Thứ Bảy, 10/04/2010 12:06

Kinh tế Trung Quốc 2010: Tác động và dự báo

Trung Quốc đã chính thức trở thành một cường quốc kinh tế với khả năng can thiệp sâu vào diễn biến kinh tế thế giới. Theo tờ Economist, ba yếu tố chính làm nên sức mạnh của quốc gia đông dân nhất thế giới nằm ở kích thước khổng lồ của thị trường trong nước, tốc độ phát triển và sự hội nhập rộng rãi với nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, số liệu thống kê vẫn hàm chứa những sự thật không thể chối cãi rằng bên trong nền kinh tế này vẫn tồn tại những rủi ro phát triển chậm lại do lạm phát và gánh nặng nợ nần của các địa phương.

Trung Quốc còn tiếp tục chịu nhiều sức ép của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và vẫn còn những lỗ hổng trong quản lý tiền tệ. Chính điều này đã kìm hãm mậu dịch công bằng và gây bất bình trong cộng đồng quốc tế thời gian đầu năm 2010. Các nhà hoạch định kinh tế của Trung Quốc đòi cán cân thanh toán phải nghiêng hẳn về phía có lợi cho họ, cộng với việc sử dụng các chính sách bảo hộ thương mại. Có thể nói Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nếu muốn vươn lên tầm phát triển của Nhật Bản và chiếm vị trí số hai trong nền kinh tế toàn cầu.

Kích thước thị trường rộng lớn

Để hiểu sâu hơn về kích thước thị trường của Trung Quốc, Ngân hàng Goldman Sach năm 2001 đưa ra khái niệm “BRIC”, viết tắt tên của 4 quốc gia trong nhóm đang phát triển có nền kinh tế vượt trội và tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (Brazil, Russia, India, China).

Khối BRIC chiếm hơn một phần tư tổng diện tích sinh sống và 40% dân số thế giới; nhưng trong khối, Trung Quốc nổi bật nhất. Không phải vô cớ ngay trong lần họp đầu tiên của khối tổ chức tại Yekaterinburg, Nga, tháng 6-2009, Trung Quốc đại diện cho 4 nước nêu lên kế hoạch định hình lại trật tự thế giới thành các khối đa cực với các cường quốc kinh tế và chính trị trong từng khu vực.

Tất cả các thành viên trong khối BRIC đều hiểu rõ, sức mạnh của khối hoàn toàn phụ thuộc vào quốc gia cuối cùng, Trung Quốc, với sức mua thị trường bằng 3 nước trên cộng lại, GDP cao gấp đôi Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu cao gấp rưỡi Brazil và chỉ riêng phần tăng trưởng thực (real) của GDP 2007- 2008 đã là 970 tỉ đô la Mỹ, gần bằng GDP thực của Nga trong cả năm (1.200 tỉ đô la).

Từ đó có thể suy ra mọi biến động kinh tế của 4 quốc gia này và các khu vực lân cận, từ châu Á đến châu Mỹ Latin, đều tùy vào nhịp đập của nền kinh tế Trung Quốc. Nói cách khác, ảnh hưởng của Trung Quốc là từ thị trường nội địa vô cùng lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển nền kinh tế cục bộ trước khi hướng ra ngoài thế giới.

Một dẫn chứng gần đây là chính sách thắt chặt tín dụng của Trung Quốc đầu năm 2010 đã dẫn đến chính sách “thắt lưng buộc bụng” của khối G8 và đa số các quốc gia đang phát triển khác. Trước đó, do lo ngại suy thoái, Trung Quốc đã ban hành gói kích cầu 586 tỉ đô la Mỹ, đẩy tăng trưởng GDP lên mức hai con số (10,7% sáu tháng cuối năm 2009).

Theo nghiên cứu của Giáo sư Kenneth Rogoff, Đại học Harvard, đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 8-2-2010, gói kích cầu, cùng với sự nới lỏng tín dụng đã đẩy nợ của các chính quyền địa phương và trung ương lên 1.300 tỉ đô la Mỹ, gần bằng một phần ba GDP năm 2009 và hơn 70% lượng dự trữ ngoại tệ quốc gia, khiến lạm phát tăng lên mức 4,8% và được dự đoán đến cuối năm nay sẽ tăng thêm ít nhất 0,7% nữa.

Rủi ro “bong bóng” tăng trưởng

Bỏ qua những yếu tố chính trị ràng buộc và chênh lệch thông số từ các nguồn khác nhau trong và ngoài nước, ngay trong những con số thống kê tăng trưởng “trên cả tuyệt vời” của Trung Quốc đã tồn tại những mâu thuẫn, phản ánh thực trạng kinh tế không thực sự sáng sủa.

Áp lực tăng giá đồng nhân dân tệ từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, khiến người dân Trung Quốc cũng như các nhà đầu tư trên thế giới phải đặt câu hỏi về bức tranh toàn cảnh: thị trường đông dân nhất thế giới này có thực sự phát triển vượt trội như những con số đã dự báo hay không? Bản thân Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong bài phát biểu đầu năm 2010 cũng thừa nhận, năm nay là một năm “đặc biệt phức tạp” cho nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Ôn hoàn toàn không đồng ý với những nhận định tiêu cực về sự thực đằng sau bức tranh phục hồi kinh tế diệu kỳ của Trung Quốc những năm gần đây, rằng vẫn còn tồn tại những vấn đề cốt lõi trong hệ thống tiền tệ và chính sách kinh tế của chính phủ nước này.

Tờ Sydney Morning Herald, Úc, ngày 4-3-2010 chẳng hạn, đăng tải nhận định của nhóm các chuyên gia tài chính đi đầu là Giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard cho rằng bong bóng khổng lồ tạo nên bởi gói kích thích kinh tế cùng với kỷ lục cho vay 1.400 tỉ đô la Mỹ riêng năm 2009 của chính quyền các địa phương đã khiến lạm phát trở nên khó kiểm soát và tạo nên “bong bóng nợ” (debt-fueled bubble). Tăng trưởng GDP có thể sẽ trở về trạng thái thực 2% so với con số 8,7% năm 2009.

So sánh Trung Quốc với các nước phát triển đặc biệt

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu trỗi lên như một cường quốc về xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sau năm 1998, các nhà kinh tế học thường xem lại lịch sử phát triển “đột biến” của Nhật Bản từ năm 1885 (Duy tân Minh Trị) và những năm 1960-1978, coi đó như ví dụ điển hình về sự tăng trưởng vượt trội, kéo theo một mối đe doạ mới (threat) cho các nước láng giềng.

Chỉ số so sánh rõ ràng nhất cho sự tăng trưởng này chính là thu nhập bình quân đầu người. Nếu như Mỹ cần đến 47 năm (từ 1839) để có thể nâng thu nhập bình quân đầu người lên gấp đôi thì Nhật Bản chỉ cần 34 năm (1885 thời Cách mạng Minh Trị); Ấn Độ mất 25 năm và gần đây nhất là “con rồng nhỏ” Hàn Quốc với thời gian 11 năm kể từ 1966.

Tuy nhiên, những con số này không thấm vào đâu so với “hiện tượng” Trung Quốc: chín năm kể từ 1978, chỉ số thu nhập đầu người tăng gấp đôi, tiếp tục tăng gấp đôi sau chín năm tiếp theo và đến 2007 thì tiếp tục tăng gấp đôi thêm một lần nữa, quả thật là tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc.

Tuy vậy, sự thực có phải “cơn bão” Trung Quốc đang tiến phăng phăng về đích, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai hay không? So sánh tăng trưởng của Trung Quốc từ 1998 đến nay và Nhật Bản từ 1960-1980, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc (tính theo sức mua tương đương) hiện là 6.500 đô la Mỹ, vẫn nhỏ hơn mức 8.900 đô la Mỹ mà Nhật đạt được năm 1980; xuất khẩu của Trung Quốc bằng 6,5% tổng sản lượng xuất khẩu của thế giới, chỉ hơn một nửa xuất khẩu của Nhật Bản (10,1%), chưa kể giá trị trung bình các mặt hàng công nghệ cao của Nhật Bản cao gần gấp bảy lần.

