Mức khống chế vô lý
Để xác định thu nhập chịu thuế làm căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của các doanh nghiệp, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN thường quy định các mức khống chế về một số chi phí được chi. Đó là điều cần thiết trong quản lý. Song, có những mức khống chế chỉ là sản phẩm chủ quan của người quản lý, do đó nó không thấu lý, đạt tình.
Mức khống chế về nguyên giá được tính khấu hao đối với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống quy định tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính là ví dụ điển hình.
Thông tư 130 quy định một trong những khoản chi không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế để xác định thuế TNDN là “Phần trích khấu hao tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỉ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống mới đăng ký sử dụng và hạch toán trích khấu hao tài sản cố định từ ngày 1-1-2009 (trừ ô tô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn)”.
Các doanh nghiệp cho rằng việc khống chế nguyên giá xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không được vượt 1,6 tỉ đồng như trên chỉ có thể có hiệu lực đối với các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan, tổ chức mà nguồn vốn mua sắm là của Nhà nước. Quy định đó đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác là không hợp lý khi nguồn chi để mua xe là của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Luật Thuế TNDN năm 2008 và Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11-12-2008 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNDN” không có bất kỳ quy định nào về việc doanh nghiệp chỉ được tính khấu hao với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với nguyên giá không vượt quá 1,6 tỉ đồng.
Do đó, mức khống chế nêu trên là sự “vận dụng sáng tạo” của một thông tư hướng dẫn và đã vi phạm điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về “Quyền của doanh nghiệp” và khoản 3 điều 103 Bộ luật Dân sự quy định pháp nhân là “Tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình”.
Việc sử dụng xe nào phục vụ cho lãnh đạo doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố. Không phải tất cả các chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) các doanh nghiệp sử dụng xe cao cấp đều là lãng phí hoặc để “giải quyết khâu oai”.
Ngoài ra, Thông tư số 203/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính “Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định” quy định một trong những trường hợp không được trích khấu hao là “2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định quy định tại điểm 2.2 mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính...”.
Song, Thông tư số 203/2009/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 1-1-2010, tức là chỉ có hiệu lực đối với việc tự khai quyết toán thuế TNDN từ năm 2010 trở đi. Quy định về trích khấu hao tài sản cố định áp dụng cho năm 2009 là “Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định” ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12-12-2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Văn bản này không quy định mức khống chế như Thông tư số 130.
Như vậy, Thông tư số 130 và Thông tư số 203 của Bộ Tài chính đã mâu thuẫn nhau về hiệu lực thi hành của mức khống chế về khấu hao tài sản cố định. Từ đó, khi nộp báo cáo tài chính năm 2009, khá nhiều cơ quan quản lý thuế các địa phương đã không nhận báo cáo của doanh nghiệp khi việc tính khấu hao tài sản cố định vẫn thực hiện theo Quyết định 206/2003/QĐ-BTC.
Luật gia Vũ Xuân Tiền
TBKTSG
|