Thứ Hai, 26/04/2010 07:43

Văn bản "hồi tố" của bộ Tài chính: Khó mình khó người

Có hiệu lực từ tháng 2, nhưng lại thực hiện với các lô hàng nhập khẩu trước đó 1 tháng, văn bản mang tính “hối tố” của Bộ Tài Chính đã làm khốn khó doanh nghiệp và làm khó cho chính cơ quan này.

Các doanh nghiệp kinh doanh thép đang phải chịu nhiều thiệt thòi vì văn bản hồi tố (Quyết định 123) của Bộ Tài chính

Mang tính “hồi tố”, Quyết định 123/2009/QĐ-BTC (QĐ123) của Bộ Tài chính đã gây ra nhiều tranh cãi về tính minh bạch và hợp pháp của nó, khiến Bộ Tư pháp phải tổ chức rất nhiều cuộc họp, đã có nhiều tranh luận xảy ra giữa cơ quan kiểm tra văn bản và cơ quan ban hành văn bản. Chuyện xảy ra từ đầu năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Truy thu hàng tỷ đồng

Cuối tháng 2/2009, Giám đốc Công ty Thép Thành Long nhận được quyết định truy thu thuế của Hải quan Lạng Sơn cho 11 tờ khai mở từ ngày 10/1/2009 đến 20/1/2009 với số tiền truy thu khoảng trên 5,5 tỷ đồng. Căn cứ để doanh nghiệp này bị truy thu thuế là QĐ 123/QĐ-BTC (QĐ123) của Bộ Tài chính điều chỉnh mặt hàng thép hợp kim (có hàm lượng BO không thấp hơn 0,0008% thuộc mã hàng hoá 7227900010), có thuế nhập khẩu ưu đãi từ 0% lên 5%.

Sau hơn một năm, việc DN có bị truy thu thuế không vẫn còn đang được các cơ quan chức năng bàn bạc tiếp!

Điểm đáng bàn ở đây là thời điểm hiệu lực của QĐ 123 là ngày 2/2/2009. Quyết định được ký ngày 26/12/2008, sau đó 22 ngày, ngày 18/1/2009, mới được đăng công báo. Theo quy định, sau 15 ngày đăng công báo, tức là ngày 2/2/2009, QĐ 123 mới chính thức có hiệu lực, nhưng việc áp mức thuế mới lại thực hiện đối với những lô hàng nhập khẩu từ 1/1/2009. Với văn bản này, doanh nghiệp bị truy thu tới 5,6 tỷ đồng trong bối cảnh hàng hóa đã nhập khẩu đã thông quan và đã bán hết. Và Công ty Thành Long chỉ là một trong số những “nạn nhân” của QĐ 123 nói trên.

Có cấp thiết?

Trước những bức xúc của doanh nghiệp, câu chuyện “tính hiệu lực của QĐ 123” đã được đại biểu Đinh Xuân Thảo đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan kiểm tra văn bản đã phải tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn thảo về quyết định này. Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Xuân Thảo, văn bản do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ký đưa ra nhận định, việc Bộ Tài chính ban hành QĐ 123 để kịp thời điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng là cần thiết và phù hợp với thẩm quyền được giao. Tuy nhiên, điều đáng nói là thời điểm có hiệu lực của văn bản.

Cái lý của Bộ Tài chính về sự cấp thiết phải điều chỉnh thuế suất như trên là nhằm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng; đáp ứng yêu cầu theo lộ trình cam kết của Việt Nam với WTO.

5,6 tỷ đồng là số tiền thuế truy thu mà Công ty Thành Long phải nộp, trong khi hàng đã bán hết

Song điều này chưa đủ thuyết phục doanh nghiệp cũng như cơ quan kiểm tra văn bản. Rút cục, sau khi cân nhắc, Bộ Tư pháp vẫn cho rằng “quy định về tính hiệu lực của QĐ này cần được xem xét làm rõ hơn”. Cụ thể, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì QĐ 123 có hiệu lực từ 2/2/2009. Nhưng điểm 3 của QĐ 123 lại quy định: quyết định này “áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan từ 1/1/2009” là chưa đảm bảo với yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (theo Luật này, chỉ trong trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước).

Tự làm khó mình?

Mặc dù cho rằng ban hành một quyết định “hồi tố” là cấp thiết, song trên thực tế Bộ Tài chính hẳn cũng tự thấy rằng “tự mình đang làm khó mình”. Hiện khoản tiền thuế mà doanh nghiệp phải nộp do quyết định điều chỉnh nâng thuế nhập khẩu chưa truy thu được. Việc “góp phần triển khai các giải pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế” cũng không thấy rõ (mục tiêu nâng thuế để ngăn chặn nhập khẩu thép trong trường hợp cụ thể này là không đạt được vì hàng hóa đã nhập từ trước). Không những thế, cơ quan này đã mất không ít thời gian cùng các cơ quan chức năng khác họp bàn, tranh luận về vấn đề này. Đến nay, sau hơn một năm, Bộ Tài chính vẫn chưa có quyết định cuối cùng rằng, Công ty Thành Long (và một số doanh nghiệp cùng cảnh ngộ) có phải nộp số thuế truy thu cho các lô hàng nhập khẩu trước thời điểm QĐ 123 có hiệu lực (2/2/2009) hay không.

Nguyễn Hà

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Sắp cắt giảm hàng loạt dòng thuế   (24/04/2010)

>   Rút ngắn thêm 2 ngày trong quy trình hoàn thuế (24/04/2010)

>   Luật Quản lý thuế: Nhiều cách hiểu (24/04/2010)

>   Mức khống chế vô lý (23/04/2010)

>   Ủy nhiệm thu thuế bất động sản vẫn vướng (23/04/2010)

>   "Kết quả kiểm toán là tiếng chuông cảnh tỉnh" (22/04/2010)

>   Bắt đầu giảm thuế nhập khẩu xăng dầu (20/04/2010)

>   Sắp cắt giảm hàng loạt dòng thuế (20/04/2010)

>   Đánh vào tiêu dùng xa xỉ? (19/04/2010)

>   Giữ bội chi để tăng mức đầu tư (16/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật