Thứ Năm, 08/04/2010 08:15

Những dấu hỏi cho tiến trình phục hồi kinh tế ở châu Á

Trong suốt thập kỷ qua, nhiều nhà phân tích đã dự báo về sự trỗi dậy của châu Á do quá trình sa sút của Mỹ và châu Âu. Nhiều nhận định cho rằng, năm nay châu Á sẽ trở thành động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cũng không ít dấu hỏi cho những nguy cơ với tiến trình phục hồi kinh tế khu vực.

2010 - cột mốc cho tăng trưởng kinh tế châu Á?

Đây là lời nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tiếng tăm, họ cho rằng năm 2010 sẽ là năm cột mốc cho tăng trưởng kinh tế châu Á, đánh dấu sự thay đổi cơ cấu lớn nhất của kinh tế toàn cầu ngày nay.

Theo Dave Carbon – phụ trách nghiên cứu tiền tệ và kinh tế của ngân hàng hàng đầu Xinhgapo DBS, năm nay, châu Á sẽ lần đầu tiên tạo ra nhiều mức cầu hơn Mỹ và trở thành động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Không kể Nhật Bản, mức cầu đã tăng nhanh ở châu Á trong 20 năm qua, đáng kể là đạt mức bình quân khoảng 7% đối với 10 nền kinh tế hàng đầu khu vực là Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và các thành viên ASEAN là Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xinhgapo, Thái Lan. Tính đến lúc này, quy mô tổng cộng của các nền kinh tế trên vẫn còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, quá trình tích lũy của 2 thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng đã giúp châu Á nay có quy mô bằng khoảng 44% kinh tế Mỹ.

Các số liệu GDP gần đây cho thấy,  nền kinh tế châu Á đang dẫn đầu sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ngày 22/2, Thái Lan thông báo trong quý IV/2009, kinh tế nước này đã tăng trưởng mạnh mẽ 5,8% so với cùng kì năm trước. Ngày 23, Đài Loan thông báo tăng trưởng quý IV là 9,2%. Tiếp đó, những số liệu từ Hồng Kông, Malaixia, Nhật Bản… cho thấy tất các nền kinh tế này đã trở lại tăng trưởng sau khi liên tục suy giảm kể từ cuối năm 2008.

Trong khi đó, nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, năm nay, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Các nền kinh tế mới được công nghiệp hóa như Hồng Kông, Xinhgapo, Hàn Quốc và Đài Loan dự kiến cũng sẽ đạt mức tăng trưởng dương. Tình hình ở Inđônêxia và Việt Nam hiện cũng khá tốt, trong khi tình hình kinh tế Thái Lan sẽ không sa sút vì không có dấu hiệu cho thấy giới đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi vương quốc này trong bối cảnh xảy ra các vụ hỗn loạn chính trị mới đây.

Có bền vững?

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế thuộc tạp chí The Economist cuối tháng 2 cho rằng, châu Á dường như đang dẫn đầu sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, là sai lầm nếu cho rằng kinh tế khu vực này đang phục hồi nhanh và vững chắc. Hiện vẫn chưa rõ là trong sự tăng trưởng đó thì phần nào là dựa vào các biện pháp kích thích có tính tạm thời và phần nào thì dựa vào nhu cầu nội tại của nền kinh tế.

Dường như châu Á đang dẫn dắt sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong khi các nước phát triển vẫn còn khó khăn. Dự báo tăng trưởng GDP của châu Á và Australia (không bao gồm Nhật Bản) trong năm 2010 sẽ là 6,8% và năm 2011 là 6,3%. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về tính bền vững của sự phục hồi của châu Á, chủ yếu do 3 yếu tố quan trọng sau:

Thứ nhất, số liệu tăng trưởng ấn tượng của một số nước châu Á là nhờ cơ sở so sánh thấp. Cuối năm 2008, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, do đó, không có gì là ngạc nhiên khi các số liệu so sánh với cùng kỳ năm trước của quý IV/2009 trở nên sáng sủa hơn.

Thứ hai, sự phục hồi của châu Á một phần là nhự tác dụng của việc thay đổi hàng tồn trữ. Cuối năm 2008, các công ty đã giảm mạnh hàng tồn trữ, làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu. Hiện nay, quy trình ngược lại đang diễn ra.

Yếu tố thứ ba giúp châu Á phục hồi đó là các gói kích thích tài chính lớn và việc nới lỏng các điều kiện tài chính. Nỗ lực kích thích của châu Á là quyết liệt hơn so với của các nền kinh tế phát triển. Kích thích của Trung Quốc là lớn nhất với kích thích tài chính lên đến 8% GDP và sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ thông qua các ngân hàng. Nhiều nước châu Á khác cũng đưa rá các chương trình chi tiêu trị giá ít nhất là 5% GDP. Nhờ đó nhu cầu nội địa đã tăng lên. 

Nguy cơ nào?

Đã xuất hiện nhiều lời cảnh báo cho rằng, sự hồi phục ấn tượng của châu Á không thể duy trì vô hạn định. Theo một số chuyên gia, mức tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ chậm dần khi nhu cầu chững lại, mức cung bị ảnh hưởng bởi tình trạng thừa công suất bắt đầu thể hiện hậu quả và các ngân hàng trung ương trong khu vực nhiều khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Mặc dù giá bất động sản đã được đẩy lên tới mức "bong bóng" tại một số thị trường ở châu Á - đặc biệt là ở Trung Quốc, Hồng Kông và Xinhgapo, song nhiều nhà kinh tế cho rằng các chính phủ và ngân hàng trung ương đã nhận thức rõ nguy cơ lạm phát của việc duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo quá mức, vốn được thực hiện để chống chọi với cuộc khủng hoảng toàn cầu, và hầu hết các chính sách này sẽ bắt đầu được siết chặt vào nửa cuối năm nay, khi sự phục hồi trở nên vững chắc.

