Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động:
Đánh vào tiêu dùng xa xỉ?
Vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với điện thoại di động (ĐTDĐ) đang được một số bộ, ngành bàn thảo. Tuy nhiên trong dư luận vẫn còn băn khoăn: ĐTDĐ là hàng hoá tiêu dùng thiết yếu hay là hàng xa xỉ? Nếu đánh thuế TTĐB vào hàng hoá thiết yếu liệu có ổn?...
Sử dụng ĐTDĐ gia tăng
Chưa có thống kê chính thức, nhưng số lượng ĐTDĐ tiêu thụ tại VN năm 2009 được cho là hơn 10 triệu chiếc, có ý kiến cho là khoảng 15 triệu chiếc. Kim ngạch NK ĐTDĐ vài năm trở lại đây không có biến động lớn-trên dưới 1 tỉ USD, do giá ĐTDĐ có cùng cấu hình, tính năng ngày càng giảm theo thời gian.
Thị trường ĐTDĐ và thông tin di động VN có tốc độ tăng trưởng cao và nhanh. Đến hết quý I/2010, cả nước đã có 117,9 triệu thuê bao di động. Số người sử dụng ĐTDĐ, có thể căn cứ vào số lượng thuê bao thực-hiện đạt trên 50 triệu - để suy ra, chiếm từ 60%-70% dân số hiện nay.
ĐTDĐ đã được sử dụng phổ biến, nhưng không thể xếp thành hàng hoá thiết yếu như gạo, nước, mắm, muối... Từ đứa trẻ học cấp 1 đến những người về hưu, cũng cần ĐTDĐ, cho thấy loại sản phẩm này đã trở thành hàng hoá thiết yếu của thời đại thông tin kỹ thuật số.
Nó là “cơm gạo” của thời đại tin học phát triển vũ bão, có thể tham gia vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống như thanh toán điện tử, mua vé trực tuyến, tìm đường đi, thông tin cảnh báo thiên tai và nhân tai...
Đánh thuế vào tiêu dùng xa xỉ
Vậy đánh thuế TTĐB vào ĐTDĐ có hợp lý? Dù được xem là hàng hoá thiết yếu trong thời đại công nghệ, nhưng cách tiêu dùng ĐTDD sẽ dẫn đến những hệ lụy khác nhau. Với nhu cầu bình thường, chỉ cần dùng các dòng ĐTDĐ có giá từ vài trăm ngàn đồng đến 2-3 triệu đồng/chiếc phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc hàng ngày, thì không thể đưa vào diện chịu thuế TTĐB được.
Thống kê từ các hệ thống bán ĐTDĐ hàng đầu tại VN như Thế giới di động, viễn thông A... cho thấy, các dòng ĐTDĐ giá từ 4 triệu đồng trở xuống chiếm khoảng 80% lượng tiêu thụ hàng năm. Trong năm 2010, theo dự báo, những dòng ĐTDĐ giá thấp và trung bình vẫn đóng vai trò chủ lực, trong đó góp phần lớn nhất là các thương hiệu điện thoại Trung Quốc NK về và ĐTDĐ thương hiệu Việt-với một số tên tuổi như Q-Mobile, Mobistar... đang dần lớn mạnh.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay cũng không thiếu các dòng ĐTDĐ giá cao, từ 5 triệu đồng/chiếc trở lên. Thậm chí, nhiều dòng ĐTDĐ thông minh (smartphone-SP) như iPhone, Black Berry, HTC... có giá xấp xỉ chục triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng/chiếc. Loại hàng xa xỉ (luxury) như Vertu có giá vài ngàn USD mỗi chiếc. Đồng ý rằng sản phẩm giá cao thì có nhiều tính năng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận các công nghệ mới, như công nghệ 3G đã triển khai tại VN.
Nhưng trên thực tế, các dòng ĐTDĐ chạy được 3G và có nhiều tính năng hiện đại giá cũng ngày càng giảm. Với 4 triệu đồng hiện nay, người tiêu dùng đã có thể tậu được một chiếc ĐTDĐ chạy được 3G và thêm nhiều tính năng tiên tiến. Nhưng hàng xa xỉ như Vertu, giá vài ngàn USD nhiều khi chỉ vì làm thủ công, số lượng ít, được nạm vàng đính kim cương, chứ không phải có nhiều tính năng công nghệ mới gì ghê gớm.
Bản thân những chiếc ĐTDĐ giá cao vẫn là hàng hoá thiết yếu trong thời đại công nghệ ngày nay, nhưng cách tiêu dùng nó lại góp phần gây ra nhập siêu. Một chiếc SP giá hơn chục triệu đồng có nhiều tính năng nổi bật, nhưng nhiều người mua nó sử dụng nhiều khi chỉ là xài sang để xây dựng hình ảnh.
Một chiếc Vertu giá vài ngàn USD, được giới thương nhân hay dùng, với mục đích khẳng định vị thế. Những cách tiêu dùng trên, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc hàng ngày, còn hàm chứa các mục đích có tính xa xỉ. Vấn đề còn lại là, nên áp thuế TTĐB đối với các dòng ĐTDĐ có giá từ bao nhiêu trở lên?
Thẩm Hồng Thụy
lao động
|