Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập:
Nâng chất lượng kiểm toán
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang dự thảo Luật Kiểm toán độc lập, sau 18 năm hoạt động kiểm toán chưa được điều chỉnh bởi văn bản pháp lý cao nhất.
Theo ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghệ VN - việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán đáng tin cậy hơn.
- Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập sẽ có những tiêu chuẩn mới nào nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán cũng như chất lượng kiểm toán viên?
- Cùng với nhu cầu phát triển, nhất là sau khi TTCK ra đời, vấn đề công khai minh bạch thông tin tài chính là rất cần thiết. Đặc biệt tới đây, các DN VN có ý định niêm yết trên TTCK quốc tế thì mức độ minh bạch đòi hỏi cao hơn nhiều.
Do đó, Luật Kiểm toán độc lập được định hướng hội nhập quốc tế nên sẽ đưa các điều khoản, thông lệ quốc tế mà VN phù hợp hoặc trong vòng vài năm tới sẽ phù hợp. Đặc biệt, điều kiện của kiểm toán viên hành nghề được nâng cao.
Chẳng hạn, thời gian thực tế làm kiểm toán ở DN kiểm toán phải từ 3 năm trở lên và là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán của VN. Kiểm toán độc lập là nghề có tính thực hành rất cao, nên kinh nghiệm thực tế phải được chú trọng.
- Mặc dù chất lượng các báo cáo tài chính (BCTC) của Cty đại chúng đã cải thiện nhiều nhờ kiểm toán độc lập; tuy nhiên, vẫn có nhiều vụ việc “lọt” lưới và NĐT phải gánh chịu hậu quả?
- Về chất lượng BCTC, nếu nói để thỏa mãn người sử dụng thì vẫn chưa đạt. Nhưng từ khi có hoạt động kiểm toán độc lập nói chung thì chất lượng thông tin tài chính của DN đã được nâng lên đáng kể.
Trước đây, các BCTC chỉ nhằm mục đích nộp thuế cho Nhà nước thì nay phục vụ của nhu cầu xã hội, đầu tư. Tất nhiên cũng có những rủi ro, sai sót về BCTC do cả chủ quan và khách quan. NĐT không nên coi kiểm toán độc lập là chiếc đũa thần. Mục đích kiểm toán BCTC là để tăng độ tin cậy của các thông tin tài chính. Kiểm toán có các phương pháp nghiệp vụ và cũng chỉ trên cơ sở chọn mẫu, chứ không giống thanh tra hay quyết toán thuế. Kiểm toán kiểm tra để BCTC cố gắng không có sai sót trọng yếu, làm xuyên tạc bản chất của báo cáo.
- NĐT khi tiếp cận thông tin kiểm toán cần chú ý điều gì?
- Kiểm toán độc lập chỉ nêu ra ý kiến, còn nghe và chỉnh sửa hay không là quyền của DN. Khi đọc một BCTC đã được kiểm toán thì NĐT lại hiểu là tất cả số liệu là đúng hết. Thực tế không phải vậy. Trong một báo cáo kiểm toán thì ý kiến của kiểm toán viên mới là quan trọng. Kiểm toán có 4 trường hợp đưa ra ý kiến.
Thứ nhất là chấp nhận toàn phần: Tất cả thông tin công bố về cơ bản là đúng. Đây là trường hợp tốt nhất. Thứ hai, có ngoại trừ: Về cơ bản là đúng, nhưng có những điểm sai hoặc có số liệu chưa được kiểm chứng phải ngoại trừ. Thứ ba, không chấp nhận: Tức là báo cáo không đủ cơ sở thông tin để có thể sử dụng được. Thứ tư, từ chối đưa ra ý kiến, tức là chưa kiểm toán.
Tóm lại, NĐT phải hiểu kiểm toán viên nói cái gì trong báo cáo kiểm toán. Nhận thức của NĐT sẽ nâng dần lên thì chất lượng kiểm toán sẽ tốt dần lên.
- NĐT thường lo ngại có sự thông đồng hoặc DN cố ý đưa ra các số liệu để có thể định hướng cho ý kiến của kiểm toán viên?
- Việc kiểm toán dựa nhiều trên căn cứ của chính DN và như đã nói ở trên, cũng có những nghiệp vụ chọn mẫu và vẫn có khả năng sai sót. Do đó, trình độ của kiểm toán viên phải tốt và tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.
Hiện tại, các tiêu chuẩn này khá chặt chẽ và theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên cũng phải làm tốt. Thường chỉ khi xảy ra vụ việc mới kiểm tra, chứ chưa có định kỳ đúng nghĩa để giám sát. Gần đây, UBCKNN xử lý nhanh và mạnh tay, nhưng các ngành khác còn chậm. Cuối cùng là yêu cầu của cổ đông và người sử dụng thông tin phải được nâng cao để hoạt động kiểm toán, kế toán có được những thông tin chất lượng ngày càng cao.
N.H ghi
Lao động
|