Trong khi đó, khi nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh trở lại, sức ép về giá cả cũng tăng theo - điều mà một số người cho rằng có thể phá hoại thành quả của các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ trong thời gian trung hạn và nếu bị xử lý kém, sẽ gây ra những rắc rối mới về kinh tế. Lương thực và năng lượng là hai thành tố lớn trong chỉ số giá tiêu dùng ở châu Á và là hai lĩnh vực mà sức ép mới về giá cả sẽ được cảm nhận rõ nhất.

Giá dầu sẽ tăng cao hơn do sự phục hồi kinh tế của các nước nhập khẩu dầu ở châu Á làm tăng mạnh nhu cầu trên toàn cầu. Điều mà một số nhà kinh tế lo ngại là không giống năm 2008, giá hàng hóa và lạm phát cơ bản đang đẩy giá cả leo thang. Báo cáo của ngân hàng đa quốc gia HSBC, lạm phát cơ bản không còn ở mức "khả quan" như trước đây, đồng thời chỉ ra "những thay đổi về cơ cấu" lạm phát tại khu vực bị tác động bởi tình trạng thiếu lao động và các chính sách tiền lương linh hoạt.

Chưa hết, trong một nhận định đưa ra nhân chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng trước, Tổng Giám đốc điều hành ADB Rajat Nag cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể được coi là lời "cảnh tỉnh" buộc châu Á phải cam kết thực hiện các cuộc cải cách, trong đó có việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Mặc dù khu vực này đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự kiến, song khoảng 57 triệu người vẫn đang phải sống trong cảnh nghèo đói, những người lẽ ra sẽ phải thoát nghèo trong năm 2010.

Nên và không nên?

Tổng Giám đốc ADB Rajat Nag cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á nên tiến tới giảm bớt sự phụ thuộc nặng nề vào hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, và thay vào đó tìm cách thúc đẩy tiêu dùng nội địa. “Bản chất của việc tái cân bằng tăng trưởng ở châu Á chính là biến châu Á thành một khu vực tiêu thụ, chứ không phải là một khu vực sản xuất”, ông khẳng định.

Tháng tư này, ADB dự kiến sẽ nâng dự báo tăng trưởng của năm 2010. Tháng 12/2009, ADB dự đoán khu vực này, trừ Nhật Bản, sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay. Tuy nhiên, ông Nag cho rằng nên thận trọng trong việc bãi bỏ các biện pháp kích thích kinh tế, mà nhiều nền kinh tế đã áp dụng sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra năm 2008 do sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ. "Sự hồi phục diễn ra không mạnh, mà thậm chí còn rất mong manh, vì vậy chúng ta nên duy trì các biện pháp kích thích tài chính thêm một thời gian nữa".

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cũng không ủng hộ việc châu Á sớm kết thúc các biện pháp kích thích tài chính. Theo IMF, do sự phục hồi vẫn rất mong manh, nên các chính sách tài chính cần phải duy trì sự ủng hộ đối với hoạt động kinh tế trong thời gian gần. Gói kích thích tài chính dự kiến cho năm 2010 nên được thực hiện hoàn chỉnh. Việc các ngân hàng trung ương châu Á hành động đúng lúc và hiệu quả sẽ quyết định việc các nền kinh tế đang phục hồi ở châu Á có duy trì được tăng trưởng hay không, hay lại tạo ra các điều kiện kinh tế vĩ mô cho một cuộc khủng hoảng sắp tới trong khu vực.

Trong khi đó, mạng tin Asia Times lại có bài phân tích cho rằng châu Á là đầu tàu trong quá trình phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua. Hiện giờ, các chính phủ và ngân hàng trung ương cần phải dũng cảm cắt giảm các biện pháp kích thích chi tiêu và những biện pháp khác được áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng, nếu không khu vực này sẽ phải đối mặt với nguy cơ lạm phát ngày càng tăng, đặc biệt là về giá lương thực.

Hà Việt

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Kinh tế Nga có thể phục hồi vào thời kỳ 2013-2014 (07/04/2010)

>   Châu Á: Đối diện rủi ro khi rút kích cầu (07/04/2010)

>   Năm 2010, kinh tế ASEAN có thể tăng trưởng 5,6% (07/04/2010)

>   World Bank: Kinh tế Đông Á năm 2010 tăng trưởng 8.7% (07/04/2010)

>   Thủ tướng Anh bảo vệ kế hoạch khôi phục kinh tế (06/04/2010)

>   Nợ công, thất nghiệp đe dọa kinh tế Italia (06/04/2010)

>   Mỹ muốn hâm nóng quan hệ kinh tế với Ấn Độ (06/04/2010)

>   Kinh tế Mỹ ngày càng đẩy lùi nguy cơ suy thoái kép (06/04/2010)

>   Ngân hàng Thế giới có là cứu tinh của nước nghèo? (05/04/2010)

>   Châu Á là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới (03/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật