Thứ Năm, 08/04/2010 14:06

Chủ tịch FED cảnh báo về nợ công của Mỹ

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke nhận định, mức thâm hụt ngân sách khổng lồ hiện nay của Washington đe dọa sức khỏe dài hạn của nền kinh tế lớn nhất thế giới và cần sớm được khắc phục.

Theo tờ Wall Street Journal, lời cảnh báo trên được ông Bernanke đưa ra trong bài phát biểu trước Hội đồng Thương mại Dallas ngày 7/4.

Để biện minh cho mức thâm hụt ngân sách ngày càng phình ra, chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn lập luận rằng, kinh tế Mỹ dù đang phục hồi nhưng vẫn còn quá yếu ớt để có thể gánh thêm những khoản thuế mới và các khoản cắt giảm chi tiêu công - hai yếu tố cần thiết cho một chiến dịch giảm bội chi.

Trong bài phát biểu hôm qua, ông Bernanke đồng tình với quan điểm này của Chính phủ, nhưng cho rằng, chỉ cần có một kế hoạch cắt giảm ngân sách dài hạn được phác thảo cũng có thể hỗ trợ cho nền kinh tế hiện nay.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ngày 7/4 đã leo lên mức 3,9%, từ mức 3,25% vào cuối tháng 11/2009, một phần do những lo ngại về tình trạng “vung tay quá trán” của Washington khiến các nhà đầu tư lưỡng lự hơn trong việc mua nợ do Chính phủ Mỹ phát hành.

Lợi suất trái phiếu cao là một trong những nhân tố đẩy chi phí vay vốn gia tăng đối với các khoản vay dành cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì nhiều tổ chức cho vay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân điều chỉnh lãi suất theo lợi suất trái phiếu kho bạc.

Do đó, thâm hụt ngân sách đang gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, người dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải gánh chịu hoặc mức thuế lớn hơn, hoặc chế độ phúc lợi bị co hẹp, hoặc thậm chí là cả hai.

Mặc dù vậy, ông Bernanke vẫn cho rằng, giảm thâm hụt chi tiêu công là việc mà nước Mỹ phải làm. “Không có gì cản trở chúng ta bắt tay ngay vào việc lập một kế hoạch đáng tin tưởng để giải quyết những thách thức tài khóa dài hạn. Một kế hoạch thể hiện cam kết đạt tới sự bền vững trong tài khóa dài hạn có thể sẽ giúp hạ lãi suất trên thị trường và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn”, Chủ tịch FED phát biểu.

Ông Bernanke đồng thời cảnh báo, nếu Quốc hội Mỹ và chính quyền Obama không giải quyết vấn đề bội chi, lãi suất sẽ tiếp tục leo thang và làm trệch hướng tiến trình phục hồi kinh tế.

Ông Peter Orszag, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách thuộc Nhà Trắng, nhấn mạnh, Chính phủ đã có những bước tiến trong việc giảm bội chi như thúc đẩy một dự luật y tế với mục tiêu kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời thành lập một ủy ban riêng rẽ để đưa ra các khuyến nghị về cắt giảm thâm hụt. Tuy nhiên, ông Orszag cũng thừa nhận, những biện pháp này là “cần thiết nhưng chưa đủ”.

Mấy tháng gần đây, ông Bernanke tỏ ra khá lặng lẽ trước giới truyền thông vì ở trong giai đoạn chờ đợi Thượng viện phê chuẩn nhiệm kỳ thứ hai của ông ở ghế Chủ tịch FED. Ngoài ra, ông cũng bận rộn với việc thuyết phục các nhà làm luật không tước quyền giám sát các ngân hàng của FED trong một dự luật cải tổ ngành tài chính đang được xem xét.

Tới nay, khi việc phê chuẩn ghế Chủ tịch FED đã hoàn tất và quyền lực của FED được duy trì trong dự luật, ông Bernanke dự kiến sẽ có nhiều chuyến đi mới và sẽ phát biểu nhiều hơn về nhiều vấn đề trong những tháng sắp tới.

Việc ông Bernanke lên tiếng cảnh báo về tình trạng nợ nần của Mỹ được xem là nối tiếp “truyền thống”. Những người tiền nhiệm của ông như các cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan và Paul Volcker đều đã cảnh báo về vấn đề này khi còn đương nhiệm.

Thâm hụt ngân sách hàng năm của Washington hiện vượt mức 1.300 tỷ USD, tương đương hơn 10% sản lượng kinh tế Mỹ. Một phần nguyên nhân dẫn tới mức thâm hụt khổng lồ này là do suy thoái kinh tế gọt bớt thu ngân sách từ thuế, đồng thời gia tăng chi tiêu của Chính phủ Mỹ vào những chương trình xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp tem phiếu…

Theo ông Bernanke, thậm chí cả khi nền kinh tế đã phục hồi vững, thì thâm hụt ngân sách của Mỹ vẫn sẽ ở mức 4-7% GDP và vẫn bị xem là không bền vững.

Chủ tịch FED nhận định, kinh tế Mỹ đang trên đà và tỷ lệ thất nghiệp sẽ dần giảm xuống trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nhiều vấn đề đáng lo như người thất nghiệp lâu ngày sẽ bị sa sút kỹ năng làm việc, kéo theo triển vọng thu nhập dài hạn của họ giảm xuống; sự phục hồi của thị trường địa ốc Mỹ chưa đủ sức thuyết phục; lĩnh vực bất động sản thương mại vẫn gặp khó và gây rắc rối cho các nhà băng cấp vốn vay…

Trong bài phát biểu này, ông Bernanke không đưa ra tín hiệu gì về việc ông sẽ sớm nâng lãi suất cơ bản đồng USD từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% hiện nay. Trong khi đó, một số quan chức khác của FED thời gian gần đây đã nhận định rằng, mức lãi suất thấp có thể gây ra tình trạng bong bóng tài sản.

Kiều Oanh

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Những dấu hỏi cho tiến trình phục hồi kinh tế ở châu Á (08/04/2010)

>   Kinh tế Nga có thể phục hồi vào thời kỳ 2013-2014 (07/04/2010)

>   Châu Á: Đối diện rủi ro khi rút kích cầu (07/04/2010)

>   Năm 2010, kinh tế ASEAN có thể tăng trưởng 5,6% (07/04/2010)

>   World Bank: Kinh tế Đông Á năm 2010 tăng trưởng 8.7% (07/04/2010)

>   Thủ tướng Anh bảo vệ kế hoạch khôi phục kinh tế (06/04/2010)

>   Nợ công, thất nghiệp đe dọa kinh tế Italia (06/04/2010)

>   Mỹ muốn hâm nóng quan hệ kinh tế với Ấn Độ (06/04/2010)

>   Kinh tế Mỹ ngày càng đẩy lùi nguy cơ suy thoái kép (06/04/2010)

>   Ngân hàng Thế giới có là cứu tinh của nước nghèo? (05/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật