Bóng ma vỡ nợ cận kề Hy Lạp
Với chi phí vay vốn từ thị trường trái phiếu tăng từng ngày, Chính phủ Hy Lạp đang mất dần những cơ hội cuối cùng để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Theo tờ New York Times, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp liên tục leo thang trong mấy ngày gần đây, vấn đề mà châu Âu phải đối mặt lúc này không còn là liệu Athens có ý chí chính trị đủ cao để cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm giảm thâm hụt ngân sách, mà là liệu Hy Lạp có còn đủ tiền để cầm cự tới lúc họ có thể làm được những việc đó hay không.
Hôm 8/4, lợi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 10 năm đã vọt lên mức 7,5% từ mức 6,5% cách đó 3 ngày. Do đó, chi phí cho việc bảo hiểm rủi ro vỡ nợ của Hy Lạp cũng leo lên mức kỷ lục.
New York Times nhận định, thông điệp mà thị trường phát đi là quá rõ ràng: Giới đầu tư đã không còn bị thuyết phục bởi những ngôn từ “nghệ thuật” mà các nhà lãnh đạo châu Âu phát đi trong thông cáo chung về kế hoạch giải cứu Hy Lạp đạt được hồi tháng trước. Theo giới phân tích, để tránh vỡ nợ, Hy Lạp đang hơn lúc nào hết cần tới một sự giải cứu thực sự và nhanh chóng từ các nước láng giềng.
“Vấn đề lúc này không còn là khả năng thanh khoản nữa, mà là nguy cơ vỡ nợ đã quá cận kề”, ông Stephen Jen, một chuyên gia kinh tế từng làm việc trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hiện đang làm chiến lược gia tại công ty quản lý quỹ BlueGold Capital Management có trụ sở ở London, nhận định.
Tuy nhiên, tới giờ này, các quan chức châu Âu vẫn tranh cãi gay gắt xung quanh việc liệu các khoản vay dành cho Hy Lạp sẽ được áp dụng lãi suất thị trường hay mức lãi suất như dành cho một vụ giải cứu điển hình của IMF.
Hy Lạp hy vọng sẽ vay mượn được khoảng 30 tỷ Euro, tương đương khoảng 40 tỷ USD, từ châu Âu và IMF với lãi suất khoảng 4%, ngang với mức lãi suất mà IMF cho vay đối với các quốc gia nặng nợ khác.
Tuy nhiên, hy vọng này của Hy Lạp đồng nghĩa với việc IMF sẽ “đóng vai trò chính” trong kế hoạch giải cứu, như định chế này từng làm đối với các quốc gia Hungary và Latvia vốn không nằm trong khối sử dụng đồng Euro. Tuy nhiên, theo những gì mà người ta phỏng đoán về thỏa thuận giữa EU với IMF về vấn đề Hy Lạp, thì châu Âu chứ không phải IMF là người được đưa ra các điều khoản.
Do đó, với áp lực lớn từ phía Đức, các quan chức châu Âu tuyên bố rằng, Hy Lạp không được đón nhận một “củ cà rốt” nào với lãi suất mà IMF đưa ra, vì “củ cà rốt” đó chắc chắn sẽ đi kèm “cây gậy” - những đòi hỏi gắt gao mà định chế này thường đưa ra với các nước được cấp vốn vay.
Nếu nhìn sâu hơn, thì cuộc tranh cãi mới nhất này giữa các nước châu Âu quanh vấn đề Hy Lạp xuất phát từ quan điểm của nước Đức cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với châu lục này không phải là sự bất an của thị trường về tình hình khủng hoảng nợ. Chuyên gia Jen chỉ ra rằng, điều mà nước Đức lo ngại nhất là trong trường hợp Hy Lạp được giải cứu bằng một khoản vay với lãi suất “hời”, thì các nước khác cũng đang chịu thâm hụt ngân sách lớn như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng sẽ đòi hỏi được hưởng sự giúp đỡ tương tự.
“Cứu Hy Lạp không phải là việc khó, vì Hy Lạp chỉ chiếm có 3% GDP của châu Âu. Nhưng đây không còn là vấn đề tài chính nữa mà đã trở thành vấn đề về chính trị và chủ nghĩa dân tộc. Đây cũng thực sự là một trở ngại đối với những ai từng tin tưởng vào một châu Âu nhất thể”, ông Paul De Grauwe, một nhà kinh tế học đang là cố vấn cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, phát biểu trên New York Times.
Trong lúc các láng giềng mải tranh cãi, thì tình hình ở Hy Lạp mỗi lúc một nguy cấp.
Tại một buổi họp báo diễn ra hôm 8/4 tại Brussels, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet đã nỗ lực trấn an thị trường rằng, chương trình hỗ trợ Hy Lạp mà EU đã công bố với sự tham gia của IMF là “một cam kết rất, rất nghiêm túc”. Ông cũng khẳng định, sẽ không có chuyện Hy Lạp vỡ nợ.
Động thái trên của ông Trichet đã giúp hạ nhiệt lợi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp về mức 7,35%, nhưng vẫn không đủ sức thay đổi được tâm trạng bi quan của thị trường - lý do khiến các thị trường chứng khoán châu Âu ngày 8/4 kết thúc trong sắc đỏ.
“Thời gian không còn nhiều. Thị trường đang chất vấn giải pháp của châu Âu”, một quan chức cao cấp đề nghị không tiết lộ danh tính của Chính phủ Hy Lạp phát biểu trên tờ New York Times.
Đã xuất hiện những bằng chứng không thể phủ nhận cho thấy các cá nhân và tổ chức đang rút vốn khỏi các ngân hàng của Hy Lạp, mặc dù số lượng vốn bị rút đi chưa đủ lớn để khiến các nhà băng ở nước này tê liệt. Tuy nhiên, những ngân hàng đang suy yếu ở Hy Lạp còn phải đối mặt với cánh cửa hẹp dần trên thị trường vốn, rơi vào cảnh phụ thuộc nhiều hơn vào ECB và không còn cách nào khác phải gõ cửa Athens để xin cấp vốn từ các quỹ giải cứu đã được thành lập từ trước.
Một số nguồn tin thân cận tiết lộ với New York Times, Chính phủ Hy Lạp rất có thể cũng sắp sửa từ bỏ việc huy động vốn từ thị trường tư nhân. Mặc dù Athens tuyên bố vẫn sẽ thực hiện các cuộc đấu giá nợ ngắn hạn trong tuần này, kế hoạch phát hành trái phiếu tại Mỹ của họ có khả năng sẽ không được thực hiện trong trường hợp lợi suất trái phiếu Hy Lạp tiếp tục đứng ở mức cao.
Theo một nghiên cứu gần đây của ngân hàng Deutsche Bank, số tiền lãi nợ chính phủ mà Hy Lạp phải trả so với GDP của nước này đã ở mức cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Với một nền kinh tế tiếp tục suy yếu trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế, Hy Lạp càng kém khả năng tạo nguồn thu để chi trả cả nợ gốc lẫn lãi.
“Nếu nhìn vào tiềm năng GDP của Hy Lạp và chi phí vay vốn của nước này, người ta sẽ nhận thấy một khoảng cách khổng lồ”, chuyên gia Jen nhận định.
Sự leo thang của lãi suất áp dụng với nợ do Hy Lạp phát hành đã dẫn tới khả năng phải tái cơ cấu nợ cho nước này. Theo các nhà phân tích, các chủ nợ của Hy Lạp có thể buộc lòng chịu mất 20% giá trị số trái phiếu mà họ đang nắm giữ.
Điều này tương tự như những gì đã xảy ra sau khi Argentina phá sản với khoản nợ 93 tỷ USD hồi năm 2001. Giống như Argentina trước đây, Hy Lạp đang điêu đứng vì thâm hụt tài chính và sức cạnh tranh thấp của các ngành công nghiệp. Thêm vào đó, việc sử dụng đồng tiền chung khiến Hy Lạp không thể thực hiện biện pháp phá giá đồng tiền để hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo New York Times, ít có khả năng châu Âu tán thành giải pháp tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp, nhất là khi các ngân hàng của Đức và Pháp đang nắm giữ tới 100 tỷ Euro trái phiếu Hy Lạp.
“Nếu thực hiện tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp thì sau đó sẽ chẳng có ai còn muốn mua nợ của nước này nữa. Đó sẽ là một sai lầm lớn”, ông Yannis Stournaras, một nhà kinh tế học, nói với New York Times.
Kiều Oanh
TBKTVN
|