Thứ Sáu, 16/04/2010 22:08

Giữ bội chi để tăng mức đầu tư

Bộ Tài chính đang có cơ hội giảm bội chi ngân sách năm 2009 xuống dưới 6,9% GDP nhờ tăng nguồn thu và giảm chi ngân sách so với con số đã báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu ngân sách năm 2009 đạt 442.340 tỷ đồng, tăng thêm 51.690 tỷ đồng so với con số báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, thu nội địa tăng thêm 30.006 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu tăng thêm 18.664 tỷ đồng…

Việc ngân sách tăng thu ngoài dự kiến, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh là nhờ các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng thông qua giảm thuế và lệ phí trước bạ, khiến các hoạt động giao dịch bất động sản và ôtô, xe máy trong nửa cuối năm 2009, đặc biệt trong những tháng cuối năm tăng đột biến. “Chỉ tính riêng xe ôtô, mức tiêu thụ trong quý IV/2009 tăng 50% so với 9 tháng đầu năm, nên tiền thuế thu được từ hoạt động sản xuất, lắp ráp xe trong nước đã tăng thêm 1.000 tỷ đồng; lệ phí trước bạ đăng ký ôtô, xe máy và bất động sản tăng 2.100 tỷ đồng; số thu từ thuế nhập khẩu ôtô  tăng trên 40%. Ngoài ra, các mặt hàng có thuế nhập khẩu cao khác như nguyên phụ liệu thuốc lá, sắt thép các loại… đều tăng rất mạnh đã góp phần tăng thu ngân sách ngoài dự kiến”, ông Ninh cho biết.

Với số tiền tăng thu kể trên, theo tính toán của ông Trịnh Huy Quách, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chỉ cần bỏ ra 6.719 tỷ đồng (sau khi đã chi hết các khoản theo Luật Ngân sách nhà nước) để xử lý một số khoản, thì bội chi ngân sách năm 2009 sẽ giảm xuống còn 6,5% GDP thay vì 6,9% GDP. “Trong điều kiện an ninh tài chính chưa thực sự bảo đảm vững chắc, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia đang ở mức gần 42% GDP, dự trữ tài chính và dự phòng ngân sách nhà nước còn mỏng, thì cần phải ưu tiên giảm bội chi và tăng trả nợ để giảm nghĩa vụ trả nợ của ngân sách”, ông Quách nhấn mạnh.

Theo nguyên tắc phần vượt thu ngân sách (so với con số đã báo cáo Quốc hội trước đó) của năm trước phải chi theo thứ tự ưu tiên gồm giảm bội chi - tăng trả nợ - bổ sung nguồn cho đầu tư phát triển - tăng dự trữ tài chính - tăng dự phòng ngân sách. “Cần phải chi phần vượt thu năm 2009 theo đúng nguyên tắc này”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh. Theo ông Thuận, năm nay cần phải đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm bội chi, bởi lạm phát đã quay trở lại (tốc độ tăng giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm đã lên đến 4,12%), nếu tiếp tục tăng chi “mạnh tay” cho đầu tư phát triển (ĐTPT) để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% sẽ gây áp lực rất lớn tới nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.

“Là người được giao trọng trách giữ ngân khố quốc gia, hơn ai hết, tôi là người muốn giảm bội chi nhất”, ông Ninh nhiều lần chia sẻ như vậy. Tuy nhiên, “ứng xử” với phần vượt thu ngân sách năm 2009, ông lại chưa muốn giảm bội chi như đề xuất của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà lại muốn tăng chi cho ĐTPT.

Năm 2009, nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, Quốc hội đã đồng ý tăng bội chi từ 4,82% GDP lên dưới 6,9% GDP. Theo đó, số bội chi đã tăng từ mức 87.300 tỷ đồng lên 115.900 tỷ đồng. “Toàn bộ số bội chi gồm 28.600 tỷ đồng đó, đều được tập trung cho ĐTPT - ông Ninh khẳng định - Nên cần phải sử dụng số thu tăng thêm để thu hồi phần vốn năm 2010 đã ứng trước cho ĐTPT nhằm thực hiện kích cầu ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, thay vì ưu tiên để giảm bội chi”.

Theo ông Ninh, nếu Quốc hội không đồng ý cho phép sử dụng phần tăng thu năm 2009 để thu hồi khoản ĐTPT ứng trước của năm 2010, thì khoản nợ treo này tiếp tục “đeo bám” trong dự toán ngân sách của các năm tiếp theo, tương tự như khoản nợ treo bù lỗ xăng dầu (Bộ Tài chính dự kiến sẽ sử dụng 2.100 tỷ đồng phần tăng thu năm 2009 để xử lý dứt điểm khoản bù lỗ xăng dầu phát sinh từ năm 2008 trở về trước) và ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách. “Chúng tôi mong Quốc hội vẫn giữ mức bội chi năm 2009 là 6,9% GDP, bởi nếu cố gắng giảm mức bội chi xuống 6,5%, thì ngân sách không có nguồn để thu hồi các khoản đã ứng trước và cũng không có tiền để tập trung cho ĐTPT”, ông Ninh nhấn mạnh.

“Quốc hội nên để mức bội chi ngân sách năm 2009 là 6,9%; số tiền dự kiến để giảm bội chi nên hoàn trả phần vốn đã ứng trước cho ĐTPT để hạn chế các khoản nợ treo cứ “tồn kho” hết năm nọ đến năm kia”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền bày tỏ đồng tình. Theo ông Hiền, nếu Quốc hội không đồng ý với phương án này, thì nên chuyển một phần tăng thu năm 2009 sang năm 2010 để góp phần giảm bội chi ngân sách năm nay xuống 6% GDP, thậm chí dưới 6% GDP thay vì mức 6,2% GDP như mục tiêu đã đặt ra.

Đồng tình với các quan điểm trên, tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cảnh báo: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn đầu tư, vì vậy không thể không vay (ứng trước vốn của năm sau) để đầu tư, nhưng Chính phủ cũng phải nghiên cứu lại, tránh việc ứng trước quá nhiều dễ dẫn đến không có nguồn để thanh toán nếu ngân sách không tăng thu làm ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia”.

Mạnh Bôn

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Thuế tài nguyên: Có tăng nhưng vẫn thấp hơn mức trần (14/04/2010)

>   Đẩy mạnh triển khai trả lương qua tài khoản (14/04/2010)

>   “Bộ trưởng không chi nhưng vẫn phải giải trình” (14/04/2010)

>   Sẽ ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Saudi Arabia (13/04/2010)

>   Đòi hỏi cải cách thuế ở Việt Nam hiện nay (13/04/2010)

>   Chậm kê khai thuế thu nhập cá nhân sẽ bị phạt (13/04/2010)

>   Phải nộp thuế TNCN khi chuyển “quyền mua suất” BĐS (13/04/2010)

>   Gỡ vướng chính sách thuế cho doanh nghiệp (12/04/2010)

>   Thu ngân sách nhà nước quý I đạt 115.820 tỷ đồng (12/04/2010)

>   Hợp đồng góp vốn duy nhất không được miễn thuế TNCN (10/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật