. Bên cạnh đó, việc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới đưa ra quy định giảm cước kết nối giữa các mạng điện thoại di động kể từ ngày 15/1 vừa qua cũng sẽ là yếu tố góp phần làm cho ARPU tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, BMI dự báo tốc độ suy giảm ARPU sẽ chững lại, khoảng 13,7% trong năm 2010 và 7,4% trong năm 2011. Đến năm 2013, ARPU sẽ đạt khoảng 3,6 USD/thuê bao.

Trở lại với câu chuyện cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông nhà nước, trong bức tranh của năm nay, có vẻ như chỉ có một “điểm sáng” là EVN Telecom. Công ty này cam kết sẽ hoàn tất quá trình cổ phần hóa trong năm 2010. Hiện EVN Telecom đang xác định lại giá trị doanh nghiệp. Còn đối với MobiFone, mọi việc dường như án binh bất động kể từ khi có tin cho rằng hãng Credit Suisse xác định giá trị doanh nghiệp của MobiFone là 2 tỷ USD hồi năm 2009. Còn đối với VinaPhone, do mô hình tập đoàn mới của VNPT vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt nên kế hoạch cổ phần hóa VinaPhone vẫn bị treo lại. Chưa ai rõ kế hoạch và thời hạn cổ phần hóa VinaPhone bao giờ mới được xác định cụ thể. Riêng Viettel vẫn tiếp tục tiến hành cổ phần hóa các công ty thành viên như công ty Bưu chính Viettel, công ty Tư vấn thiết kế Viettel và công ty Công trình Viettel. Tuy vậy, vẫn chưa thấy có kế hoạch cụ thể nào liên quan tới việc cổ phần hóa Viettel Telecom. Một đại diện của Viettel cho biết:“Viettel Telecom là mảng kinh doanh chính của tập đoàn nên chúng tôi phải cân nhắc việc cổ phần hóa công ty này”.

Và như vậy là, trong năm nay các doanh nghiệp viễn thông vẫn tiếp tục cân nhắc việc cổ phần hóa, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn tiếp tục chờ đợi, còn thị trường thì tiến gần hơn nữa tới điểm bão hòa.

Hoài Bắc

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa các “đại gia” vẫn trắc trở (26/03/2010)

>   Nhà nước lùi, doanh nghiệp tiến? (25/03/2010)

>   Trước lằn ranh chuyển đổi (25/03/2010)

>   Cổ phần hóa lại vướng chính sách (25/03/2010)

>   Năm nay MobiFone, Petrolimex và BIDV có thể cổ phần hóa (19/03/2010)

>   KCN Bình Định sắp đấu giá hơn 2.4 triệu cp (19/03/2010)

>   Chậm cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông (17/03/2010)

>   Xí nghiệp In báo Thanh Niên thu hơn 1.67 tỷ đồng nhờ đấu giá (04/03/2010)

>   Cổ phần hóa 16 DN thuộc Bộ NN&PTNT (04/03/2010)

>   Cuối năm sẽ bán cổ phần của Tổng công ty Thép (02/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật