Thuế tài nguyên: Có tăng nhưng vẫn thấp hơn mức trần
Biểu thuế suất đối với các loại tài nguyên có tăng nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức trần cho phép.
Tiếp tục phiên họp thứ 30, chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét biểu thuế suất thuế tài nguyên. Nhiều ý kiến cho rằng, biểu thuế suất đối với nhiều loại tài nguyên cần tăng mạnh hơn và cụ thể đối với từng loại tài nguyên, vì nguồn tài nguyên có hạn và ngày càng cạn kiệt dần, đặc biệt là các loại tài nguyên không tái tạo.
Theo tờ trình của Chính phủ, trong danh mục nhóm, loại tài nguyên chịu thuế và mức thuế suất được phân chia làm 9 nhóm. Trong đó, biểu thuế suất thuế tài nguyên điều chỉnh sẽ tăng cao mức thuế suất đối với các loại tài nguyên không có khả năng tái tạo (như khoáng sản kim loại, dầu thô, khí thiên nhiên…), còn với những loại tài nguyên có khả năng tái tạo (như nước, hải sản tự nhiên…) thì cơ bản là thuế suất thấp.
Cụ thể, tài nguyên thuộc nhóm khoáng sản kim loại đều tăng so với hiện hành là 3%; nhóm khoáng sản không kim loại cũng tăng so với hiện hành (như cát từ 5% lên 10%, sét chịu lửa từ 7% lên 10%, cao lanh từ 7% lên 10%...).
Với mức thuế suất thuế tài nguyên được điều chỉnh như theo dự thảo của Chính phủ thì số thu thuế tài nguyên mỗi năm sẽ đạt khoảng 27.360 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thì mức thuế suất theo dự thảo của Chính phủ đối với hầu hết các tài nguyên không tái tạo chỉ được điều chỉnh với mức độ tăng nhẹ và rất thấp so với mức trần cho phép như: sắt, măng-gan ở mức 10% (tăng 3%, trong khi mức trần là 20%); bạch kim, bạc, thiếc ở mức 10% (tăng 3%, trong khi mức trần là 25%); kẽm, đồng, nhôm cũng chỉ ở mức 10% - mức trần là 25%, than là 5% và 7% - trần là 20%...
Đặc biệt, nhiều tài nguyên trữ lưỡng còn lại thấp, giá giao dịch trên thị trường thế giới khá cao nhưng lại có thuế suất rất thấp như ti-tan, đôrômít, quắczít, antraxít...
Cũng theo cơ quan thẩm tra, dự thảo biểu thuế suất cũng chưa quy định thuế suất riêng biệt mà vẫn theo nhóm và áp dụng một mức thuế suất chung cho nhiều tài nguyên, như bạch kim, bạc, thiếc vẫn trong cùng một nhóm với thuế suất 10%; chì, kẽm, nhôm, bô-xít, đồng, ni-ken cũng cùng một nhóm khác với thuế suất 10%...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu quan điểm, việc đưa ra mức thuế suất thuế tài nguyên cần phải được phân tích, nghiên cứu cụ thể, chi tiết với từng loại tài nguyên, như tài nguyên nào khuyến khích khai thác, tài nguyên nào không, trữ lượng ít hay nhiều, nhu cầu sản xuất kinh doanh của quốc gia ra sao…
“Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ lại chưa chỉ ra được vì sao nhóm này tăng thế này, nhóm kia tăng thế kia. Biểu thuế phải rất cụ thể chứ không thể bốc thuốc mấy phần trăm được. Nên nếu có thông qua cũng không an tâm”, ông Thuận nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phân tích, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam chủ yếu là xuất thô như mangan, ti- tan… nên cần phải điều chỉnh tăng mạnh hơn nữa. Và, vì “khung trần còn cao lắm”.
Đồng tình với những quan điểm trên nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, việc xây dựng biểu thuế suất cũng không nên nặng về thiên hướng “khư khư giữ tài nguyên” mà phải khuyến khích để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh sản xuất, tức là cũng không nên tăng thuế quá cao.
Trước những ý kiến chưa đồng tình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình, mức thuế suất “đánh” vào tài nguyên nhưng cũng “đánh” vào đầu vào của sản xuất. Vì thế, nếu chỉ đánh vào thuế tài nguyên để nhằm hạn chế xuất khẩu thì đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất trong nước cũng sẽ tăng lên.
Ông Ninh lấy ví dụ như than là mặt hàng xuất khẩu nhưng là đầu vào của điện. Nên nếu tăng thuế suất cao đối với tài nguyên than sẽ làm tăng đầu vào của ngành điện, và sẽ dẫn tới tăng giá điện. “Vì thế, việc xây dựng biểu thuế tài nguyên cũng phải đảm bảo các hoạt động sản xuất trong nước”, ông Ninh nói.
Do chưa đạt được sự đồng thuận của đa số các đại biểu nên Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đề nghị, dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên cần tiếp tục có thời gian để góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện, “cố gắng” đến ngày 18/4 báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu hợp lý thì sẽ thông qua.
Mạnh Chung
TBKTVN
|