Năm 2007, xuất siêu của Trung Quốc đạt 3% GDP, nhỏ hơn xuất siêu của Hàn Quốc trong cùng năm (3,2%), chưa nói đến con số xuất siêu 4,5% của Nhật Bản. Như vậy, dễ thấy vì sao ở Trung Quốc vẫn còn tồn tại những vấn đề cốt lõi có thể ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ lên quá trình phát triển và hội nhập của quốc gia này.

Tỷ lệ dân số sống dưới thu nhập bình quân của Trung Quốc (6.500 đô la Mỹ/người/năm) rất cao trong thành phần dân số (900 triệu dân sống ở khu vực nông thôn), chênh lệch giàu nghèo cao bậc nhất thế giới (12,6/1), các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là hàng giá rẻ, dùng lao động phổ thông, cộng với luật bản quyền và các chính sách tiền tệ cố hữu kìm hãm sự đầu tư cho những mặt hàng công nghệ cao.

Với đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay, không thể phủ nhận các nhà chính trị gia và kinh tế học Trung Quốc đang mơ về những thành tựu to lớn hơn, chẳng hạn chiếm vị thế của Nhật trên vũ đài thế giới. Với nội lực và tiềm năng sẵn có, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế chung của thế giới vô cùng to lớn, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển không chỉ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn gián tiếp đến các nền kinh tế khác, kể cả châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, như Ben Bernanke, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ, đã nói sự vững chãi của nền kinh tế vĩ mô mới là điều thiết yếu. Nguyên nhân của thất bại không ở đâu xa ngoài sự lạm phát, chi tiêu của chính phủ, nhập siêu và định giá bất hợp lý đồng tiền. Trung Quốc cần rút ra hai bài học gần nhất của chính các nước Đông Nam Á và Nhật trong năm 1997 và cuộc khủng hoảng phạm vi toàn cầu hai năm trước để tránh một cuộc khủng hoảng nữa hoàn toàn có thể xảy ra trong vòng năm năm tới.

Một lần nữa, vấn đề không nằm ở các con số “hoàn hảo” về tăng trưởng mà chính là ở các điểm cốt lõi trong chính sách tiền tệ, phân bổ GDP, môi trường đầu tư, chính sách phân vùng lao động, cơ sở hạ tầng, luật bản quyền và định giá đồng bạc trong tương quan với xuất-nhập siêu.

Cả thế giới đang dần phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy nhiên không nằm ngoài quy luật, Trung Quốc cũng phải phụ thuộc vào chính bản thân mình để có thể tự đứng vững và bước đi tiếp trên từng nấc thang kinh tế.

Hưng Thịnh (Sydney, Úc)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bài học phía sau khủng hoảng nợ Hy Lạp (10/04/2010)

>   Chính phủ Costa Rica và Trung Quốc ký kết FTA (09/04/2010)

>   Triển vọng của các nền kinh tế mới nổi (09/04/2010)

>   Bóng ma vỡ nợ cận kề Hy Lạp (09/04/2010)

>   Chủ tịch FED cảnh báo về nợ công của Mỹ (08/04/2010)

>   Những dấu hỏi cho tiến trình phục hồi kinh tế ở châu Á (08/04/2010)

>   Kinh tế Nga có thể phục hồi vào thời kỳ 2013-2014 (07/04/2010)

>   Châu Á: Đối diện rủi ro khi rút kích cầu (07/04/2010)

>   Năm 2010, kinh tế ASEAN có thể tăng trưởng 5,6% (07/04/2010)

>   World Bank: Kinh tế Đông Á năm 2010 tăng trưởng 8.7% (07/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật