Luật Quản lý thuế: Nhiều cách hiểu
Đây là một thực tế khiến Bộ Tài chính lúng túng khi tổ chức thực hiện Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật này.
Thời hiệu thi hành văn bản
Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quy định văn bản QPPL được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó có hiệu lực. Theo quy định, Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ 1/7/2007. Tuy nhiên, có rất nhiều loại hành vi liên quan đến công tác quản lý thuế như: khai thuế, vi phạm pháp luật thuế, ấn định thuế, chậm nộp thuế… Trường hợp hành vi khai thuế xảy ra không cùng với các hành vi khác (khai thuế trước thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực, các hành vi khác xảy ra khi Luật đã có hiệu lực) - trong khi Luật Quản lý Thuế quy định việc xử lý hành vi này khác với Luật thuế Xuất khẩu, Nhập khẩu - sẽ dẫn đến cách thực hiện khác nhau cho cùng một lô hàng xuất, nhập khẩu tại cùng một thời điểm, gây nhiều thắc mắc, khiếu nại…
Đơn cử, trước 1/7/2007, hành vi thiếu thuế, gian lận thuế chỉ bị truy thu trong vòng 5 năm theo Luật thuế Xuất khẩu, nhập khẩu. Từ 1/7/2007, theo Luật Quản lý thuế, phải nộp đủ tiền thuế thiếu, không giới hạn theo thời hiệu. Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, một thông tư có thể hướng dẫn nhiều luật, nghị định (Điều 24 Thông tư 79/2009/TT-BTC hướng dẫn cụ thể điều 47 Luật Quản lý Thuế, Điều 22 Nghị định 85/2007/NĐ-CP, Điều 68 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002), nhưng các luật này có hiệu lực vào các thời điểm khác nhau và thời điểm có hiệu lực của Thông tư lại không trùng với thời điểm thực hiện các luật!
Về thời hiệu xử phạt hành vi chậm nộp thuế, Điều 10 Luật Quản lý Thuế quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm nộp thuế là 5 năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Theo đó có 2 cách hiểu khác nhau:
- Tính từ ngày bắt đầu chậm nộp đến ngày kết thúc chậm nộp: nếu quá 5 năm thì không phải nộp toàn bộ số tiền phạt chậm nộp
- Tính từ ngày bắt đầu chậm nộp đến ngày kết thúc chậm nộp: những ngày chậm nộp trong thời hạn 5 năm thì phải nộp phạt, những ngày chậm nộp quá 5 năm thì không phải nộp phạt. Điều này có thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, cố tình không nộp thuế đúng hạn, chậm nộp quá 5 năm để không bị xử phạt (theo cách hiểu thứ nhất).
Nhầm lẫn?
Điều 21 Nghị định 149/2005/NĐ-CP quy định truy thu thuế đối với hành vi gian lận, trốn thuế và hành vi nhầm lẫn trong kê khai, tính thuế, nộp thuế cũng được coi là có thể dẫn đến nhiều cách hiểu. Trong thực tế có hành vi không bị xử phạt theo chế tài đối với hành vi gian lận trốn thuế nhưng bị xử phạt về hành vi khai sai. Vậy khai sai không bị xử phạt về hành vi gian lận, trốn thuế thì có được coi là nhầm lẫn không?
Thực tế có 3 cách hiểu khác nhau với hành vi này:
- Khai sai nhưng không tự phát hiện ra sai sót, nhầm lẫn và chủ động khai bổ sung, nộp số tiền thuế còn thiếu, vì vậy bị coi là cố ý gian lận, trốn thuế.
- Khai sai nhưng không bị xử phạt hành vi gian lận, trốn thuế thì đương nhiên coi là nhầm lẫn vì không cố ý gian lận, trốn thuế (Quan điểm này dựa trên phương pháp loại trừ. Luật thuế XK, NK chỉ quy định truy thu thuế với hành vi gian lận, trốn thuế và hành vi nhầm lẫn, cơ quan chức năng không chứng minh được người nộp thuế gian lận, trốn thuế thì phải coi là nhầm lẫn).
- Cách hiểu thứ ba là người nộp thuế khai sai nhưng không chứng minh được do nhầm lẫn thì bị coi là gian lận, trốn thuế. Cách hiểu này dẫn đến khó thực hiện đúng và thống nhất; dễ gây tranh cãi giữa người nộp thuế và cơ quan thu thuế do khái niệm “nhầm lẫn” không được giải thích chính thức trong Luật.
Nếu những quy định “đa nghĩa” này không sớm được thống nhất thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý của cơ quan chức năng chắc chắn sẽ gặp nhiều vướng mắc.
Hà Thành
diễn đàn doanh nghiệp
|